(GD&TĐ) – Thời điểm này tại nhiều địa phương trên cả nước đã và đang tổ chức mừng thọ cho các cụ cao tuôi. Mừng đọ đầu xuân đã trở thành nét đẹp văn hóa và thể hiện đạo lý sống của người Việt “kính già, trọng lão”.
Chỉ bằng ấm chè, bình nước vối được tổ chức ngay tại đình làng nhưng Lễ mừng thọ đầu năm của thôn Kim Thượng, xã Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội cho các cụ cao niên diễn ra khá đầm ấm và đậm đà không khí ngày Tết. (Ảnh/gdtd.vn) |
Cũng như mọi năm, Tết Quý Tỵ năm nay xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cùng với Hội người cao tuổi tổ chức mừng thọ đầu xuân cho các cụ từ 70 tuổi trở lên. Theo cụ Ngô Giáp – Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Kim Lũ, năm nay toàn xã có 127 cụ được mừng thọ, trong đó có 2 cụ trên 100 tuổi, 1 cụ 95 tuổi, 5 cụ 90 tuổi, 23 cụ 85 tuổi, 25 cụ 80 tuổi, 44 cụ 75 tuổi và 27 cụ 70 tuổi. Không mâm cao, cỗ đầy, sang trọng, xa hoa, bữa tiệc khao thọ cho các cụ đơn giản chỉ là ấm trà nóng, bình nước vối, có chăng thì thêm mấy đĩa kẹo, bánh và các tiết mục biểu diễn múa quạt, múa trống, múa cung đình v.v…do chính các cụ tự biên, tự diễn nhưng nó lại thực sự có ý nghĩa vô cùng to lớn trong những ngày đầu xuân năm mới. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể đối với người cao tuổi. Đây cũng là dịp để tôn vinh người cao tuổi, động viên các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội, đồng thời cũng chính là nét đẹp văn hóa đầu xuân.
Nở nụ cười ròn tan cụ Giáp 80 tuổi hỉ hả nói: “Chúng tôi khỏe thêm mấy tuổi, ở nhà thì được con cháu chúc thọ đến đây thì được đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm, đúng là niềm vui nhân lên gấp bội”.
... Trong Lễ mừng thọ, các cụ chúc thọ, mừng xuân cho nhau bằng những tiết mục văn nghệ như: múa quạt và múa cung đình v.v... điều đó đã mang đến không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đầu xuân năm mới. (Ảnh chụp tại thôn Kim Thượng, xã Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội/ gdtd.vn) |
Còn đối với gia đình cụ Bùi Thị Nhì, năm nay cả hai ông bà đều bước sang tuổi 71. Mặc dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng hai cụ vẫn còn mình mẫn, tinh nhanh và vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần cho con cháu. Chị Chắt – Con gái cả của cụ phấn khởi nói: "Không gì vui hơn khi thấy bố, mẹ vẫn mạnh khỏe. Hiện bố, mẹ tôi vẫn tự nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, chăm vài luống rau nên 16 người con trai, gái, dâu, rể cùng gần 20 cháu, chắt nội, ngoại đều bảo nhau Tết nào cũng phải mừng thọ bố mẹ. Đơn giản chỉ là làm mấy mâm cơm để cả nhà quây quần bên nhau rồi mừng tuổi bố mẹ và để được nghe bố mẹ truyền dạy kinh nghiệm sống cho con cháu. Thực ra đây cũng là dịp để con cháu chúng tôi báo hiểu ông bà, cha mẹ, nhắc nhở các thế hệ cháu con không ngừng phấn đấu, sống có trách nhiệm để các cụ luôn sống vui, sống khỏe, sống có ích”.
Mừng tuổi bố mẹ dịp đầu xuân năm mới - một nét đẹp văn hóa của người Việt thể hiện tinh thần hiếu lễ với ông bà, cha mẹ. (Ảnh/gdtd.vn) |
Có thể nói, ngày mừng xuân chúc thọ đã trở thành phong tục đẹp của người Việt Nam. Qua đó thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", hiếu lễ với ông bà, cha mẹ và nhân lên nét đẹp văn hóa "kính già, trọng lão" trong cộng đồng.
Tuy nhiên trên thực tế đâu đó vẫn còn không ít địa phương, gia đình tổ chức ăn uống linh đình khiến phong tục bị biến tướng, nhiều người tỏ ra ái ngại mỗi khi được mời đi ăn mừng thọ. Do đó việc tổ chức mừng thọ sao cho đúng ý nghĩa mà tiết kiệm, không lãng phí là điều mà các địa phương và các gia đình nên làm.
Hải Phong