Nhân sự bảo đảm an ninh trường học: Tắc từ cơ chế đến giải pháp tài chính

GD&TĐ - An toàn, an ninh trường học đang là vấn đề bức thiết của không ít trường học. Nhiều vụ việc người ngoài vào trường hành hung giáo viên, học sinh đã xảy ra vì không có lực lượng bảo vệ chuyên trách.

Nhiều trường dân lập bảo vệ an toàn cho học sinh ngay từ việc đi lại.
Nhiều trường dân lập bảo vệ an toàn cho học sinh ngay từ việc đi lại.

Định biên nhân sự bảo vệ, bài toán tài chính là những rào cản đối với cơ sở giáo dục trong công tác này.

Tiền “an ninh cổng trường”: Phụ huynh không đồng tình

Hiểu được khó khăn và việc cần thiết phải có lực lượng chuyên nghiệp bảo vệ học sinh, giáo viên trong và ngoài cổng trường, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  ban hành Công văn số 8027/UBND-VP ngày 12/8/2019 hướng dẫn thu và sử dụng các khoản thu khác của cơ sở giáo dục và đào tạo công lập từ năm học 2019 – 2020 trên địa bàn tỉnh.

Trong công văn trên, UBND tỉnh cho phép các trường được thu tiền “Tổ chức trực an ninh cổng trường” (mục 6. khoản thu thỏa thuận phục vụ) nhằm giúp trường học có nguồn kinh phí để xoay sở, chủ động thuê và hợp đồng với công ty cung ứng dịch vụ bảo vệ an ninh cho nhà trường. Tuy nhiên, khi các trường thực hiện, phụ huynh không đồng tình và tố các trường có dấu hiệu “lạm thu” khi thu khoản kinh phí trên (40.000 đồng/học sinh/năm) vì không có trong quy định của Bộ GD&ĐT. Việc phụ huynh phản ánh, ý kiến về vấn đề trên khiến UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang nghiên cứu để điều chỉnh nội dung Công văn số 8027/UBND-VP.

Điều 2 Quyết định số 46/2007/QĐ-BGDĐT quy định về công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có nêu rõ: Yêu cầu của công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong trường học là nhiệm vụ thường xuyên của các trường học. Nhà trường phải phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa chính quyền với các tổ chức đoàn thể trong trường học; nhà trường với địa phương và gia đình người học. Đặc biệt, nhà trường phải chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, chủ động phòng ngừa kết hợp với đấu tranh, xử lý nghiêm trường hợp cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, cán bộ, nhân viên và người học vi phạm pháp luật.

Luật quy định rất rõ vai trò và trách nhiệm của nhà trường trong việc bảo đảm an ninh trường học. Thế nhưng cơ chế hoạt động hiện nay có quá nhiều rào cản, nhất là định biên bảo vệ trường học không được xác lập khiến các trường chẳng biết xoay sở ra sao. “Nhà trường đang cố gắng co kéo, lấy khoản này đắp khoản kia để có thể thuê, hợp đồng với đơn vị chuyên cung cấp nhân sự lĩnh vực này. Đây là bất cập cần sớm được tháo gỡ, giúp các trường thuận lợi hơn trong việc bảo đảm an ninh trường học” - cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Mai Anh quận Thủ Đức, TPHCM nói.

 Ông Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ: Xã hội hóa GD là điều kiện và nền tảng lớn trong việc hỗ trợ các trường phục vụ học sinh tốt hơn. Ngân sách cấp cho Giáo dục dù lớn nhưng vẫn hạn hẹp, vì vậy việc các trường có được sự chung vai, chia sẻ từ phụ huynh là điều cần thiết để hoạt động giảng dạy, phục vụ, dịch vụ cho học sinh. Tuy nhiên, có không ít khoản thu tự nguyện, có sự đồng thuận của phụ huynh vẫn khiến không ít hiệu trưởng e ngại, không dám thu vì sợ… vướng luật.

Hiện tượng hàng rong bao vây cổng trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho HS.
Hiện tượng hàng rong  bao vây cổng trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho HS.

Loay hoay tìm giải pháp

Không có định biên bảo vệ, nhiều trường phải linh hoạt, chủ động kết hợp các khoản thu, hình thức hợp tác lao động để cân đối chi phí thuê bảo vệ. Có trường sử dụng nguồn thu từ khoản phí giữ xe mỗi ngày (kết hợp việc trông xe cho phụ huynh), để có lực lượng bảo vệ bảo đảm an ninh trong và trước cổng trường. Có trường trích lập nguồn tiền từ phí bán trú học 2 buổi, bán trú…

Cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11, TPHCM cho biết: Với trường có quy mô từ 1000 - 1.500 học sinh cần 2 - 3 nhân sự làm công tác bảo vệ, an ninh. Chi phí lương cho lực lượng này đều do trường linh hoạt từ các nguồn thu (bán trú, bán trú 2 buổi) để trả cho lực lượng trên.

“Cơ chế đã tắc, các giải pháp tài chính để thuê mướn lực lượng bảo vệ cũng gặp khó vì xen cài quá nhiều quy định và pháp lệnh nên gần như các trường đều phải chủ động nguồn lực trong khả năng để thuê, hợp đồng nhân sự bảo vệ cho mình. Với các trường ở đô thị, khu đông dân cư thực hiện bán trú, bán trú học hai buổi (thu thỏa thuận với phụ huynh) còn có chút nguồn tài chính để trích lập cho việc thuê bảo vệ. Với trường vùng sâu, xa, không có bán trú sẽ rất khó khăn. Tài sản các trường hiện lớn hơn trước rất nhiều, không ai bảo vệ, trông coi, lỡ mất mát thì người chịu trách nhiệm vẫn là nhà trường” - cô Nguyễn Thị Kim Hương chia sẻ.

Nhìn nhận công tác bảo đảm an toàn, an ninh trường học trong bối cảnh hiện nay với học sinh và giáo viên vô cùng bức thiết, ông Lê Minh Cường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Minh, Quận 9, TPHCM cho rằng: Lực lượng bảo vệ an ninh trường học ở bậc học nào, hệ thống giáo dục nào (công lập hay ngoài công lập) đều quan trọng. Trường tư không có gì phải bàn, nhưng với trường công lập, lực lượng này cần phải được xem xét một vị trí định khung công việc để giảm bớt khó khăn cho các trường. “Giao trọng trách bảo đảm an ninh trường học cho nhà trường nhưng lại không cho hiệu trưởng cơ chế mở, minh bạch về tài chính để duy trì lực lượng làm công tác này là không hợp lý” - ông Cường nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.