Đây là bệnh nhân Covid-19 có số ngày điều trị lâu nhất ở Việt Nam và cũng là nhân vật thu hút sự chú ý nhiều nhất của giới truyền thông.
Suốt trong thời gian viên phi công ấy điều trị bệnh, dường như không một ngày nào mà các báo ở Việt Nam không cập nhật tình hình sức khỏe của ông ta. Một tiếng thở, một cái hắt hơi cũng đủ để hàng triệu ánh mắt hướng về phía ấy với sự lo âu như thể với chính người thân của mình. Vì thế, việc chữa trị cho viên phi công này không còn là chuyện riêng của ngành y tế nữa, mà còn mang một ý nghĩa lớn lao hơn: Trách nhiệm quốc gia đối với một công dân ngoại quốc khi lâm nạn trên lãnh thổ của mình.
Cuối cùng thì chúng ta cũng đã hoàn thành một cách xuất sắc để cứu một nhân mạng đang cận kề cửa tử bằng sức lực, trí tuệ của các thầy thuốc Việt Nam. Qua đó gián tiếp nói với bạn bè năm châu rằng, tuy trong điều kiện còn thiếu thốn mọi bề về cơ sở vật chất nhưng các thầy thuốc Việt Nam vẫn có thể làm những điều kỳ diệu. Ngành y tế Việt Nam cũng gián tiếp gửi cho các đồng nghiệp trên thế giới thông điệp: Bệnh Covid-19 có thể chữa khỏi dù cho người bệnh ở trong bất kỳ tình trạng nào.
Những điều tốt đẹp của Việt Nam dành cho viên phi công người Anh thì ai cũng biết. Sự kính trọng và ơn nghĩa của ông ta đối với Việt Nam thì mọi người cũng đã tường. Tuy nhiên, cho đến trước ngày ông ấy lên đường hồi hương một hôm, điều khiến giới truyền thông lẫn mạng xã hội vô cùng bất ngờ là những "đề nghị" từ bệnh nhân này.
Đó là ông ấy từ chối các cuộc tiếp xúc với báo chí, chỉ gặp đại diện bên Việt Nam cùng Tổng Lãnh sự quán Anh quốc trong một "không gian hẹp". Bất ngờ là bởi, trong sự tưởng tượng và kỳ vọng của báo giới, buổi tiễn đưa ông ta về nước phải được diễn ra một cách "hoành tráng" với những diễn văn "hùng hồn", với lời đáp từ đầy cảm kích, với những thước phim quyến luyến lúc chia tay…
Lời đề nghị "bất ngờ" ấy lập tức được tung lên mạng kèm theo những chỉ trích gay gắt. Rằng ông ấy là kẻ không biết điều, thậm chí vô ơn, là chảnh chọe, là… bao nhiêu điều không tốt được trút lên đầu ông ta. Lại cũng có ý kiến "bênh" ông ấy, rằng đó là quyền riêng tư của người ta cần được tôn trọng; rằng ông ta đã trả tiền (đúng hơn là bảo hiểm trả) cho toàn bộ chi phí trong suốt thời gian điều trị chứ không phải "miễn phí"; rằng truyền thông và ngành y tế Việt Nam đã mượn hình ảnh của ông ta để quảng bá cho "thương hiệu" của mình như thế đủ rồi…
Ý kiến bên nào, nghe cũng có lý cả. Thú thật là sau 115 ngày đằng đẵng bên cửa tử ấy, giờ được về nước trong một tâm trạng rất vui nhưng một thể trạng chưa khỏe mạnh hoàn toàn thì việc "phải trả lời" hàng trăm tờ báo chờ chực sẵn ở… cửa bệnh viện là điều quá sức đối với một người bệnh vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh. Nhưng ra về mà để lại một lời "đề nghị" lạnh lùng quá, "tây" quá như thế có nên chăng? Tại sao lại không "mềm mại" một chút trong ứng xử thì có phải trọn vẹn hơn không… Trong trường hợp này, anh "tây" nọ nhập gia mà không tùy tục vậy.
Nhưng thôi, thế mới là cuộc sống. Lúc nào cuộc sống cũng có sự hao khuyết ấy để con người có cơ hội làm cho nó ngày một viên mãn hơn vậy.