Nhận thức của phụ huynh, thí sinh đã thay đổi

GD&TĐ - Dưới góc nhìn của những người làm công tác giáo dục ở phổ thông, bức tranh tuyển sinh năm nay có tác động lớn từ việc nhận thức của phụ huynh, thí sinh đã thay đổi. Bên cạnh đó, công tác phân luồng, hướng nghiệp cũng đã bắt đầu phát huy hiệu quả.

Nhận thức của phụ huynh, thí sinh đã thay đổi

Bỏ cơ hội ở trường top đầu để được học đúng nguyện vọng

Có con năm nay vào đại học, cô Nguyễn Thị Thúy - giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Bà Rịa - Vũng Tàu) - chia sẻ: Kỳ tuyển sinh 2016, cháu nhà tôi đăng ký vào 2 trường là ĐH sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh và ĐH Bách khoa Hồ Chí Minh.

Ngành Cơ khi là lựa chọn của cháu với sự đồng thuận của cha mẹ ngay từ lớp 11 nên khi nộp hồ sơ đăng ký vào trường đại học không phải đắn đo nhiều; mặc dù vẫn có sự cân nhắc kỹ dựa trên sức học, điểm thi THPT quốc gia, điểm trúng tuyển vào trường những năm trước...

Tuy đạt điểm đủ để vào Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, nhưng cuối cùng cháu vẫn chọn học Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Quyết định từ bỏ trường top trên để học tại trường “chiếu dưới” nhưng đúng nguyện vọng này được cả nhà ủng hộ nhiệt tình. Tôi tin rằng, phụ huynh hiện nay nhiều người cùng có đồng quan điểm như vậy.

Về việc cha mẹ muốn rút hồ sơ nộp từ trường top dưới không theo nguyện vọng từ trước, cô Nguyễn Thị Thúy thẳng thắn cho rằng không ủng hộ cách này.

“Bản thân tôi và con trước và sau khi thi THPT quốc gia đã xác định nếu không thi đậu vào trường theo đúng nguyện vọng học cơ khí thì sẽ ở nhà ôn thêm năm nữa chứ nhất định không học ngành khác. Khi được học đúng ngành mình yêu thích, định hướng tương lai rõ ràng, chắc chắn việc học tập sẽ hiệu quả hơn.

Vậy nên, việc định hướng nghề nghiệp cho con là rất quan trọng. Ngay từ lớp 10, 11, đầu lớp 12, phụ huynh cần tham khảo ý thích, nguyện vọng của con mình, cùng trao đổi, thống nhất và theo sát mọi quyết định của con. Đây chính là mục tiêu để con phấn đấu trước kỳ thi quyết định vào đại học” - cô Nguyễn Thị Thúy chia sẻ.

Kỳ tuyển sinh năm nay, chắc chắn có không ít trường hợp tương tự như câu chuyện của cô Nguyễn Thị Thúy. Nhận thức của phụ huynh, học sinh đã thay đổi, không còn tìm mọi cách để được vào đại học mà có cái nhìn thực tế hơn, gắn lựa chọn sau THPT với năng lực và đặc biệt là cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường.

Chọn vào ĐH chỉ là một trong nhiều con đường sau tốt nghiệp

Khẳng định phụ huynh và học sinh ngày càng nhận thức rõ điều này, thầy Hà Đình Sơn - Hiệu trường Trường THPT Yên Dũng 2 (Bắc Giang) - lấy ví dụ từ ngay thực tế của trường mình:

Học sinh của trường, nhóm thứ nhất khá đông lựa chọn học hết lớp 12, sau đó đi làm công nhân phổ thông (mức lương từ 5 đến 8 triệu) một thời gian (khoảng 1 năm) để kiếm tiền chi dùng những nhu cầu bản thân, sau đó mới tính tiếp.

Nhóm hai lựa chọn đi xuất khẩu lao động vì nhiều cha mẹ học sinh đang ở nước ngoài lao động và muốn con em mình sang.

Cũng có một số chọn du học Nhật Bản và Hàn Quốc (vừa học vừa làm). Số này mỗi năm ở trường có khoảng từ 20 đến 30 học sinh. Nhiều trường khác cũng vậy. Xu hướng này ngày càng "thịnh" vì các lứa học sinh trước đi theo con đường này rất khả quan và phù hợp với gia đình ở nông thôn.

Một nhóm khác, kết quả thi THPT quốc gia ở cụm ĐH không cao, các em ở nhà 1 năm đi làm kiếm tiền, sang năm thi lại để vào những trường như mơ ước.

Có những học sinh mức học ở tầm trung, không dự thi ĐH nhưng vẫn dùng học bạ để xét vào các trường ĐH ở tốp giữa. Những học sinh này kết quả học lực thường khá, hạnh kiểm tốt. Ngay trong khi đang học lớp 12 đã chấp nhận đăng kí xét vào các trường ĐH hệ dân lập để nhận học bổng và chính sách ưu đãi của trường ĐH.

“Đơn cử, thí sinh Nguyễn Diệu Linh, lớp trưởng lớp 12A10 (lớp chọn khối C), học lực khá nhưng chủ động không thi đại học mà sử dụng kết quả THPT xét tuyển vào các trường ĐH tốp dưới để tìm kiếm học bổng và đúng nguyện vọng ngay từ ban đầu. Hiện Linh đã nhập học tại Trường ĐH Kinh Bắc ở Bắc Ninh, khoa Du Lịch” - thầy Hà Đình Sơn chia sẻ.

Cũng theo thầy Sơn, tại trường THPT Yên Dũng số 2, tỉ lệ học sinh lựa chọn không thi ở cụm đại học giảm mạnh, kể cả khi cụm thi đại học đặt ở tại tỉnh.

“Năm 2015, số học sinh của trường đăng kí thi THPT quốc gia là 497 em; trong đó có 333 học sinh đăng kí thi cụm đại học là, 164 học sinh đăng kí thi ở tại tỉnh lấy điểm xét tốt nghiệp.

Năm 2016, trong số 492 học sinh đăng kí thi THPT quốc gia, chỉ có 203 em thi cụm đại học, số thi tại tỉnh lấy điểm xét tốt nghiệp cao hơn hẳn, lên tới 289 học sinh. Đây là sự thay đổi ở nhiều trường THPT, không chỉ ở THPT Yên Dũng 2” - Thầy Hà Đình Sơn cho biết.

Lượng học sinh đăng ký dự thi chỉ với mục đích xét tốt nghiệp tăng là tình hình chung của Bắc Giang. Ông Ngô Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang - cho biết: Nếu như 2015, toàn tỉnh có 49,58% thí sinh đăng ký tại cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì thì năm 2016, số này tăng lên 55,7%.

Từ đó có thể khẳng định, nhiều thí sinh của Bắc Giang không có nguyện vọng vào học ĐH. Số khá đông thí sinh tốt nghiệp THPT sẽ đi làm hoặc đi học nghề sau đó đi làm.

Tác động từ phân luồng

Năm học 2015-2016, tỉ lệ học sinh tỉnh Bến Tre chọn thi THPT quốc gia ở cụm thi tốt nghiệp khoảng 27% (gần 2.500 thí sinh), tăng hơn năm học trước khoảng 4%. Số lượng học sinh lớp 12 thi THPT quốc gia giảm đều trong cả nước, chẳng hạn như ở Bến Tre, số học sinh thi THPT quốc gia giảm hơn năm trước khoảng 25% (khoảng 3.000 thí sinh).

Đưa ra thông tin này, ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre - nhận định: Rõ ràng các trường THPT đã quan tâm tăng cường tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh vào học cao đẳng, trung cấp theo năng lực và trên thực tế, khuynh hướng học sinh chọn học cao đẳng, trung cấp tăng dần lên. Điều này cũng góp phần làm giảm số lượng học sinh đăng kí xét tuyển vào ĐH.

“Thời gian gần đây, các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng đã chủ động hơn trong phối hợp với trường, cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức tư vấn nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp, giúp học sinh có định hướng và lựa chọn ngành nghề đáp ứng với nhu cầu lao động ở địa phương và phù hợp với năng lực của mình.

Nhiệm vụ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chủ yếu được thực hiện qua việc phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT hàng năm. Theo đó, sẽ có 75-78% học sinh tốt nghiệp THCS (trên dưới 10.000 học sinh) vào lớp 10 THPT; khoảng 10% (trên dưới 1.800 học sinh) vào lớp 10 hệ Giáo dục thường xuyên và còn khoảng trên 10% (trên dưới 1.800 học sinh) là nguồn tuyển cho các hệ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề.

Số lượng học sinh vào học các trường trung cấp, trường nghề ở Bến Tre cũng có khuynh hướng tăng. Ngoài ra, những năm qua và trong năm 2015, một số trường THPT trong tỉnh đẩy mạnh việc tư vấn cho học sinh chọn học cao đẳng, trung cấp, học nghề ở một số nước, đặc biệt là ở Nhật hiện có hơn 100 học sinh tốt nghiệp THPT sang học cao đẳng, trung cấp“ - ông Nguyễn Văn Huấn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ