Nhân lên tình yêu nghề

GD&TĐ - Lần đầu liên Bộ GD&ĐT tổ chức một sân chơi trí tuệ bổ ích, đậm chất nghiệp vụ sư phạm dành riêng cho các nữ giáo viên. Đó chính là Hội thi “Nữ giáo viên sáng tạo năm 2014”.

Nhân lên tình yêu nghề
Nhân lên tình yêu nghề

Hội thi chính là cơ hội để các nữ giáo viên thể hiện tài năng, trí tuệ, lòng đam mê nghề nghiệp của mình và nhân lên tình yêu nghề cho các nữ nhà giáo.

Sân chơi trí tuệ

Nữ giáo viên Đoàn Thị Đào - Trường THPT Nghĩa Hưng (Nam Định) đến với hội thi bằng một bài giảng “E-Learning - bài 45 về phản xạ toàn phần môn Vật lý lớp 11”. Niềm vui đã vỡ òa khi chị biết tin mình được giải Nhì của Hội thi.

Cô tâm sự: “Đến dự Lễ tổng kết tôi mới biết đoạt giải Nhì, còn gì hạnh phúc hơn khi được Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trực tiếp trao tận tay giấy chứng nhận giải thưởng. Với tôi đây sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên trong nghề “dạy chữ”. 

Với cô Đào, có thể nói niềm vui như được nhân lên gấp bội khi cô được gặp gỡ, trò chuyện và giao lưu nghiệp vụ với rất nhiều đồng nghiệp đến từ các tỉnh, thành khác nhau trên cả nước. “Mỗi người một sáng kiến, một phương pháp dạy khác nhau và tôi đã học được rất nhiều điều ở họ.

Từ cách soạn giáo án, cách thiết kế bài giảng và sưu tầm những đoạn video, tranh ảnh để phục vụ cho bài giảng của mình đạt hiệu quả tốt nhất. Công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng nếu như không có kỹ năng, không có tình yêu nghề và tinh thần trách nhiệm thì khó có thể làm được” - cô Đào chia sẻ.

Ba cô giáo Nguyễn Thục Hoàng Dung, Nguyễn Thị Hồng Thanh và Nguyễn Thị Thái Hậu đến từ Trường THCS Hoa Lư (quận 9, TPHCM) lại đến với Hội thi từ lòng đam mê công nghệ và yêu thích bộ môn Tin học mà các cô đang đảm nhiệm dạy tại nhà trường.

Ba cô là đồng tác giả của sản phẩm “Làm quen với chương trình và ngôn ngữ lập trình” nằm trong bài số 2 của lớp 8 và đoạt giải Ba. Các cô tâm sự: “Đến với Hội thi chúng tôi không vì mục đích đoạt giải mà để thử sức mình và thỏa niềm đam mê công nghệ.

Hy vọng đề tài của chúng tôi không chỉ có ứng dụng bó hẹp ở Trường THCS Hoa Lư mà còn được nhiều trường, nhiều địa phương tham khảo áp dụng. Chúng tôi muốn truyền tình yêu công nghệ đến với các đồng nghiệp và các em học sinh thân yêu trên cả nước”.

Còn đối với cô Chu Thị Biến và Nguyễn Gia Phú đến từ Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Chợ Đồn (Bắc Kạn), Hội thi chính là dịp để cô và các đồng nghiệp trong trường nhận thức sâu sắc về những ứng dụng của công nghệ thông tin vào trong giảng dạy.

Cô Phú tâm sự: “Với đặc thù là một trường vùng núi nên ở trường chúng tôi, nhiều nữ giáo viên vẫn còn hạn chế về khả năng tin học và ngoại ngữ; do đó sau hội thi này tôi sẽ động viên và khích lệ các giáo viên khác nên tổ chức những tiết dạy sinh động, hấp dẫn hơn nhờ vào ứng dụng công nghệ thông tin.

Đặc biệt, đến với Hội thi chúng tôi đã được nhiều đồng nghiệp chia sẻ về các phần mềm vẽ sơ đồ tư duy: Imindmap 5; Phần mềm quay phim màn hình: Camtasia Studio 6 và phần mềm chỉnh sửa hình ảnh: Paint, photosop... Tôi sẽ áp chia sẻ những kinh nghiệm này cho các đồng nghiệp ở trường để họ có thể dễ dàng thiết kế bài giảng theo từng chủ đề của môn học một cách sinh động nhất và hấp dẫn nhất”.

Tâm nguyện của các nữ nhà giáo

Có thể nói, Hội thi “Nữ giáo viên sáng tạo năm 2014” là một sân chơi bổ ích để các nữ giáo viên thi đua sáng tạo trong lao động nghề nghiệp, đồng thời không ngừng cố gắng vươn lên để đảm đương được nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục học sinh. Vì vậy, nhiều nữ giáo viên đề nghị Bộ GD&ĐT nên tiếp tục tổ chức Hội thi theo định kỳ 2 năm một lần để họ có thể tham gia, đóng góp công sức, trí tuệ cho ngành Giáo dục, nhất là trong bối cảnh toàn ngành đang triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Cô Trịnh Thị Nhiên - giáo viên Trường THPT Nga Sơn (Thanh Hóa) - bộc bạch: Từ những hội thi như thế này, chúng tôi thấy yêu nghề và gắn bó với công việc hơn. Đến với Hội thi, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Đây cũng là cơ hội để nữ giáo viên chúng tôi khẳng định trí tuệ, sáng tạo của mình trong công tác giảng dạy. Chính vì vậy tôi mong rằng, Bộ GD&ĐT nên duy trì hội thi này theo định kỳ 2 năm một lần để chúng tôi có thêm điều kiện được cọ sát, được cống hiến với nghề. 

Đồng tình với quan điểm trên, cô Hoàng Thị Kiều Hạnh - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Ngô Quyền, Hải Phòng) - tâm sự: Tôi cũng mong Bộ GD&ĐT nên tiếp tục duy trì Hội thi này theo định kỳ 2 năm một lần. Để hội thi có tính hệ thống và trở thành một phong trào thi đua có sức lan tỏa sâu rộng, tôi cũng mong từ cấp Phòng GD&ĐT cho đến cấp Sở GD&ĐT cũng nên tổ chức những cuộc thi về ứng dụng công nghệ thông trong giảng dạy. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, mang lại lợi ích thiết thực cho các em học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ