(GD&TĐ) - Giáo dục đại học đang đứng trước thách thức rất lớn là cần phải đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội – đây là nhiệm vụ sống còn của các nhà trường. Trong điều kiện thực tế như hiện nay của nước ta, việc tiếp nhận các chương trình tiên tiến (CTTT) của các nước có nền giáo dục đại học phát triển là cần thiết, đây sẽ là động lực để các nhà trường hoàn thiện hơn các chương trình đào tạo của mình, từng bước hướng tới những chuẩn mực tiên tiến của quốc tế trong giáo dục đại học. Và thực tế là không chỉ các trường đang triển khai thí điểm CTTTT của Bộ GD&ĐT phải đẩy mạnh các đào tạo tiên tiến mà tất cả các trường đại học, cao đẳng trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng phải nhận thấy đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình để tùy điều kiện mà tiên tiến hóa các chương trình đào tạo vì nhu cầu phát triển đất nước và quyền lợi của người học.
Được biết, Bộ GD&ĐT đã chọn một số trường có đủ năng lực về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên để thí điểm đào tạo theo các chương trình, giáo trình tiên tiến. Đến nay sau hơn 4 năm Bộ GD&ĐT cho phép thí điểm triển khai ở 23 trường đại học trên cả nước được thực hiện đào tạo ở 35 CTTT ở các khối ngành kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, khoa học sức khoẻ, khoa học tự nhiên và môi trường, nông nghiệp, các đối tác được chọn lựa là 22 trường đại học nước ngoài. Hầu hết các trường này đều được xếp hạng trong top 200 theo bảng xếp hạng của US News. Nhiều đánh giá cho rằng, dù chưa đem lại hiệu quả cao như mong đợi, nhưng những CTTT đã giúp đổi thay đáng kể cách dạy và học ở những trường đại học tham gia thí điểm. Bước đầu đã đem lại những hiệu quả nhất định như: Tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong đổi mới quản lý, tạo lập cơ chế, áp dụng chương trình và phương pháp giảng dạy mới, công nghệ đánh giá hiện đại.
Đúng là chưa thu được kết quả như kỳ vọng, việc tuyển sinh còn khó khăn, có những ngành học thiếu sức hút đối với người học, trình độ ngoại ngữ của cả thầy và trò còn nhiều hạn chế, nhưng không thể phủ nhận một điều là CTTT với giáo trình mới, cách dạy mới… đã thực sự tiên tiến hơn so với các hoạt động đào tạo trên các giảng đường đại học ở khắp cả nước như hiện nay. Bên cạnh đó Bộ GD&ĐT cũng đưa ra khuyến cáo các trường thực hiện đào tạo thí điểm theo các CTTT gốc từ nước ngoài với yêu cầu rõ ràng: phải là các chương trình có chất lượng đã được kiểm định và được sử dụng ở các trường uy tín của nước ngoài, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Và thực tế cho thấy, các CTTT đều được “nhập khẩu” trọn gói, đồng bộ từ nội dung chương trình, giáo trình, quy trình đào tạo và cả phương thức kiểm tra, đánh giá. Các Chương trình được giảng dạy bằng tiếng nước ngoài phù hợp với “nguồn” chương trình được sử dụng, chủ yếu là tiếng Anh. Nếu những ảnh hưởng của chương trình này sớm, lan toả rộng khắp trong hệ thống giáo dục đại học thì chắc chắn sẽ có những tác động tích cực tới các nhà trường và người học.
Thực tế giáo dục đại học Việt Nam cho thấy, không phải cứ đưa chương trình, giáo trình của các đại học tiên tiến vào dạy ở trường đại học trong nước là chúng ta đã có các CTTT. Với những tiêu chí đặt ra của Chương trình như chuẩn nội dung chương trình, hệ thống giáo trình hoàn chỉnh, hiện đại, có chất lượng hơn gắn liền với những yêu cầu tương ứng về đội ngũ giảng viên, phương pháp đào tạo, phương pháp đánh giá… tất cả đều đạt chuẩn mực quốc tế và được quốc tế thừa nhận, thì cũng không nhiều đại học có được. Và như vậy, không phải đại học nào muốn cũng triển khai được CTTT vì còn phù thuộc nhiều vào các nguồn lực. Nhưng học tập ít nhiều từ kinh nghiệm, kế thừa các chương trình đào tạo hay, học cách làm ở một ngành đào tạo nào đó hiệu quả hơn, thì nhiều trường đại học chắc chắn làm được. Muốn vậy, phải được chia sẻ những kết quả thu được từ CTTT - đây là việc rất nên làm. Đến nay, cho dù Bộ GD&ĐT quy định các trường tham gia CTTT đều phải giới thiệu chương trình này trên website sao cho nhiều người tiếp cận, nhưng thực tế là tìm đến những nội dung này trên trang website của một số ngành học ở một số trường là rất khó, và thông tin cũng không nhiều.
Nhiều nhà trường có câu hỏi CTTT có nên sẻ chia những kết quả, kinh nghiệm thu được hay không, trong thực tế, suy cho cùng các chương tình này kinh phí được trích từ ngân sách quốc gia nên phải phục vụ cho lợi ích chung, phục vụ cộng đồng sinh viên chứ không chỉ riêng cho sinh viên các trường đang triển khai CTTT. Chính vì vậy các chương trình, giáo trình tiên tiến không thể trở thành là “tài sản” riêng của mỗi nhà trường được tham gia thí điểm Chương trình, ít ra là cho đến khi các nhà trường Việt Nam đã áp dụng được CTTT và mọi sinh viên Việt nam đều hiểu và có điều kiện tiếp cận, hoặc chọn lựa . Tất nhiên thực hiện hay không lại là chủ trương của Bộ GD&ĐT, vì Bộ là cơ quan quản lý Nhà nước chỉ định các trường cũng như cấp kinh phí hỗ trợ cho các trường tham gia Chương trình.
Hiện nay, trong một nỗ lực đầy trách nhiệm Bộ GD&ĐT chủ trương lập hội đồng giáo sư để xây dựng giáo trình, xây dựng thư viện giáo trình điện tử với mục đích nguồn học liệu này trở thành tài nguyên mở cho mọi nhà trường, mọi sinh viên đều được tiếp cận, học tập và nghiên cứu. Nên với CTTT, cũng cần công khai trên các website các hoạt động đào tạo, nội dung chương trình, giáo trình – coi đây như tài sản chung để các trường đại học, cao đẳng trong hệ thống giáo dục quốc dân cùng tham khảo, nếu phù hợp với điều kiện trường mình thì các nhà trường có thể học tập, hoặc vận dụng. Như vậy cũng là tạo điều kiện để các trường chủ động đào tạo hướng tới tiên tiến, không cứ gì phải tham gia CTTT. Làm vậy, chắc chắn sẽ nâng cao ý nghĩa, giá trị và hiệu quả của Chương trình. Hơn thế nữa, cũng là công khai để xã hội, người học hiểu hơn về các nội dung, cách thức đào tạo, từ đó sẽ tạo thêm sức hút cho CTTT. Mặc khác quyền lợi của mấy triệu sinh viên nước nhà, họ cũng có thể lên tiếng và đòi hỏi quyền lợi được tiếp công nghệ mới trong giáo dục
Để nhân rộng ra các nhà trường, các trường muốn tham gia có thể kết hợp cùng thực hiện một chương trình, trong đó Bộ GD&ĐT hỗ trợ một phần kinh phí, phần còn lại là các nhà trường tự đóng góp. Mặc khác Bộ GD-ĐT có thể mời các chuyên gia là các giáo sư từ các trường tiên tiến giúp xây dựng chương trình theo hướng tiên tiến cho các trường ở Việt Nam, trường nào sử dụng có thể trả một phần kinh phí, sau đó các trường có thể kết nối với các trường đại học ở Mỹ để công nhận lượng định tương đương, qua đó thực hiện hợp tác theo phương thức 3+1 hay 2+2 , mà các trường ở nước ngoài hiện nay cũng muốn có sinh viên Việt Nam sang học, đó cũng là cách tiếp cận chương trình tiên tiến nhưng áp lực tài chính ko cao.
Nếu làm được như vậy, bên cạnh các trường công lập, các trường khối tư thục sẽ rất tích cực tham gia. Thiết nghĩ đây cũng là một cách làm đem lại hiểu quả thiết thực, chắc chắn sẽ góp phần để một chủ trương lớn và đúng đắn của Bộ GD&ĐT càng nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống và đem lại hiệu quả cao.
Nguyễn Thị Anh Đào (Đại học Đông Á – Đà Nẵng)