Nhân lực ngành Thú y: Chênh lệch cung - cầu

GD&TĐ - Dù nhu cầu nhân lực lớn song số lượng sinh viên theo học ngành Thú y tại các cơ sở giáo dục đại học lại chưa đáp ứng được thị trường lao động.

Sinh viên trải nghiệm, thực tập tại Bệnh viện Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NTCC
Sinh viên trải nghiệm, thực tập tại Bệnh viện Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NTCC

Nhu cầu nhân lực lớn

Con gái thích làm bác sĩ thú ý nên chị Nguyễn Thị Hà Lê ở phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến tìm hiểu ngành này ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Được tư vấn, giải thích, chị Hà Lê nhận ra, bác sĩ thú y không đơn thuần là tiêm phòng bệnh cho chó, mèo, vật nuôi… Học xong, con có thể mở phòng khám, điều trị tự do, kinh doanh thuốc và vật tư thú y. “Tôi sẽ đồng hành nếu con vẫn quyết định theo đuổi đam mê làm bác sĩ thú y”, chị Hà Lê quả quyết.

Theo số liệu thống kê và phân tích nhu cầu lao động của Phòng Quản lý đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đến hết năm 2024, Việt Nam thiếu hơn 3 triệu nhân lực qua đào tạo trong nhóm ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp, bao gồm ngành Thú y. Hiện, số trường đào tạo và lượng sinh viên ra trường hằng năm của nhóm ngành này không nhiều, chưa kể chất lượng nhân lực chưa thực sự tốt.

Với số liệu và phân tích trên thì nhu cầu nhân lực của ngành Thú y rất lớn nên cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp rộng mở, TS Bùi Huy Doanh - Trưởng khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận. Tuy Thú y là ngành đặc thù, thú vị nhưng gặp không ít khó khăn. Do đó, để theo đuổi được nghề này, người học phải thật sự có tình yêu với động vật, không ngại khó, khổ.

Quá trình đào tạo, người học được trang bị những kiến thức liên quan đến bệnh học, ngoại khóa, giải phẫu bệnh và pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh; kiểm tra các sản phẩm nguồn gốc từ động vật, các cơ sở giết mổ, chế biến thức ăn gia súc, chế biến súc sản.

Chia sẻ về cơ hội việc làm, TS Bùi Huy Doanh cho hay, tăng trưởng mạnh về sản xuất đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Chăn nuôi thú y. Trên các trang tuyển dụng trực tuyến thường xuyên đăng tải thông tin tuyển dụng kỹ sư ngành này, với mức lương và đãi ngộ hấp dẫn từ 8 - 20 triệu đồng/tháng. Thậm chí, các doanh nghiệp nước ngoài tại Nhật Bản, Mỹ, Úc, Israel… có mức lương lên đến 30 - 35 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực của ngành này chưa đáp ứng đủ.

Theo TS Bùi Huy Doanh, sinh viên tốt nghiệp ngành Chăn nuôi thú y có thể làm việc tại các vị trí như: Cán bộ quản lý, kiểm dịch tại đơn vị hành chính sự nghiệp; cán bộ kỹ thuật tại trang trại chăn nuôi của tổ chức xã hội và tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế có liên quan đến chăn nuôi, thú y và phát triển nông thôn; nhân viên kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y tại doanh nghiệp Nhà nước, nước ngoài, liên doanh, tư nhân, các cơ sở sản xuất có hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y.

Ngoài ra, người học có thể làm giảng viên, cán bộ nghiên cứu tại trường đại học, cao đẳng khối Nông - Lâm - Ngư, viện, trung tâm nghiên cứu về chăn nuôi và thú y hoặc làm chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, mở phòng khám, điều trị tự do, kinh doanh thuốc và vật tư thú y.

nhan-luc-nganh-thu-y-1.jpg
Một lớp học về thú y của sinh viên Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Website nhà trường

Cung không đủ cầu

Cũng theo TS Bùi Huy Doanh, những năm gần đây, ngành Chăn nuôi phát triển cả về quy mô và tính chuyên môn hóa, từ chăn nuôi nhỏ lẻ đang dần chuyển sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, các doanh nghiệp, trang trại cũng như hệ thống quản lý Nhà nước có nhu cầu nhân lực có kiến thức tổng hợp cả về chăn nuôi và thú y. Đây là cơ hội lớn cho sinh viên theo học ngành Chăn nuôi thú y.

Hiện, Việt Nam có hơn 300 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi trong và ngoài nước hoạt động. Sự gia tăng số lượng, quy mô của các doanh nghiệp, đặc biệt việc đẩy mạnh hoạt động liên quan đến chăn nuôi, cùng xu hướng sản xuất theo chuỗi khép kín từ thức ăn đến trang trại và thực phẩm đã tạo ra nhu cầu lớn về nhân lực.

GS.TS Nguyễn Trọng Ngữ - Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ) cho hay, mỗi năm các doanh nghiệp về trường “săn đón” sinh viên tốt nghiệp ngành Chăn nuôi thú y nhưng nhà trường không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng. Vì thiếu nhân sự, nên nhiều đơn vị tuyển dụng cả sinh viên vào làm việc theo phương án bán thời gian. Thực tế này cho thấy, đang có sự chênh lệch giữa nguồn cung - cầu.

“Hiện, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đối với ngành Thú y đạt gần 100% và chất lượng nguồn nhân lực luôn được doanh nghiệp, thị trường lao động đánh giá cao. Đây là kết quả và minh chứng rõ ràng nhất cho chất lượng đào tạo ngành Thú y của trường”, GS.TS Nguyễn Trọng Ngữ nhấn mạnh và cho biết, 2 năm gần đây, tuyển sinh ngành Thú y luôn đạt chỉ tiêu. Sinh viên ra trường làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở sản xuất thuốc thú y và các sinh phẩm thú y, các xí nghiệp chế biến động vật và thủy sản.

Qua nhiều năm tìm kiếm nhân sự ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng phòng Nhân sự Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam nhận thấy, nguồn cung lao động không đủ cung cấp cho các nhà tuyển dụng.

Hằng năm, công ty mong muốn tuyển dụng sinh viên có thể đảm nhiệm các vị trí công việc trong lĩnh vực thú y - chăn nuôi. Tuy nhiên, nhân sự ngành này luôn thiếu hụt. Nguyên nhân do học sinh tốt nghiệp THPT học lên đại học có xu hướng chọn nhóm ngành kinh tế, kinh doanh nhiều hơn nhóm ngành khác.

Theo GS.TS Sử Thanh Long - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các trường đại học đào tạo ngành Chăn nuôi - Thú y tại Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang công nghệ tuần hoàn bằng cách tập trung vào đào tạo, nghiên cứu, hợp tác và hỗ trợ cộng đồng. Thông qua khóa đào tạo chuyên sâu, các trường có thể trang bị cho chuyên gia chăn nuôi, người chăn nuôi kỹ năng và kiến thức cần thiết để thực hành chăn nuôi bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ