Môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 (sách Cánh Diều):

Nhận thức đúng về tầm quan trọng dạy học tích hợp

GD&TĐ - Việc áp dụng dạy học tích hợp môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu học có vai trò quan trọng trong đổi mới thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhận thức đúng về tầm quan trọng dạy học tích hợp

Dạy học tích hợp là quan niệm dạy học nhằm hình thành và phát triển ở học sinh những phẩm chất và năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề, giúp cho việc học tập gắn liền với thực tiễn hơn. Việc áp dụng dạy học tích hợp môn Lịch sử và Địa lí ở tiểu học đóng vai trò rất quan trọng trong đổi mới thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chương trình môn Lịch sử và Địa lí chọn lọc những kiến thức cơ bản và sơ giản về tự nhiên, dân cư, một số hoạt động kinh tế, lịch sử, văn hóa của các vùng miền, đất nước Việt Nam và thế giới; các sự kiện, nhân vật lịch sử phản ánh những dấu mốc lớn của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 giúp học sinh khám phá thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh để bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước; ý thức bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam; tôn trọng sự khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia và dân tộc.

Từ đó bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước; góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Những nội dung tích hợp

Tích hợp nội dung giáo dục Lịch sử, Địa lí và một số nội dung văn hóa, xã hội trong các kết nối về không gian và thời gian.

Tích hợp nội dung bảo vệ môi trường, giáo dục giá trị nhân văn; gắn lí thuyết với thực hành, gắn nội dung giáo dục với thực tiễn nhằm hình thành, phát triển ở học sinh năng lực đặc thù của môn học và các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung được quy định trong Chương trình tổng thể.

Tích hợp kết nối với các môn học và hoạt động giáo dục khác như: Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm... giúp học sinh vận dụng tích hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều môn học và hoạt động giáo dục để giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống, phù hợp với lứa tuổi, góp phần đặt nền móng ban đầu cho việc giáo dục về khoa học xã hội ở các cấp học trên.

Chú trọng yêu cầu tích hợp, phân hoá được thể hiện ở nhiều mức độ và hình thức khác nhau, phân hoá được thể hiện ở việc học sinh được lựa chọn nội dung học tập hoặc bài tập phù hợp với mức độ nhận thức của học sinh. Các câu hỏi, bài tập được biên soạn theo hướng mở với mong muốn người học được thể hiện quan điểm, sự sáng tạo...

Tích hợp lồng ghép các nội dung giáo dục liên quan như: Bảo vệ thiên nhiên và phòng chống thiên tai, giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục tôn trọng sự khác biệt về văn hóa giữa các dân tộc...

Lưu ý khi xác định yêu cầu cần đạt trong các bài học tích hợp

Tùy vào nội dung của từng bài và đối tượng học sinh theo từng địa phương, vùng miền để giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy mức độ tích hợp phù hợp và có thể chuyển đổi thứ tự phân phối chương trình các bài dạy để dạy ở thời điểm thích hợp với kế hoạch trải nghiệm của nhà trường hay sự kiện, lễ hội tiêu biểu ở địa phương. Tích hợp giữa các kiến thức, kĩ năng lịch sử và địa lí, sau bài học các em đạt được năng lực Lịch sử và Địa lí.

- Như ở Bài 1: Làm quen với phương tiện học tập môn Lịch sử và Địa lí (tr.5 - 9).

+ Kể tên một số phương tiện hỗ trợ học tập môn Lịch sử và Địa lí như: Bản đồ, lược đồ, tranh ảnh, hiện vật…

+ Sử dụng được một số phương tiện hỗ trợ học tập môn Lịch sử và Địa lí.

Phẩm chất: Chăm chỉ làm việc theo cặp, nhóm các nhiệm vụ học tập được giao.

- Bài 2: Địa phương em (Tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, tr10 - 13), yêu cầu cần đạt về năng lực lịch sử và địa lí:

+ Xác định được vị trí địa lí của địa phương em trên bản đồ Việt Nam; Mô tả được một số nét chính về tự nhiên của địa phương có sử dụng lược đồ hoặc bản đồ; Trình bày được một số hoạt động kinh tế ở địa phương; Mô tả được một số nét văn hóa của địa phương; Lựa chọn và giới thiệu được ở mức độ đơn giản một món ăn, một loại trang phục hoặc một lễ hội tiêu biểu ở địa phương.

+ Kể lại được câu chuyện về một số các danh nhân ở địa phương.

Phẩm chất: Yêu quê hương, tự hào về quê hương mình và có trách nhiệm sẵn sàng hành động bảo vệ môi trường nơi các em sống và di tích lịch sử của địa phương.

Tích hợp trong các mạch kiến thức như ở Bài 8: Sông Hồng và văn minh sông Hồng (tr.42 - 45); Bài 9: Thăng Long – Hà Nội (tr.46 - 49); Bài 13: Cố đô Huế (tr.70 - 75).

- Yêu cầu cần đạt ở Bài 9, năng lực lịch sử và địa lí:

+ Xác định được vị trí địa lí Thăng Long Hà Nội trên bản đồ hoặc lược đồ; Phân tích được đặc điểm tự nhiên của Thăng Long thể hiện ở Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn; Nêu được một số tên gọi khác của Thăng Long - Hà Nội; Trình bày được một số nét chính về lịch sử Thăng Long - Hà Nội qua các tư liệu tranh ảnh, câu chuyện lịch sử về Thăng Long tứ trấn, sự tích Hồ Gươm, Hoàng Diệu chống thực dân Pháp, chuyện Hà Nội đánh Mĩ.

+ Sử dụng các nguồn tư liệu lịch sử và địa lí, nêu được Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của Việt Nam.

Phẩm chất: Thể hiện được ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.

- Bài 10, năng lực lịch sử và địa lí:

+ Xác định được một số công trình tiêu biểu: Khuê Văn Các, nhà bia tiến sĩ, Văn Miếu Quốc Tử Giám trên sơ đồ khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

+ Đọc tư liệu lịch sử, mô tả được kiến trúc và chức năng của một trong các công trình Văn Miếu Quốc Tử Giám, nhà bia tiến sĩ.

Phẩm chất: Bày tỏ, tự hào về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam và có ý thức giữ gìn các di tích lịch sử, văn hóa dân tộc.

- Bài 19. Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Nam Bộ (tr.99 - 106), năng lực lịch sử và địa lí:

+ Kể tên được một số dân tộc vùng Nam Bộ; Xác định được trên bản đồ vùng Nam Bộ sự phân bố một số ngành công nghiệp, cây trồng, vật nuôi; Trình bày được một số hoạt động sản xuất của người dân ở vùng Nam Bộ (ví dụ: Sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản,…).

+ Mô tả được sự chung sống hài hòa với thiên nhiên của người dân thông qua một số nét văn hóa tiêu biểu, ví dụ như nhà ở, chợ nổi, vận tải đường sông…

+ Nêu được truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng của đồng bào Nam Bộ, có sử dụng một số tư liệu tranh ảnh, câu chuyện lịch sử về một số nhân vật tiêu biểu của Nam Bộ như: Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thị Định…

Phẩm chất: Có ý thức trân trọng, tiết kiệm các sản phẩm nơi đây; niềm tự hào về truyền thống đấu tranh yêu nước của đồng bào Nam Bộ.

- Bài 20 (Thành phố Hồ Chí Minh, tr.107 - 112) khi dạy bài này yêu cầu cần đạt về năng lực lịch sử và địa lí:

+ Xác định được vị trí địa lí của Thành phố Hồ Chí Minh trên bản đồ, lược đồ; Kể được một số tên gọi khác của thành phố Hồ Chí Minh.

+ Trình bày được một số sự kiện lịch sử có liên quan đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Phẩm chất: Yêu quê hương, tự hào về lịch sử quê hương, đất nước.

- Bài 21 (Địa đạo Củ Chi, tr.113 - 116), khi dạy bài này yêu cầu cần đạt về năng lực lịch sử và địa lí:

+ Xác định được vị trí của Địa đạo Củ Chi trên bản đồ hoặc lược đồ; Mô tả được một số công trình tiêu biểu trong Địa đạo Củ Chi, có sử dụng tranh ảnh, tài liệu lịch sử.

+ Sưu tầm và kể lại được một số câu chuyện lịch sử về đào hầm ở Củ Chi, chống Mĩ ở Địa đạo Củ Chi.

Phẩm chất: Tự hào về truyền thống và tinh thần đấu tranh anh dũng, sáng tạo của dân tộc Việt Nam; có ý thức giữ gìn và bảo vệ di tích lịch sử ở Địa đạo Củ Chi.

Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học chủ yếu

Tìm hiểu các vấn đề lịch sử và địa lí lớp 4; luyện tập và thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống). Mỗi bài học có 4 giai đoạn học tập: Khởi động, Khám phá, Luyện tập, Vận dụng với các hoạt động đa dạng nhằm tăng cường tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Đề cao vai trò chủ thể học tập của học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo; tập trung rèn luyện năng lực tự học để học sinh tìm hiểu mở rộng vốn văn hóa cần thiết; rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Vận dụng các phương pháp kĩ thuật dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể. Kết hợp các phương pháp thuyết trình, đàm thoại, thảo luận, tranh luận, đóng vai, dự án,.. Chú trọng các phương pháp đặc trưng cho môn học.

Sử dụng hợp lí và có hiệu quả các thiết bị dạy học như: Mô hình hiện vật, tranh lịch sử, hình ảnh, băng ghi âm lời nói của các nhân vật lịch sử, lược đồ, bản đồ, sơ đồ tư duy, các bản thống kê, so sánh, phim, video, các phiếu học tập có nguồn sử liệu, phần mềm dạy học…

Phát triển các năng lực tự chủ và tự học: Khuyến khích và tạo điều kiện cho học sinh tự mình thực hiện các nhiệm vụ được phân công khi học tập, tham quan; biết đặt ra các câu hỏi đơn giản, tự tìm kiếm và phân tích những thông tin, trả lời câu hỏi về lịch sử và địa lí.

Đối với những năng lực giao tiếp và hợp tác: Khuyến khích học sinh diễn đạt rõ ràng ý kiến của mình, tự tin trao đổi, thảo luận khi có các quan điểm khác nhau, làm việc theo nhóm, chia sẻ suy nghĩ, lắng nghe ý kiến của người khác, cùng nhau xây dựng ý tưởng trong quá trình học tập các vấn đề về lịch sử và địa lí.

Thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập, giáo viên giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu như: Yêu quý thiên nhiên, thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường xung quanh, yêu quý cộng đồng, yêu quê hương, quý trọng lịch sử và văn hóa dân tộc Việt Nam, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia và dân tộc trên thế giới.

Một số lưu ý khi xây dựng và thực hiện kế hoạch bài dạy

Để môn Lịch sử và Địa lí gắn liền với thực tiễn thì cần tích hợp vào các tiết Hoạt động trải nghiệm tổ chức tham quan tại thực địa như: Di tích lịch sử, các địa chỉ đỏ, nhà truyền thống, viện bảo tàng,..

Đây chính là các nhân chứng cụ thể, là con đường ngắn nhất để giúp học sinh có kiến thức, kĩ năng cơ bản, khơi dậy niềm đam mê, có lòng yêu nước, yêu quê hương, trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội.

Với các bài học từ 2 tiết trở lên, giáo viên chỉ soạn 1 kế hoạch bài dạy và mỗi tiết học chỉ tổ chức thực hiện 1 - 2 hoạt động cụ thể cho học sinh thực hiện (ưu tiên thời gian để học sinh tự học, tự khám phá kiến thức mới, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, nêu vấn đề).

Các nhà trường cần tổ chức các Câu lạc bộ về môn Lịch sử và Địa lí. Khi xây dựng kế hoạch dạy câu lạc bộ thể hiện được điểm mạnh của vùng miền hay địa phương nơi em sinh sống về vị trí địa lí, tài nguyên trên lược đồ, bản đồ. Đặc biệt là khi nói về nhân vật lịch sử giáo viên cung cấp sự kiện, nhân vật lịch sử rồi yêu cầu học sinh tìm hiểu, khám phá về nhân vật sự kiện đã nêu.

Học sinh nắm kiến thức trọng tâm, phát huy tư duy tích cực, tự học của học sinh. Yêu cầu học sinh phải tham khảo tìm kiếm nhiều nguồn tài liệu để bổ sung cho quan điểm của mình. Giáo viên không áp đặt, không bắt buộc ghi nhớ máy móc ngày tháng, sự kiện mà tôn trọng học sinh, khích lệ, động viên học sinh đánh giá sự kiện, nhân vật lịch sử.

Vận dụng linh hoạt trong cách tổ chức các bài dạy tích hợp lịch sử và địa lí trong điều kiện dạy học của trường mình hay của địa phương mình nhưng phải đảm bảo nguyên tắc về mục tiêu chương trình môn Lịch sử và Địa lí.

Các nội dung đưa vào bài học phải có mối quan hệ logic chặt chẽ với các kiến thức có sẵn trong bài học. Khi dạy tích hợp môn Lịch sử và Địa lí địa phương (làng, xã, huyện, tỉnh, thành phố hay khu vực vùng, miền). Các kiến thức của bài học được xem là nền tảng cho kiến thức địa phương được tích hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ