Không ít vụ việc về các loại thực phẩm giả như gạo giả, thịt giả, trứng giả... mới được phanh phui gần đây khiến dư luận xã hội không khỏi hoang mang và lo lắng trước tình trạng an toàn thực phẩm.
Điều đáng lo ngại hơn nữa là, những loại thực phẩm lừa đảo này có vẻ ngoài vô cùng tinh vi - giống thật đến mức nếu không tinh ý, bạn sẽ khó có thể phân biệt được.
Nhưng bạn yên tâm, với trọn bộ bí kíp dưới đây, bạn sẽ dễ dàng phân biệt được đồ "fake" chỉ với cách nhìn - sờ - nắn mà thôi!
1. Ruốc thịt làm từ bã sắn dây
Ruốc thịt (chà bông) là mặt hàng được bày bán phổ biến, được nhiều người ưa thích vì tính tiện lợi. Nhưng nhiều người chỉ vì chút lợi ích trước mắt mà đã không ngần ngại sử dụng bã sắn dây cùng bột ngọt, hương liệu, chất tạo màu... để "biến hóa" thành ruốc xịn nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, việc ăn bã sắn dây sẽ làm cản trở hấp thu dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa gây ngộ độc. Trẻ em khi ăn phải chất này sẽ giảm hấp thu canxi, kẽm... dẫn tới suy dinh dưỡng.
Ruốc giả có vị chát hoặc ngọt lạ nhờ hương liệu, bột ngọt (ảnh minh họa)
Do đó, bạn nên tỉnh táo và tinh ý khi mua ruốc. Cụ thể, ruốc giả làm từ bã sắn dây thường có màu nhờ nhờ, nhạt. Khi cho vào nước, chúng sẽ mềm nhũn nhanh chóng, chuyển dần từ vàng ươm về trắng bợt giống bã sắn dây. Ruốc giả sợi to, tròn hơn và không bông, tơi xốp như đồ thật.
Khi ăn, ruốc giả có vị chát hoặc ngọt lạ nhờ hương liệu, bột ngọt, foocmon ngâm tẩm chứ không có vị ngọt thơm của thịt. Đặc biệt, sợi ruốc sắn dây càng nhai càng thấy rất dai.
2. Gạo giả làm từ nhựa
Gạo là loại thực phẩm chủ yếu trong khẩu phần ăn hàng ngày của người châu Á. Những tưởng đây là loại thực phẩm mà không ai nghĩ đến chuyện làm giả nhưng sự thật lại "tàn khốc" hơn thế.
Vài năm trước, truyền thông Singapore đã đập tan hi vọng khi đưa tin về một loại gạo giả được phát hiện ở Thiểm Tây, Trung Quốc.
Theo đó, loại gạo này được làm từ hỗn hợp khoai lang, khoai tây - sau đó được đúc thành hình có cùng kích cỡ với hạt gạo. Chúng còn được bổ sung thêm polime làm tăng độ cứng để trông giống "nguyên si" gạo thật.
Các chuyên gia nhận định, loại gạo này gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của con người bởi nhựa polime rất khó tiêu.
Hạt gạo giả thường dài hơn gạo thật. Ba bát cơm làm từ gạo nhựa sẽ tương đương với việc bạn "chén" 1 chiếc túi nilon.
Thật may là loại gạo này khá dễ phát hiện. Bạn chỉ cần ngâm gạo vào nước một thời gian, gạo thật sẽ chìm và trương nở nhưng nếu là gạo giả thì sẽ nổi lên trên.
Hoặc nếu cho gạo lên chảo rang, gạo giả dưới sức nóng sẽ chảy ra còn gạo thật sẽ chín và có mùi thơm đặc trưng. Bên cạnh đó, hạt gạo giả thường dài, nhỏ hơn nhiều so gạo thường, trắng sạch và hạt đều hơn bình thường.
3. Thịt cừu giả - được "biến hóa" từ thịt chuột, chồn
Chúng ta biết rằng, thịt là nguồn cung cấp protein dồi dào và không thể thiếu trong bữa ăn của mỗi người. Tuy nhiên, bạn sẽ không khỏi bàng hoàng khi biết rằng, chỉ bằng hóa chất công nghiệp như gelatin, phẩm đỏ, và nitrat kết hợp với thịt chuột, chồn, cáo... những miếng thịt cừu giả đã sẵn sàng xuất xưởng.
Thịt cừu thật (ảnh trái) và thịt cừu giả (ảnh phải)
Cụ thể, sau khi giết mổ thịt chồn, chuột, người ta trộn chúng với phẩm màu đỏ, chất tạo hương vị, dùng gelatin để tạo ra lớp mỡ trông giống thịt cừu.
Và cũng với công thức này, người ta có thể sản xuất hàng loạt loại thịt khác nữa như thịt vịt, thịt lợn... nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Thịt giả có lớp mỡ rất dễ tách ra.
Tuy nhiên, những bà nội trợ thông thái có thể sử dụng mẹo sau để nhận biết loại thịt cừu giả. So với thịt thật, thịt cừu giả có lớp mỡ rất dễ tách ra bằng đũa thông thường, vì vậy chỉ cần lưu ý một chút là có thể chọn ra loại thịt thật rồi.
4. Mực giả làm từ cao su
Mực nướng là món ăn khoái khẩu của không ít gia đình, đặc biệt với các quý ông thích ngồi nhâm nhi hàng quán. Tuy nhiên, mực cũng là thực phẩm thường xuyên bị làm giả - chủ yếu là sử dụng nguyên liệu từ cao su.
Ảnh minh họa
Mực gia công được làm vô cùng tinh vi khi có hình dáng, màu sắc, độ dai và mùi vị giống y như mực thật.
Tuy nhiên, nếu tinh ý, bạn có thể nhận thấy mực khô giả có kích thước nhỏ hơn, phần phía đuôi mực khô dễ dàng bóc ra do được dính bằng keo.
Sờ vào mực giả, bạn có cảm giác nó hơi đàn hồi giống cao su, trong khi mực thật thì cảm giác mềm tay của thịt. Cảm nhận này càng rõ nét khi dùng tay kéo, mực giả sẽ có tính chất co dãn của cao su.
Ảnh minh họa
Quan sát kỹ, phần râu mực không có độ quăn tự nhiên như mực bình thường, không có mắt mực và hạch mực tự nhiên.
Đặc biệt, khi ngâm mực giả vào nước sẽ thấy hiện tượng lớp phấn trắng bên trên trôi tuột ra ngoài, sờ vào thân thấy nhớp nhớp và con mực "hiện nguyên hình" là miếng cao su.
5. Thịt lợn đội lốt thịt bò
Chuyện "treo đầu bò bán thịt lợn sề" dường như là nỗi bức xúc của không ít người khi họ phải trả tiền cho thịt bò nhưng nhận về lại là thịt lợn. Và càng nguy hiểm hơn nếu như nguyên liệu làm giả thịt bò như thịt lợn sề, thịt trâu chết bằng cách tẩm hóa chất, tạo màu… còn ảnh hưởng không ít đến sức khỏe con người.
Thịt lợn được ướp tẩm hóa chất để biến thành thịt bò (Nguồn ảnh: Thanh niên)
Vậy để phân biệt thịt bò thật - giả, ta cần làm gì? Đầu tiên, bạn cần quan sát miếng thịt thật kỹ. Thịt bò thật có màu hồng đậm hoặc đỏ au, trong khi đó thịt bò giả dù được tưới huyết bò nhưng vẫn nhạt màu hơn.
Thớ thịt bò bé và dài, mỡ màu vàng nhạt, thịt lợn sề có thớ to và ngắn, nhìn không mịn, mỡ màu trắng đục. Thịt trâu giả thịt bò có màu đen sẫm, thớ thịt to và thô, phần mỡ có màu trắng.
Tiếp đến là ấn nhẹ vào miếng thịt. Thịt bò thật sẽ dẻo, khô, ít tính đàn hồi, dính tay. Còn thịt bò giả, ấn tay vào thấy mềm, bở, không có cảm giác thịt dính vào tay.
Khi miết tay vào miếng thịt sẽ thấy có phẩm màu ở tay; thái miếng, phần thịt bên trong nhạt màu hơn so với phần thịt ở ngoài, thịt không dính vào dao và có nước rỉ ra.
Ngoài ra, thịt giả thường có mùi tanh chứ không có mùi hôi nồng đặc trưng của thịt bò.
6. Trứng gà non làm từ cao su
Trứng gà non là một thực phẩm rất bổ dưỡng và là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, đây cũng là loại thực phẩm được làm giả nhiều và nguyên liệu được lựa chọn đó là cao su.
Trứng gà non giả mịn, dai, mềm dẻo như cao su (ảnh cắt từ clip)
Thoạt nhìn qua, bạn khó lòng có thể phân biệt được đâu là trứng gà non giả - thật bởi độ tinh vi và ngon mắt. Nhưng khi chạm vào trứng giả, bạn sẽ thấy trứng gà non giả vô cùng mịn, mềm dẻo như thạch, lòng đỏ không xốp và bột như trứng thường mà dai hơn.
Trứng giả có độ đàn hồi cực tốt, vị nhạt, khi đốt thì cháy xém (ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, nếu người tiêu dùng vô tình ăn các loại thực phẩm làm giả từ cao su này một thời gian dài sẽ dẫn đến mất trí nhớ, thần kinh không ổn định, và những vấn đề về não, hoặc gây đau dạ dày, ung thư, chảy máu dạ dày...
7. Bạch tuộc cao su
Phải công nhận rằng, bạch tuộc nướng là món khoái khẩu của không ít bạn. Tuy nhiên, ít ai ngờ, món ăn tưởng chừng dễ kiếm dễ tìm này cũng là mục tiêu làm giả của nhiều người.
Nếu nhìn bằng mắt thường, dám cá rằng bạn sẽ khó có thể phân biệt được đầu là hàng "auth", đâu là hàng "fake", nhưng chỉ cần dùng dao/kéo cắt những con bạch tuộc này thì bạn có thể dễ dàng nhận biết rồi.
Bạch tuộc thật có phần thân rõ ràng, phần thịt, râu không mềm nhũn như bún ngâm nước.
Cụ thể, bạch tuộc giả thường rất dai, đưa lên mũi ngửi không thấy mùi tanh đặc trưng như loài bạch tuộc thông thường. Hơn nữa, loại bạch tuộc "fake" thường có màu xám trắng, nhợt nhạt như hàng bị ươn. Phần thân của bạch tuộc mỏng và không rõ hình dáng.
Râu của bạch tuộc giả rất dài, mềm nhũn… Khi nướng, bạch tuộc sẽ co nhúm lại như mủ cao su, và không có mùi vị gì.
Trong khi hàng "fake" thì màu xám nhợt (ảnh minh họa)
Đáng sợ hơn, ruồi cũng không thèm ngó ngàng gì đến số bạch tuộc này khi được đặt gần đống rác. Nhiều chuyên gia cho rằng, bạch tuộc giả được làm từ cao su và được tẩm một loại hóa chất mạnh nên mới khiến "ruồi chê chuột chạy" như thế! Thử tưởng tượng xem, nếu chúng ta ăn bạch tuộc giả thì cơ thể sẽ phải chịu trận những gì?