Nhận diện 5 thủ đoạn của tội phạm sử dụng mạng xã hội để lừa đảo

Cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao đưa ra 5 thủ đoạn lừa đảo để người dân nhận diện cảnh giác, xác minh nguồn thông tin tránh trường hợp “tiền mất, tật mang”.

Nhận diện 5 thủ đoạn của tội phạm sử dụng mạng xã hội để lừa đảo

Sau hơn 2 tháng cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm dịp Tết Bính thân năm 2016, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội đã triệt phá 33 vụ, đề nghị khởi tố 19 vụ. Trong đó, nổi lên loại tội phạm thông qua mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao đưa ra 5 thủ đoạn để người dân nhận diện cảnh giác, xác minh nguồn thông tin tránh trường hợp “tiền mất, tật mang”.

Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng Phòng PC50 cho biết, hiện nay loại tội phạm này đang ngày càng diễn ra với tần suất dày, khá phổ biến, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Người dân dù được khuyến cáo, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt với số tiền khá lớn.

Theo Thượng tá Hằng, thủ đoạn đầu tiên của loại tội phạm này là giả danh nhà mạng để nhắn tin trúng thưởng, yêu cầu người trúng thưởng nạp tiền để làm các thủ tục nhận thưởng. Các đối tượng thường giả danh nhà mạng để lừa đảo trúng thưởng xe máy Liberty, xe SH, tặng 100 triệu đồng hoặc 1 năm sử dụng xăng miễn phí… Nhiều người khi đọc xong tin nhắn nghĩ rằng đó là thật, để làm thủ tục nhận thưởng đã nhanh chóng nạp tiền vào tài khoản của các đối tượng.

Ổ nhóm lừa đảo Dương, Viết Anh, Hà và Công.
Ổ nhóm lừa đảo Dương, Viết Anh, Hà và Công.

Tiếp đó là thủ đoạn các đối tượng nhắn tin giả danh các nhà mạng như MobiFone, VinaPhone, Viettel để khuyến mãi thẻ cào. Nạp tiền thẻ cào thì sẽ được khuyến mãi gấp 100% hoặc 500% số lượng tiền đã nạp thẻ khiến cho người bị hại tưởng thật, có người nạp đến vài triệu đồng và bị các đối tượng chiếm đoạt.

Trước đây, PC50 đã triệt phá vụ “cháu của ông chú Viettel” và mới đây là vụ đối tượng Nguyễn Tùng Dương (19 tuổi), quê ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cùng các đối tượng Nguyễn Viết Anh, Đào Thanh Hà và Trần Thành Công giả danh các nhà mạng viễn thông nhằm chiếm đoạt số tiền thẻ cào của người dùng nạp vào 6 website như: www.thecaoxuan2015.com, www.napthexuan2015.com, www.sukiennap.com, www.eventnapcard.com, www.sukiennapcard.com và www.autoaddmem.cf do nhóm đối tượng thiết lập, với chiêu thức đăng tải chương trình khuyến mãi 500% giá trị thẻ nạp của các nhà mạng viễn thông…

Bản thân chưa học hết cấp 3 nhưng do thường xuyên lên mạng Internet, Dương dễ dàng “học lỏm” được thủ đoạn nêu trên. Dương cầm đầu, phân công các đối tượng Viết Anh, Hà và Công thực hiện spam thông báo đến các tài khoản mạng xã hội Facebook nhằm thu hút người dùng truy cập và nạp thẻ vào các website lừa đảo. Các đối tượng tập trung tại các quán Internet trên các địa bàn Sóc Sơn; thị trấn Phố Mới, Quế Võ, Bắc Ninh; Hạ Long, Quảng Ninh; thị trấn Cát Bà và Kiến An, Hải Phòng để thực hiện hành vi spam thông báo trên Facebook và rút tiền chiếm đoạt được tại các cây ATM gần đó.

Ngoài ra, Dương đã mua 80.000 tài khoản Facebook với giá 500 đồng/tài khoản (nguồn tài khoản Facebook đã bị đánh cắp) và tải đoạn mã để tự động truyền tải thông tin liên tục đến người dùng Facebook trong một thời gian ngắn rồi chỉnh sửa cho phù hợp với các website lừa đảo do mình làm ra. Tổng số tiền thẻ cào bị chiếm đoạt là khoảng 463 triệu đồng, các đối tượng rút ra tiền mặt là 312 triệu đồng. Dương chia cho Hà 20 triệu đồng, Viết Anh 24 triệu đồng, Công 20 triệu đồng và chi trả toàn bộ tiền ăn ở, sinh hoạt cho cả nhóm. Số tiền còn lại, Dương chi tiêu cá nhân.

Thủ đoạn thứ 3, làm quen trên Facebook, giả làm người nước ngoài làm quen với nhiều phụ nữ. Nhận thấy các bị hại phát sinh tình cảm thì tiến tới tặng quà gửi từ nước ngoài về Việt Nam. Khi những người này chuẩn bị đi nhận quà, đối tượng gọi điện thoại giả làm nhân viên hải quan của sân bay yêu cầu nạn nhân nạp tiền phí hoặc tiền thuế qua một tài khoản cho sẵn thì khách hàng mới được nhận món quà của bạn trai từ “nước ngoài” gửi về.

Thủ đoạn thứ 4, lấy cắp tài khoản Facebook của người thân và yêu cầu nạp tiền, mua thẻ cào. Bị hại tưởng người thân của mình đang gặp khó khăn đã nạp tiền, đã bị các đối tượng chiếm đoạt. Điển hình, PC50 nhận được đơn trình báo của nạn nhân là anh Lê Minh Dương, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội, bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 50 triệu đồng qua mạng xã hội Facebook.

Quá trình điều tra, PC50 đã làm rõ Đinh Văn Linh (23 tuổi), có 1 tiền sự về tội trộm cắp tài sản, quê ở thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của anh Dương và của nhiều người khác, tổng số tiền 80 triệu đồng. Linh khai nhận, cuối năm 2015, anh ta gửi cho người dùng mạng xã hội Facebook bất kỳ một đường link. Khi chủ tài khoản nhấn chuột vào sẽ bị Linh lấy mất khẩu và tài khoản. Có mật khẩu, Linh đăng nhập để đổi mật khẩu rồi đổi hòm thư đăng ký tài khoản Facebook.

Tiếp đó, Linh truy cập vào lịch sử cuộc trò chuyện của chủ tài khoản, học cách nói chuyện giống như chủ tài khoản rồi liên hệ với bạn bè, người thân của chủ tài khoản. Linh nhờ người thân của chủ tài khoản mua thẻ cào chuyển cho mình để bán kiếm lời, thẻ 500 nghìn đồng sẽ bán được 800 nghìn đồng, lợi nhuận chia đôi. Thông qua chiếm quyền quản trị của tài khoản Facebook: “Trần Hồng Dương”, Linh đã lừa anh Lê Minh Dương và nhiều người khác.

Qua công tác xác minh đơn của anh Nguyễn Xuân Cảnh, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, PC50 phối hợp với Công an thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đã làm rõ hành vi lừa đảo của đối tượng Nguyễn Đức Hiếu (19 tuổi), trú tại thị xã Quảng Trị. Vào năm 2015, Hiếu chiếm quyền tài khoản Facebook “An Đỗ”, giả mạo người thân nói chuyện với tài khoản “Đăng Khoa Nguyễn Hữu” của nạn nhân Nguyễn Xuân Cảnh để lừa chiếm đoạt thẻ cào số tiền 29 triệu đồng.

Thủ đoạn nhận diện thứ 5, đó là đối tượng giả các Facebook bán hàng online ở trên mạng. Những người tham gia mua hàng trên mạng tưởng đó là Facebook quen thuộc mà mình đã đăng ký mua hàng nên không nghi ngờ, nạp tiền vào tài khoản các đối tượng đưa ra và nhanh chóng bị đối tượng chiếm đoạt tiền.

Theo CAND

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ