Nhận diện yếu tố cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống

GD&TĐ - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: "Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và của toàn xã hội.".

Nhận diện yếu tố cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống

Chuyển biến trong nhận thức và hành vi

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để giảm thiểu các mối đe dọa do thiên tai gây ra cho người dân, đồng thời bảo đảm cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho người dân ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác dân số. Từ một nước có mức sinh cao, tuổi thọ thấp, Việt Nam đã đạt và duy trì mức sinh thay thế, nâng cao tuổi thọ.

Nhận thức và hành vi của người dân đã được chuyển đổi từ sinh nhiều, sinh dầy, quy mô gia đình lớn sang quy mô gia đình ít con, “dừng lại ở 2 con để nuôi dạy con tốt”; người dân ngày càng tích cực, chủ động trong phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, với tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng cao đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức khỏe bà mẹ, trẻ em, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong hơn 50 năm qua, chúng ta đã xây dựng được hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là tuyến cơ sở để thực hiện công tác dân số, KHHGĐ.

Hệ thống này không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân số mà còn cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Trong những năm gần đây, những người làm công tác dân số đã chủ động, sáng tạo trong việc triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Vẫn còn những khó khăn và thách thức  

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, mặc dù công tác DS - KHHGĐ đã có những chuyến biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song nhiều vấn đề về dân số, sức khỏe sinh sản vẫn còn là thách thức đối với sự phát triển bền vững của đất nước như quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao, mất cân bằng giới tính khi sinh, chất lượng dân số còn nhiều hạn chế, nhiều vấn đề sức khỏe sinh sản chưa được giải quyết…

Việt Nam được đánh giá là một trong 5 nước đang phát triển sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là mực nước biển dâng cao sẽ ảnh hưởng trước hết đến việc ổn định cuộc sống và sức khỏe của người dân. Trước những diễn biến phức tạp khó lường của thiên tai đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác DS-KHHGĐ.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Do vậy, trong thời gian tới, để đảm bảo đáp ứng dịch vụ sức khỏe sinh sản - KHHGĐ cho người dân nói chung và người dân ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai nói riêng, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý ngành Y tế cần giải quyết đồng bộ các vấn đề dân số, sức khỏe sinh sản, chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng, chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số và kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh.

Trên cơ sở đó cần tiến hành ra soát các chính sách liên quan tới việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để tạo hành lang pháp lý và môi trường xã hội thuận lợi để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ cho người dân; rà soát các địa bàn, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong thiên tai và đề xuất nhu cầu ngay từ khi lập kế hoạch triển khai chương trình DS-KHHGĐ.

Những thông tin chung về nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong thiên tai cần được đưa vào hệ thống quản lý dữ liệu về DS-KHHGĐ để làm căn cứ đề xuất các phương án ứng phó trong tình huống thiên tai xảy ra.

Tiếp đến là cần tổ chức tốt công tác truyền thông cho các nhóm đối tượng đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và thanh thiếu niên về những hiểm họa và cách thức tự bảo vệ trước, trong và sau thiên tai; nâng cao năng lực tổ chức, điều hành, quản lý công tác chuẩn bị, đáp ứng và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số các cấp, đội lưu động y tế - KHHGĐ.

Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho người dân, nhất là người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai; tổ chức triển khai, giám sát, đánh giá việc triển khai công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho người dân dễ tổn thương trước, trong và sau thiên tai nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm để triển khai có hiệu quả công tác này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ