Nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định một cách đầy đủ, toàn diện nhất vai trò lãnh đạo của Đảng, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng...

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sáng 27/3, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã giới thiệu, quán triệt chuyên đề “Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Khẳng định chiến lược phát triển tổng thể của đất nước

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhắc lại chủ đề đại hội lần thứ XIII của Đảng với 5 thành tố trọng tâm gồm: Thành tố về Đảng, thành tố về Dân tộc, thành tố về Công cuộc đổi mới, thành tố về Bảo vệ Tổ quốc và thành tố về Mục tiêu phát triển đất nước. Trong đó, điểm mới của Báo cáo Chính trị đó là nhấn mạnh nội hàm mới của những nhân tố này. Nhìn toàn cục, 2 nội dung bao trùm và xuyên suốt nhất đối với báo cáo chính trị là khẳng định một cách đầy đủ, toàn diện nhất vai trò lãnh đạo của Đảng, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Thứ 2 là nội dung “dân là gốc”, nhân dân là trung tâm, là chủ thể, là cội nguồn sức mạnh trong công cuộc đổi mới.

Giới thiệu về bối cảnh, quá trình chuẩn bị văn kiện trình Đại hội, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đó là thời điểm tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Xu hướng đa cực, đa trung tâm, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số; tác động của đại dịch COVID-19 trên nhiều mặt: kinh tế, chính trị, xã hội, quản trị…; các vấn đề an ninh phi truyền thống, các vấn đề toàn cầu… ảnh hưởng lớn đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, tình hình trong nước vẫn còn những khó khăn, hạn chế, thách thức. Đó là tăng trưởng chưa xứng với tiềm năng, chưa bền vững, chất lượng chưa cao; khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao. Các khu vực kinh tế như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, FDI, kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều hạn chế. Thể chế phát triển chưa đồng bộ, thực hiện vẫn là khâu yếu. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị…

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị văn kiện là: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Báo cáo Chính trị Đại hội XIII khẳng định chiến lược phát triển tổng thể của đất nước trong những năm tới là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên.

Muốn thực hiện được các mục tiêu phát triển đất nước, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, cần phải phát huy dân chủ XHCN, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nền văn hoá, con người Việt Nam. Cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bên cạnh đó, phải bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, muốn huy động, phát huy mọi nguồn lực phát triển phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Khẳng định 3 nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đó là: Vai trò lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng gắn bó chặt chẽ với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nói về mục tiêu tổng quát được khái quát từ chủ đề Đại hội XIII. Mục tiêu này được xác định là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định. Phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN.

12 định hướng phát triển

Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, nội dung cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 là phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định 12 định hướng chiến lược bao quát những vấn đề phát triển của đất nước trong 10 năm tới trên 3 hướng chính: Phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Định hướng thứ nhất là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững.

Thứ hai, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ tư, phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thứ năm, quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người.

Thứ sáu, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân, quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường…

Thứ bảy, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh kinh tế, an ninh mạng; chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa…

Thứ tám, tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả.

Thứ chín, thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ XHCN, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; cũng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội.

Thứ mười, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu…

Thứ mười một, tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Định hướng cuối cùng là tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng ta.

6 nhiệm vụ và 3 đột phá

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho hay, Đại hội XIII đã quyết nghị tập trung thực hiện mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn với 6 nhiệm vụ và 3 đột phá.

Cụ thể, 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII được xác định như sau.

Thứ nhất: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN.

Thứ hai: Tập trung kiểm soát đại dịch COVD-19, tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất-kinh doanh; có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.

Thứ ba: Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời. Giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

Thứ tư: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiếu số. Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.

Thứ năm: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, thực hành dân chủ XHCN của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị-xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ sáu: quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nói về 3 đột phá chiến lược được Nghị quyết Đại hội XIII xác định.

Thứ nhất là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách.

Thứ hai là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt; ứng dụng và phát triển mạnh khoa học-công nghệ; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam.

Thứ ba là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo baochinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.