Mô hình giáo dục mới với sự xoay chuyển phương pháp dạy học, trang thiết bị sẽ được áp dụng rộng rãi trong trường phổ thông |
(GD&TĐ) - Với Nghị quyết Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, nhiệm vụ quan trọng trước mắt chính là thống nhất về tư tưởng. Toàn ngành Giáo dục sẽ có kế hoạch học tập, quán triệt Nghị quyết với điểm nhấn là đội ngũ cán bộ cốt cán, trên cơ sở đó tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức của toàn xã hội. Nhận thức đúng để có hành động đúng.
Thắng lợi chung từ trí tuệ tập thể!
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về sự kiện Hội nghị lần thứ 8 (Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI) thông qua Nghị quyết về “Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Trong niềm vui trước vận hội mới, vị tư lệnh ngành Giáo dục gửi lời cảm ơn sâu sắc tới tất cả các nhà giáo, cán bộ quản lý đã nghỉ hưu, đồng bào, đồng chí trong và ngoài ngành Giáo dục, các lưu học sinh ở nước ngoài… đã tận tâm, tận lực, tự giác sáng tạo, cầu thị, chia sẻ với ngành Giáo dục trong thời gian vừa qua.
Được biết, để có được những đề xuất trong nghị quyết, các tổng kết, đánh giá, phân tích về thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay đã được làm công phu, nghiêm túc, với sự tham gia rộng rãi của chuyên gia, cán bộ quản lý trong và ngoài ngành Giáo dục trong mấy năm qua.
Cùng đó là việc nghiên cứu kinh nghiệm (thành công, không thành công) của các nền giáo dục, các cuộc cải cách giáo dục ở các nước; nghiên cứu, học hỏi, tham khảo kinh nghiệm thiết kế chương trình và viết SGK của khoảng 40 nước; sự giúp đỡ tư vấn của chuyên gia nhiều Bộ Giáo dục các nước, của Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều tổ chức quốc tế khác.
Thành quả của sự đồng lòng, đồng sức, của trí tuệ tập thể mong mỏi một vận hội mới cho Giáo dục Việt Nam đã được thể hiện ở nội dung của Nghị quyết Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Và quan trọng hơn cả, đó là sự lắng nghe ý kiến từ xã hội, sự chia sẻ, nhất trí cao trong toàn ngành Giáo dục. Đây là nền tảng quan trọng tạo đà cho các bước triển khai Nghị quyết trong thực tiễn.
Học sinh tiểu học được học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” |
Sự ủng hộ từ chính quyền địa phương, các gia đình học sinh
Tinh thần, tư tưởng của Nghị quyết Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong thực tế đã rất gần gũi với các nhà trường, các thầy cô giáo và cha mẹ học sinh. Bởi trong 3 năm qua, ngành Giáo dục vừa nghiên cứu lý thuyết, vừa áp dụng mô hình giáo dục mới trong thực tiễn và đã thu được thành công. Đó là: Mô hình VNEN, công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1, phương pháp “Bàn tay nặn bột”…
Với công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1 theo Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, kết quả cho thấy năng lực tiếng Việt của học sinh tăng lên, không tái mù chữ sau kỳ nghỉ hè và những năm học sau; học sinh nhanh biết chữ, không quên và viết đúng chính tả.
Còn phương pháp “Bàn tay nặn bột” – phương pháp hướng dẫn học sinh tiếp thu kiến thức dựa trên các hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm, tìm tòi khoa học, không học tập thụ động, máy móc theo lối truyền thống - cho thấy không cần đầu tư lớn, chỉ cần tập huấn đội ngũ thầy cô giáo hiện nay là có thể thay đổi được cách dạy và cách học;
Dự án mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) cho thấy đã đổi mới các hoạt động sư phạm trong nhà trường, bảo đảm cho học sinh có được kiến thức, kỹ năng qua tự học và hoạt động tập thể; học sinh được tự quản, tự tin; gắn bó nhà trường, gia đình và xã hội.
Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông đã thu hút được 94 trường của 34 tỉnh/thành phố tham gia đã huy động, động viên các giảng viên đại học, các nhà khoa học tham gia hướng dẫn học sinh, giáo viên phổ thông nghiên cứu khoa học kỹ thuật, nhờ đó năm 2012, đoàn Việt Nam đã đoạt giải Nhất, năm 2013 đoạt 2 giải Tư.
Việc kết hợp phương pháp “Bàn tay nặn bột” với phương pháp tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục và VNEN đã mở ra khả năng giảm tải, chống dạy thêm học thêm, tạo tiền đề để triển khai từng bước đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông.
Tổng kết cho thấy việc thí điểm không chỉ diễn ra ở một tỉnh/thành phố; không chỉ ở các địa phương có điều kiện thuận lợi, mà đã triển khai cả ở các tỉnh rất khó khăn như Lào Cai, Kon Tum, Bắc Kạn, Cà Mau, Kiên Giang…
Thành công của các mẫu thí điểm này đã khẳng định sự đúng đắn, tính thực tế và khả năng nhân rộng của các mô hình. Các mẫu đã triển khai khẳng định khắc phục được hiện tượng dạy thêm học thêm (tràn lan). Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục có sự tổng kết để hoàn thiện các mô hình mới này, trên cơ sở đó xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức.
Có thể thấy ngành Giáo dục đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ xã hội, từ chính quyền các địa phương trong quá trình triển khai các mô hình giáo dục mới.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đây là nguồn sức mạnh to lớn để giúp các mô hình, dự án giáo dục có được thành công hôm nay, và cũng thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao của xã hội trước những đổi thay tích cực của ngành Giáo dục trong thời gian vừa qua và sắp tới.
Cơ sở vật chất phục vụ nâng cao chất lượng giáo dục cần được đầu tư mạnh mẽ |
Lên kế hoạch học tập, quán triệt Nghị quyết trong toàn ngành Giáo dục
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo: Trong thời gian tới, sau khi Ban chấp hành T.Ư Đảng chính thức ra Nghị quyết đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, sẽ có các buổi học tập, quán triệt Nghị quyết trong cơ quan Bộ GD&ĐT và toàn ngành Giáo dục.
Với những công việc đang tiến hành, cần rà soát để đẩy nhanh tiến độ. Cùng đó là sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo cho những phần việc sắp tới.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ có một kế hoạch và phân công nhiệm vụ rõ ràng trước hết là trong ngành và sau đó đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp thực hiện để đưa Nghị quyết nhanh chóng đi vào đời sống.
- Công nghệ giáo dục tiếng Việt lớp 1 đã triển khai ở 19 tỉnh với 1.038 trường (2.881 lớp và 57.680 học sinh). Năm học 2013 - 2014 có thêm 18 tỉnh đăng ký triển khai chương trình này. - Năm học 2012 - 2013, phương pháp “Bàn tay nặn bột” đã được triển khai ở 350 trường tiểu học của 63 tỉnh/thành và 120 trường THCS của 12 tỉnh/thành phố. - Mô hình trường học mới (VNEN) thực hiện ở 63/63 tỉnh/thành phố với 1.447 trường (9.291 lớp, 212.754 học sinh). Năm học 2013 - 2014 các địa phương đăng ký mở rộng áp dụng thêm 200 trường. |
Gia Hân