Nhân rộng mô hình bán trú dân nuôi ở Điện Biên

Nhân rộng mô hình bán trú dân nuôi ở Điện Biên
(GD&TĐ)- Bán trú dân nuôi là một mô hình GD có nhiều ưu điểm thích hợp với các tỉnh trung du, miền núi góp phần phổ cập GDTH, xóa mù chữ nâng cao dân trí... Nhưng để mô hình này được duy trì và phát huy hiệu quả, các địa phương có mô hình này đang còn gặp rất nhiều khó khăn phải vượt qua, Điện Biên là một điển hình
Trả lời phỏng vấn của Phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại Online về việc phát triển mô hình GD bán trú dân nuôi trên địa bàn, Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên Lê Văn Quý cho biết: toàn tỉnh Điện Biên hiện nay có trên 20.000 học sinh của 186 trường cấp bậc học phổ thông đi học theo hình thức Bán trú dân nuôi (BTDN). Các học sinh này đều là con em các dân tộc thiểu số thuộc địa bàn vùng cao, vùng biên giới và đặc biệt khó khăn. 
PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của mô hình BTDN trong sự nghiệp GD-ĐT của các tỉnh miền núi khó khăn như Điện Biên?
Nhân rộng mô hình bán trú dân nuôi ở Điện Biên ảnh 1
Ông Lê Văn Quý. Ảnh, gdtd.vn 
Ông Lê Văn Quý: Điện Biên là tỉnh miền núi có địa bàn hiểm trở, dân cư phân bố rải rác và phân tán. Học sinh đi học xa là phổ biến. Khoảng cách từ nhà đến trường vài chục cây số. Đa phần các em phải đi bộ từ 5-6 km. Mỗi độ tuổi của các thôn, bản chỉ có vài ba em, do vậy không thể mở các lớp học nhỏ lẻ ở các bản để thu hút các em đến trường được.
Mô hình BTDN giúp các em học sinh không thể đến trường trong ngày có điều kiện ăn ở và đi học thuân lợi hơn. Nếu ngành GD-ĐT của Điện Biên không có mô hình này thì số học sinh thất học, bỏ học sẽ tăng cao. Do vậy, có thể khẳng định, vai trò rất quan trọng của mô hình BTDN ở Điện Biên là nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đến trường, phổ cập GDTH, xoá mù chữ, phổ cập GDTHCS, nâng cao dân trí và tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương.
Pv: Nhu cầu ở BTDN tại Điện Biên hiện nay của học sinh như thế nào và Điện Biên đang gặp những khó khăn gì trong việc tổ chức cho các em ở bán trú?
Ông Lê Văn Quý: Để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho các em hiện nay cần có trên 2.500 phòng ở, nhưng toàn tỉnh mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu với 1.409 phòng. Trong số đó, trên 50% là phòng ở kiên cố, bán kiên cố, còn lại là các phòng ở tạm.
Bên cạnh đó là còn trên 13.000 học sinh chưa có nhà ở nội trú phải ở nhờ, thuê trọ hoặc dựng lều tạm gần trường học để ở. Hệ thống lều lán này cơ bản làm bằng vật liệu sẵn có tại địa phương như tranh, tre, nứa, lá... nên thiếu an toàn và không đảm bảo diện tích, độ bền vững cũng như chất lượng sống, sinh hoạt và trên hết là chất lượng học tập ở đây.
Một loạt các khó khăn về cái ăn chỗ ở đang hiện hữu trước các em học sinh trong diện này. Các em đang thiếu nhà vững chãi, ấm về mùa đông, mát về mùa hè để ở; ai sẽ đứng ra nấu cho các em ăn để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho các em đang trong tuổi ăn tuổi lớn. 
Vấn đề đang được đặt ra cho các cấp ủy Đảng, Chính quyền ở đây là phối hợp cùng ngành giáo dục làm thế nào để tổ chức đời sống ổn định cho các học sinh trong diện BTDN để các em giảm bớt khó khăn trong học tập. 
Pv: Vậy giải pháp để địa phương giảm thiểu các khó khăn trên là gì?
Ông Lê Văn Quý: Xã hội hoá vẫn là giải pháp hiệu quả nhất. Điện Biên đang đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục đặc biệt là trong mô hình BTDN. Ngành đang huy động các nguồn lực tài chính xây dựng nhà ở cho học sinh BTDN. Huy động nhân dân thực hiện nghiêm túc công tác đối ứng các dự án đầu tư cho giáo dục vùng dân tộc, vùng khó khăn; hiến, tặng đất để các trường phát triển bền vững, từng bước tiến tới đạt chuẩn trường học, chuẩn quốc gia theo quy định.
Mô hình bán trú dân nuôi đang giúp các tỉnh còn nhiều khó khăn như Điện Biên phổ cập GDTH, xóa mù chữ nâng cao dân trí... Ảnh minh hoạ, internet
Mô hình bán trú dân nuôi đang giúp các tỉnh còn nhiều khó khăn như Điện Biên phổ cập GDTH, xóa mù chữ nâng cao dân trí... Ảnh minh hoạ, internet
Công bố quy hoạch phát triển hệ thống các trường BTDN, lồng ghép chương trình này với các chương trình, dự án khác trên địa bàn, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đồng thời ưu tiên giành đất xây dựng cho các trường PT có học sinh ở BTDN.
Điện Biên cũng đang hoàn thiện các quy định về học sinh thuộc diện BTDN. Thành lập các BQL học sinh bán trú cũng như xây dựng nội quy, quy định trong học tập, sinh hoạt bán trú. 
Xây dựng chế độ tự chủ, hợp đồng với nhân viên quản lý, chăm sóc, phục vụ học sinh. thực hiện chế độ phụ cấp cho công tác kiêm nhiệm của cán bộ, giáo viên đối với quản lý, chăm sóc học sinh BTDN. Trước mắt, chúng tôi đẩy mạnh mô hình chính quyền cấp xã cử đại diện cha mẹ học sinh chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh BTDN....
Pv: Về chế độ hỗ trợ các học sinh BTDN của Điện Biên hiện nay thực hiện như thế nào?
Ông Lê Văn Quý: Hiện tỉnh đang thực hiện hỗ trợ kinh phí cho các em đang theo học trong mô hình BTDN theo chủ trương của QĐ 112, 27 của Thủ tướng Chính phủ. Theo QĐ 112, học sinh mầm non được tỉnh hỗ trợ 70 nghìn, học sinh PT được hỗ trợ 140 ngàn/tháng. 
Đối với việc thực hiện QĐ 27, hiện nay số trường nội trú của Điện Biên có hạn về chỉ tiêu, do vậy các học sinh là con em các dân tộc thiểu số đủ điều kiện học nội trú nhưng phải học theo mô hình BTDN đã và đang được tỉnh trợ cấp 50% mức học bổng của học sinh nội trú. Theo chủ trương này mỗi tháng học sinh được hưởng tới 260 nghìn/ học sinh một năm học 10 tháng; nhưng hiện nay, Điện Biên mới chỉ cân đối thực hiện được cho các em 70nghìn/tháng. 
Tuy nhiên, với mức hỗ trợ này đã giúp cho các học sinh BTDN bớt đi nhiều khó khăn trong sinh hoạt và học tập. Địa phương đang tìm biện pháp để từng bước nâng dần các mức hỗ trợ này lên cao hơn.
Xin cảm ơn ông!
Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ