Nhận định rõ thuận lợi, khó khăn để đạt kết quả tốt thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp THPT, các cơ sở giáo dục đã nghiên cứu kỹ quy chế, nhận thức rõ từng điểm thuận lợi, khó khăn đối với nhà trường, từ đó có giải pháp triển khai hiệu quả nhất trước kỳ thi THPT quốc gia tới.

Nhận định rõ thuận lợi, khó khăn để đạt kết quả tốt thi THPT quốc gia

Thầy Phạm Công Hiệt - Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Hưng (Đông Hưng, Thái Bình): Quy chế thi và công thức 4:3:2:1

Những điểm mới trong quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp THPT Bộ GD&ĐT mới công bố có thể vắn tắt trong công thức 4:3:2:1.

4 - Là bốn khung thời gian thi: Môn Toán 90 phút, Ngữ văn 120 phút, Tiếng Anh 60 phút, môn thi tổ hợp 150 phút.

3 - Là ba loại bài thi: Bài thi tự luận (Ngữ văn); bài thi trắc nghiệm (Toán, Tiếng Anh); bài thi tổ hợp Tự nhiên và Xã hội.

2 - Là hai bài thi tổ hợp phải lựa chọn cho hợp với khả năng nhận thức người học và điều kiện giảng dạy của cơ sở giáo dục.

1 - Là một môn mới hoàn toàn, môn Giáo dục công dân.

Quy chế thi lần này cũng nêu rõ lộ trình đến năm 2018 thi kiến thức cả trong chương trình lớp 11, 12; năm 2019 trở đi thi kiến thức cả trong chương trình lớp 10, 11, 12, trong khi các năm trước chỉ cố định thi trong chương trình lớp 12 hiện hành.

Những điểm mới trên về cơ bản thuận lợi cho nhà trường đó là: Phân loại học sinh từ đầu năm học thành hai loại "thuần Tự nhiên" và "thuần Xã hội" theo tổ hợp môn thi, qua đó giúp công tác hướng nghiệp của nhà trường thuận lợi. Học sinh tự chọn tổ hợp thi theo trường đại học dự kiến thi và theo học sau này.

Việc lựa chọn tổ hợp môn thi giúp nhà trường quản lý dạy và học ngay từ đầu năm thuận lợi, công việc dạy và học có hiệu quả cao mang tính chuyên môn. Ví dụ, học sinh lớp tổ hợp môn tự nhiên giành nhiều thời gian chuyên sâu các môn tự nhiên nên kết quả thi cao hơn các năm trước. Học sinh được phép lựa chọn những môn thi là thế mạnh của mình.

Hầu hết các học sinh không thi vào trường đại học cao đẳng thì chọn bài thi tổ hợp xã hội. Năm trước, Trường THPT Tiên Hưng có chưa đến 100 học sinh thi môn tự chọn xã hội thì năm nay đã có đến gần 250/530 học sinh chọn tổ hợp môn thi xã hội, cơ hội tỷ lệ tốt nghiệp nhà trường dự đoán sẽ cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp phải một số khó khăn như vấn đề tâm lý của giáo viên, học sinh khi quy chế thi thay đổi; giáo viên phải ôn tập cho học sinh trong tháng 6 nên không bố trí đủ thời gian nghỉ hè cho các thầy cô; năm đầu tiên tổ chức thi trắc nghiệm ở bài thi Toán và bài thi khoa học xã hội nên giáo viên ôn thi và học sinh còn bỡ ngỡ.

Thầy Phan Thế Thượng – Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản, Thành phố Bến Tre: Việc dạy và học nhẹ nhàng hơn

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, thời gian kỳ thi được rút ngắn (từ 8 buổi xuống còn 5 buổi) và thời gian của mỗi buổi thi không dài nên sẽ ít tốn kém về mặt kinh phí, thời gian coi, chấm thi của cán bộ, giáo viên và học sinh. Lịch thi được Bộ GD&ĐT quy định từ ngày 22/6 đến 24/6 là thời gian vừa đủ để giáo viên thực hiện việc ôn tập cho học sinh chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia, tránh như các năm trước thời gian tương đối dài nên gây tâm lý căng thẳng cho giáo viên và học sinh.

Trong kỳ thi này, đa số các môn thi theo hình thức trắc nghiệm nên việc dạy và học tương đối nhẹ nhàng hơn (do học sinh không nhất thiết học thuộc lòng nhiều mà chỉ cần hiểu rõ vấn đề là được); đề thi cho sẽ bao quát kiến thức hơn tránh được việc học sinh học lệch, học tủ. Việc chấm thi theo hình thức trắc nghiệm sẽ khách quan, công bằng hơn cho mọi thí sinh, mọi vùng miền. Bên cạnh đó, việc mỗi thí sinh dự thi có 1 mã đề thi chuẩn hóa riêng sẽ hạn chế được việc quay cóp trong thi cử.

Năm nay, các điểm thi được tổ chức tại các trường hoặc liên trường THPT tại địa phương sẽ tạo điều kiện lợi cho thí sinh dự thi, thí sinh không phải đi xa, giảm áp lực tâm lý và ít tốn kém.

Tuy nhiên, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, do số lượng môn học ôn thi THPT quốc gia nhiều hơn các năm trước (6 môn so với 4 môn), kiến thức học sinh sử dụng để giải đề thi tương đối rộng và bao quát hơn, do đó học sinh phải học nhiều hơn. Thời lượng làm bài thi tương đối ngắn nên yêu cầu học sinh phải xử lý, tính toán nhanh mới kịp thời gian quy định. Một số giáo viên, học sinh còn lúng túng khi thay đổi thi theo hình thức từ tự luận sang trắc nghiệm.

Quy chế mới cho phép thí sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn trường, ngành, nghề, đây là thuận lợi nhưng đồng thời cũng gây khó khăn cho thí sinh trong việc chọn trường, ngành, nghề nhất là học sinh có học lực trung bình khá hoặc khá.

Cô Phạm Thị Trinh – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Trường Sinh, huyện Thạnh Phú (Bến Tre): Học sinh chủ động hơn khi sớm có phương án thi

Quy chế thi năm nay có nhiều thuận lợi như việc sớm đưa ra dự thảo về các bài thi giúp học sinh chủ động định hướng chọn môn khối thi ngay từ đầu năm học và quy chế quy định mỗi tỉnh là một cụm thi.

Cụm thi có các điểm thi được tổ chức tại các trường hoặc liên trường THPT tại địa phương giúp học sinh có thể thi ngay tại huyện nhà, trường nơi mình học, tránh việc đi lại xa làm ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe cũng như việc lãng phí về thời gian và tiền của của phụ huynh.

Tuy nhiên, một số học sinh vùng sâu, vùng xa cũng gặp khó trước một số thay đổi như môn Toán thi theo hình thức trắc nghiệm, tiếng Anh là môn thi bắt buộc...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.