Nhân rộng phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực

Nhân rộng phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực

(GD&TĐ) - Hôm nay (14/8), tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn Giảng dạy khoa học ở trường tiểu học theo phương pháp Bàn tay nặn bột. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đến dự và phát biểu chỉ đạo

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo tại chương trình tập huấn
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo tại Chương trình tập huấn

Tham dự chương trình tập huấn có GS.TS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, các giáo sư, chuyên gia các trường đại học nước Cộng hòa Pháp và gần 200 cán bộ quản lý, giảng viên của 68 trường ĐH, CĐ trong toàn quốc có đào tạo giáo viên tiểu học.

Nhân rộng, triển khai đại trà trong cả nước

Chương trình Tập huấn diễn ra trong 2 ngày (14 - 15/8), nội dung tập huấn do GS. Maryvonne Stallaerts và GS. Elisabeth Plé thuộc các trường ĐH nước Cộng hòa Pháp đảm nhận.

Những kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện thí điểm đề án “Triển khai phương pháp Bàn tay nặn bột ở trường phổ thông giai đoạn 2011 - 2015” đã góp phần tích cực trong việc đổi mới phương pháp, hình thức quản lý dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục của các trường TH và THCS ở Việt Nam.

Theo đó, trong 2 năm 2014 và 2015, phương pháp Bàn tay nặn bột sẽ được triển khai đại trà, nhân rộng ở các trường phổ thông trong cả nước.

Hiện ở bậc tiểu học, phương pháp Bàn tay nặn bột (PP BTNB) đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành; mỗi địa phương triển khai ở hai trường và mỗi trường thí điểm 2 lớp. Ở bậc THCS, đã có 12 tỉnh, thành tổ chức triển khai thí điểm ở một số trường.

Để phục vụ công tác triển khai PP BTNB, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT phối hợp với các trường ĐH sư phạm và các Sở GD&ĐT tổ chức biên soạn bộ tài liệu giới thiệu chung và hướng dẫn về phương pháp BTNB. Đồng thời, viết tài liệu hướng dẫn riêng cho cấp TH và ở một số môn Lý, Hóa, Sinh ở cấp THCS. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên thuộc các địa phương có triển khai phương pháp BTNB.

Phát biểu khai mạc Chương trình tập huấn, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Dưới sự hướng dẫn của các giáo viên, giảng viên, từ rất sớm, học sinh TH, THCS sẽ được làm quen với những phương pháp học tập theo định hướng phát triển năng lực. Bước lên bậc THPT, với những điều kiện học tập thuận lợi, học sinh sẽ bắt đầu tiến hành thực hành, nghiên cứu, giải quyết các vấn đề khoa học.

Đây thực sự là một hướng đổi mới quan trọng trong việc thay đổi phương pháp, hình thức dạy học, cũng như làm thay đổi quan niệm chất lượng giáo dục. Tạo điều kiện cho việc vận dụng kiến thức vào thực tế để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và đảm bảo tính tích hợp kiến thức trong dạy học.

Về một số khó khăn, vướng mắc mà các trường gặp phải khi triển khai áp dụng phương pháp BTNB, ảnh hưởng đến việc nhân rộng phương pháp vì thiếu sự nhất quán trong công tác chỉ đạo từ các cơ quan quản lý và liên quan đến kế hoạch, chương trình dạy học của nhà trường, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao đổi: “Muốn triển khai thực hiện phương pháp BTNB thì trước hết các trường phải xây dựng được chương trình giáo dục mới trên cơ sở sự chủ động của nhà trường. Giáo viên tích cực sắp xếp lại nội dung dạy học, thậm chí chủ động thiết kế lại các bài giảng trong sách giáo khoa, linh hoạt tăng, giảm thời lượng các bài học. Đồng thời, giáo viên cũng không nên tạo áp lực cho chính bản thân mình trong quá trình thực hiện”.

Thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự nghiệp phát triển GD&ĐT Việt Nam.
Thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự nghiệp phát triển GD&ĐT Việt Nam.

Các trường ĐH, CĐ sư phạm phải chủ động vào cuộc

Thực tiễn cho thấy, việc áp dụng PP BTNB ở trường phổ thông đã có những đóng góp quan trọng, tạo bước chuẩn bị cho việc thay đổi, đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015. Song đây cũng là một thách thức đối với các trường ĐH, CĐ Sư phạm thực hiện nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên.

Để có sự phối hợp chặt chẽ, thương xuyên giữa các cơ quan quản lý, các khoa sư phạm, các trường ĐH, CĐ sư phạm với các trường phổ thông tham gia triển khai PP BTNB, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu:

“Những thay đổi mạnh mẽ của các trường phổ thông trong thời gian qua đòi hỏi các trường ĐH, CĐ - mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ, giảng viên - cần phải có sự thay đổi nhận thức, quan điểm. Đồng thời, kịp thời nắm bắt, cập nhật thông tin và dự đoán trước tình hình phát triển mới ở các trường phổ thông để đổi mới nội dung, chương trình cũng như phương pháp đào tạo, cả về kiến thức chuyên môn lẫn nội dung, phương pháp sư phạm cho học sinh, sinh viên ngành sư phạm.

Lâu nay, các trường ĐH, CĐ Sư phạm chỉ tiến hành dạy phương pháp chứ chưa hề dạy “kỹ thuật dạy học” cho học sinh, sinh viên ngành sư phạm. Giảng viên các trường cũng không am hiểu kỹ thuật dạy học ở trường phổ thông như thế nào. Việc nghiên cứu, tổng hợp các kỹ thuật dạy học ở phổ thông cũng chưa được các trường thực hiện. Chính vì vậy, đã làm ảnh hưởng đến chất lượng đạo tạo đội ngũ giáo viên”.

Về nội dung liên quan đến các trường ĐH, CĐ sư phạm khi triển khai thực hiện đề án “Triển khai phương pháp Bàn tay nặn bột ở trường phổ thông giai đoạn 2011 - 2015”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nêu rõ:

“Trong giai đoạn này, các trường ĐH, CĐ phải đưa được nội dung PP BTNB vào trong chương trình đào tạo của nhà trường. Nhằm đảm bảo sinh viên, học sinh khi ra trường nắm bắt được phương pháp. Vừa ra trường, giáo viên phổ thông có thể triển khai được ngay mà không phải tập huấn thêm.

Khi đó, công tác tập huấn chỉ dành cho đội ngũ giáo viên chưa được học phương pháp BTNB. Khi các trường ĐH, CĐ Sư phạm vào cuộc thì phải bắt nhịp đổi mới giáo dục ở các trường phổ thông. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên các trường ĐH, CĐ phải tích cực dự giờ, trao đổi với đội ngũ giáo viên phổ thông để xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình giảng dạy, tài liệu bồi dưỡng phù hợp về PP BTNB”.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề nghị các trường nên chủ động liên kết với nhau trong việc triển khai xây dựng chương trình đào tạo và tích cực phối hợp với các chuyên gia nước ngoài để triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Góp phần nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện PP BTNB, cũng như các phương pháp dạy học tích cực khác.

Nhân dịp này, ghi nhận những thành tích, cống hiến của các cá nhân đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc triển khai PP BTNB tại Việt Nam và sự nghiệp phát triển GD - ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã quyết định trao tặng Bằng khen cho hai cá nhân người nước ngoài là GS.TS Maryvonne Stallaerts và GS.TS Elisabeth Plé - nước Cộng hòa Pháp và 1 cá nhân trong nước là nghiên cứu sinh Trần Thanh Sơn - Giảng viên khoa Nông lâm - Thủy sản (Trường ĐH Quảng Bình). 

Lớp tập huấn tập trung các nội dung trọng tâm như: Giới thiệu về PP BTNB (BTNB ở Pháp và trên thế giới, hoạt động triển khai ở Việt Nam trong thời gian qua); Tiến trình PP BTNB (Các yếu tố của tiến trình tìm tòi nghiên cứu, đặc điểm của một tiến trình tìm tòi nghiên cứu trong khoa học…); Vấn đề đánh giá trong dạy học theo PP BTNB; Đặt tình huống tìm tòi nghiên cứu; Phân tích một tiết học; Khoa học và ngôn ngữ; Một vài nguyên tắc lớn trong đào tạo giáo viên…

Đại Thắng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngành chức năng địa phương hỗ trợ người dân dập lửa.

Cháy 5 căn nhà ở Cà Mau

GD&TĐ - Trên địa bàn xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) vừa xảy ra vụ hỏa hoạn làm cháy 5 căn nhà.
Hệ thống Patriot tại Ba Lan.

Kiev ngạc nhiên vì quyết định của NATO

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine Zelensky tỏ ra ngạc nhiên vì NATO đánh chặn tên lửa và UAV Iran tại Israel nhưng lại không làm điều tương tự với vũ khí Nga tại Kiev.