Nhân vật bí ẩn giúp Lê Lợi đánh thắng trận Đông Quan

GD&TĐ - Ngoài Nguyễn Trãi, bên cạnh Lê Lợi còn rất nhiều danh tướng và danh sĩ tài giỏi.

Đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Triệu Thái.
Đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Triệu Thái.

Một trong những nhân vật bí ẩn, ít được sử sách ghi chép nhưng lại có công lớn giúp Lê Lợi đánh thắng quân Minh trong trận Đông Quan chính là Triệu Thái.

Triệu Thái người huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), thi đỗ tiến sĩ và làm quan dưới triều vua Minh Thành Tổ (Trung Quốc). Khi nghe tin Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, ông lấy cớ xin về nước thăm nom cha mẹ để theo phò giúp Lê Lợi.

Khi nước nhà độc lập, Lê Thái Tổ mở kỳ thi đại khoa chọn hiền sĩ. Triệu Thái lại ra ứng thí, ông đỗ đầu và trở thành người khai khoa của vương triều Lê Sơ.

Giai thoại Triệu Thái ra đời

Theo gia phả Triệu tộc ở xã Hoàng Chung (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), Triệu Thái sinh trong một gia đình thuần nông. Ban đầu, gia đình ở xứ Mả vàng (Nga Sơn) sau mới chuyển đến Hoàng Chung. Bởi vậy, ở địa phương vẫn còn câu ca “Trung Sơn phát tích/Nga Lĩnh lưu truyền”.

Giai thoại dân gian kể rằng, đôi vợ chồng nọ có con bò còm và con chó trắng nhưng chỉ có ba chân. Sống với nhau đến khi tóc đã hoa râm mà chưa có một mụn con. Xong thời vụ, ông già và con chó trắng ba chân thường chăn bò ở cánh đồng Khoang. Trong lúc ngồi nghỉ, có người đàn ông trạc tuổi đến ngồi bên vuốt ve hỏi xin con chó.

Ông già thơm thảo gật đầu đồng ý, người ấy nghe xong bỏ đi nhưng không mang con chó theo. Hôm sau, người ấy lại đến xin con chó, ông già vẫn đồng ý, nhưng người đàn ông vẫn không mang con chó theo.

Đến ngày thứ ba, người đàn ông lạ lại xuất hiện và hỏi xin. Ông già vẫn vui vẻ nhận lời. Lần này, người đàn ông lạ nói: Nếu cụ cho tôi thực thì cụ về thịt nó bày ra mâm, ngày mai cụ mang ra đây.

Ông già về làm thịt, hôm sau bày ra mâm bê đến. Người đó xuất hiện ngồi ăn, xong nói: Tôi là thần giữ của ở sau nhà cụ, thấy cả đời cụ là người cần cù chất phác, tôi mách cụ có 3 hũ vàng ở sau nhà, cụ ra đào lên mà dùng.

Về nhà, hai ông bà ra vườn đào thì đúng là có 3 cái hũ. Hai cụ khiêng vào cạnh giường nhưng không biết là của ai, nên cũng không ngó ngàng gì. Thời gian sau có người khách lạ đến quanh vườn ngó nghiêng, rồi hỏi có đào thấy gì không?

Ông bà kể hết sự tình, khách lạ ngạc nhiên là 3 hũ vàng vẫn nguyên vẹn. Khách biếu lại một hũ nhưng ông bà không nhận. Ông khách muốn đáp đền nên xin giúp cụ đặt một ngôi mộ phát.

Làm xong, họ dặn có ai đến hỏi ở nhờ thì cứ cho ở, xin làm thiếp thì cứ chấp nhận vì người con sẽ làm nên công danh sự nghiệp. Qua năm sau, có người đàn bà tuổi ngoài 30 đến xin ở trọ đi gặt thuê. Gặt xong, lại xin ở lại làm thiếp. Nhớ lời ông khách lạ, cụ ưng thuận để người ấy ở lại và Triệu Thái được sinh ra đời vào năm 1370.

Bỏ Minh triều về Lam Sơn

Triệu Thái là một trong các công thần góp sức giúp Lê Lợi đánh thắng giặc Minh.

Triệu Thái là một trong các công thần góp sức giúp Lê Lợi đánh thắng giặc Minh.

Theo gia phả Triệu tộc ở xã Hoàng Chung (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), Triệu Thái sinh năm 1370, sang Trung Quốc thi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ và làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ đời Vĩnh Lạc (nhà Minh).

Sau khi nhà Hồ rồi đến Hậu Trần thất bại trước cuộc xâm lược của nhà Minh, nước ta rơi vào ách đô hộ. Khi người anh hùng xứ Thanh – Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở vùng núi rừng Lam Sơn, thì Triệu Thái viện cớ xin về nước thăm cha mẹ để tham gia khởi nghĩa.

Khi chiếm được các thành nhỏ, thanh thế và lực lượng từng bước trưởng thành, Lê Lợi đã tính đến phương án tấn công trực diện vào thành Đông Quan - một thành trì có vị trí chiến lược trong cuộc chiến chống quân Minh, quyết định thành bại của khởi nghĩa.

Lúc đó, tướng giữ thành là Vương Thông – một tài tướng nhà Minh có kinh nghiệm dạn dày trong chiến đấu, vây thành và cố thủ trong thành. Phải mất rất nhiều sức lực, thành Đông Quan mới bị thu phục. Trong chiến thắng chung đó, lịch sử ghi nhận vai trò của Tiến sĩ Triệu Thái.

Từ những thông tin tình báo quan trọng của Triệu Thái, giúp Lê Lợi và Nguyễn Trãi đưa ra chiến lược vây thành diệt viện. Khi từ Trung Quốc hồi hương, có một khoảng thời gian Triệu Thái ở trong thành Đông Quan cùng với tướng nhà Minh là Vương Thông.

Khi bắt được liên lạc với quân khởi nghĩa, ông đã báo cáo toàn bộ tình hình phòng bị cũng như thực lực hiện có của quân Minh trong thành cũng như kế hoạch bổ sung viện binh do Liễu Thăng chi viện.

Đầu năm 1427, nhà Minh gửi 15 vạn viện binh sang cứu Đông Quan. Đây là lần tăng viện lớn nhất trong 9 lần gửi viện binh của nhà Minh suốt 20 năm đô hộ Đại Việt. Điều đó cho thấy, nhà Minh đã rất nỗ lực để duy trì ách đô hộ của họ.

Với chủ trương “vây thành, diệt viện”, nghĩa quân Lam Sơn một mặt vẫn siết chặt vòng vây thành Đông Quan, mặt khác lại cử những mũi quân thiện chiến đi đón đầu phục kích. Kết quả, 15 vạn viện binh nhà Minh do Liễu Thăng, Mộc Thạnh cầm đầu bị đập tan ngay tại biên ải.

Chiến thắng diệt viện binh đã làm cho thế và lực của nghĩa quân Lam Sơn tăng mạnh. Nhưng vì không muốn làm hao tổn xương máu của binh sĩ 2 nước, Lê Lợi vẫn theo đuổi phương án dụ hàng Vương Thông. Lê Lợi sai đem tướng giặc bị bắt là đô đốc Thôi Tụ, công bộ thượng thư Hoàng Phúc cùng song hổ phù của Liễu Thăng, 2 ấn bạc của 2 viên thượng thư Lý Khánh, Hoàng Phúc và nhiều tang vật thất bại khác ra trưng bày dưới thành Đông Quan cho tướng sĩ trong thành nhìn thấy.

Liệu đường không thể trông cậy vào sự may mắn nào để có thể xoay chuyển tình thế, Vương Thông chấp nhận tham dự Hội thề Đông Quan, rút toàn bộ quân sĩ về nước, kết thúc 20 năm nỗ lực đặt ách đô hộ lên Đại Việt.

Tận hiến 3 đời vua Lê

Văn bia có tên Tiến sĩ Triệu Thái ở Văn miếu Vĩnh Phúc.

Văn bia có tên Tiến sĩ Triệu Thái ở Văn miếu Vĩnh Phúc.

Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, vua Lê Thái Tổ giao cho Triệu Thái và các đại thần định ra bộ “Quốc triều điều luật”. Khi biên giới xảy ra tranh giành, các đại thần xin sai Triệu Thái sang nhà Minh tâu bày đòi đất. Hiện nay, tên của Triệu Thái được lưu danh tại Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc, và được chọn đặt tên cho ngôi trường ở quê hương Lập Thạch, cùng một con đường ở TP Vĩnh Yên.

Sau khi chiến thắng quân Minh, đất nước bị tàn phá nặng nề. Tháng 5 năm Kỉ Dậu, Triệu Thái ra ứng thi với tư cách là “người ẩn dật thông kinh sử” và đỗ thứ nhất, trở thành người khai khoa của vương triều Lê Sơ và nhận chức quan Thị Ngự sử.

Ông được vua Lê Lợi giao cho cùng với Phan Phu Tiên và Nguyễn Trãi soạn luật lệ triều Lê Lợi - nền móng ban đầu để đến năm 1484 Bộ luật Hồng Đức được ban hành.

Trong giới trí thức đương triều, sau khi Nguyễn Trãi dính vào vụ án oan Lệ Chi Viên, chỉ còn Triệu Thái và các học trò có khả năng giúp vua soạn thảo hoàn chỉnh bộ luật. Ngoài công việc được giao ở Ngự sử đài, Triệu Thái còn phải gánh vác tuyển chọn nhân tài cho triều đình nhà Lê.

Ở cương vị phó chủ khảo (vua là chủ khảo) khoa thi tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1442), Triệu Thái khảo hạch tấu trình lên vua chọn: Đệ nhất cập đệ 3 người, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân 7 người, đệ tam giáp tiến sĩ đồng xuất thân 23 người.

Trong kỳ thi này có Trạng nguyên Nguyễn Trực nổi tiếng trong sử Việt, từng họa thơ lưu biệt sứ Minh 50 vần, làm quốc thể vẻ vang được vua Nhân Tông sai họa chân dung để bên cạnh  tỏ ý không quên. Ngoài ra, còn Ngô Sĩ Liên - tác giả bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Như Đổ, Lương Như Hộc…

Từng đỗ tiến sĩ và làm quan nhà Minh nên Triệu Thái rất hiểu Trung Quốc. Bởi vậy, triều đình nhà Lê cử ông đi sứ thương thuyết về biên giới. Trải qua nhiều lần đòi đất, năm 1442 vùng Châu Khâm vẫn là lãnh thổ Việt Nam.

“Đại Việt sử ký toàn thư” có chép: “Mùa đông tháng 10 sai sứ sang nhà Minh… Thị Ngự sử Triệu Thái sang tâu việc địa phương Châu Khâm. “Việt sử thông giám cương mục” cũng ghi chép về việc này. Rất tiếc cho đến năm 1540 dưới triều Mạc, vùng này lại bị sáp nhập vào Trung Quốc.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, triều đình nhà Lê được thiết lập. Nhưng khi Lê Thái Tổ qua đời, những bất hòa trong triều trỗi dậy gây ra bao vụ án oan khuất khốc liệt cho các công thần khai quốc.

Lần lượt Tả tướng quân Trần Nguyên Hãn, Thái bảo huyện thượng hầu Phạm Văn Xảo, Nguyễn Chích, Nguyễn Trãi và loạt các tướng có công khác bị giết như Lê Sát, Lê Ngân…

Trong tình thế đó, Triệu Thái vẫn đứng vững qua ba đời vua Lê. Giới nghiên cứu sử học cho rằng, Triệu Thái theo con đường trung dung: Nói không quá lời, làm việc không quá nguyên tắc, không chiếm hết công lao, không đùn đẩy sai lầm.

Khi về già, nhận thấy trong triều đình nhiều rối ren, Triệu Thái cáo lão về quê nhà Hoàng Chung. Sau khi qua đời, Triệu Thái được người dân quê tôn là Thành hoàng làng, có sắc chỉ vua ban. Hiện, đình Hoàng Chung còn lưu giữ 5 sắc phong, trong đó có 3 sắc phong có liên quan đến phong thần cho Triệu Thái.

Theo gia phả Triệu tộc, đền thờ Triệu Thái được xây dựng từ lúc ông còn tại thế. Sau này, đền thờ được tu sửa, tôn tạo nhiều lần. Năm 1994, đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Triệu Thái được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ