Tín hiệu cảnh báo
Một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Tâm lý Mỹ phát hiện có khoảng 20% trẻ liên tục bị stress. Để nhận biết con có rơi vào trạng thái tồi tệ này không, bạn có thể xem xét các biểu hiện:
1. Con bạn có nóng nảy hơn bình thường và hay nói dối?
2. Bé có hay kêu mệt mỏi, khó chịu, đau đầu và đau bụng?
3. Bé có ngủ kém, ăn kém hoặc giật mình thức giấc vào ban đêm?
Năm 2015, tạp chí sức khỏe WebMD đã khảo sát 432 phụ huynh tại Mỹ, đang có con trong lứa tuổi từ 5 đến 13, các câu trả lời cho thấy, nguyên nhân gây căng thẳng cho trẻ chủ yếu là từ bài tập về nhà (53%) và bạn bè (51%).
Một nguyên nhân khác là từ những thay đổi môi trường sống. Những biến cố gia đình cũng làm cho bọn trẻ thay đổi tâm tính theo hướng tiêu cực.
Đó có thể là khi cha mẹ mất chỗ làm, cha mẹ xung khắc, một người thân, bạn bè mắc bệnh hiểm nghèo hay qua đời. Một phần ba số trẻ bị strees vì những tình cảm chớm nở với bạn khác phái.
Việc bị bạn hiếp đáp cũng gây căng thẳng cho trẻ. 38% các phụ huynh cho biết, con cái họ đã bị bắt nạt hay trêu chọc ở trường, trên mạng xã hội trong khoảng một năm trước cuộc khảo sát.
Trẻ bị bắt nạt rơi vào tâm trạng khổ sở khó giải tỏa khi tới trường và cả khi về nhà. Gia đình của những đứa trẻ bị bạn bắt nạt, chọc ghẹo thường có hoàn cảnh khó khăn, chẳng hạn như cha hoặc mẹ mất việc làm, bị bệnh nặng… Số liệu trên WedMD cho thấy:
- 43% số trẻ bỗng nhiên cãi lại cha mẹ “hăng” hơn.
- 37% khóc nhiều hoặc hay rên rỉ.
- 34% thường trực có biểu hiện lo lắng.
Triệu chứng thể chất liên quan đến sự căng thẳng của trẻ thường là đau đầu, đau bụng, ngủ gặp ác mộng hoặc ngủ ít, khó ngủ. 20% số trẻ chán ăn hoặc thay đổi thói quen ăn uống như bỗng nhiên chán món yêu thích hoặc đột ngột ăn quá nhiều.
Giải tỏa stress cho trẻ
Để đối phó với sự căng thẳng, đa số trẻ đã tìm tới games hoặc các chương trình truyền hình, phim ảnh, nhưng theo các chuyên viên tâm lý, đây không phải là cách lành mạnh.
Theo tiến sĩ Kathy Gruver, tác giả cuốn Kỹ năng vượt qua stress phát hành tại Mỹ, cha mẹ phải tìm ra căn nguyên của stress để giúp con giải quyết vấn đề.
Có rất nhiều cách giúp trẻ giảm nhẹ sang chấn tâm lý như ăn thức ăn lành mạnh, ngủ ngon, tập thể dục, thiền, ra ngoài trời nhiều hơn... Tuy nhiên, khi đang stress, trẻ rất khó tiếp nhận và thực hiện các phương cách này.
Các chuyên viên tâm lý nhấn mạnh, thời gian ở cạnh cha mẹ là phương thuốc chữa lành vết thương tâm lý của trẻ rất hiệu quả, nhưng đa số cha mẹ hiện nay lại khó dành nhiều thời gian bên con vì quá bận rộn.
Những phụ huynh tham gia khảo sát cho biết, họ chỉ ăn bữa cơm gia đình với con trung bình 5,4 lần mỗi tuần và dành trọn vẹn cho con khoảng 4,3 giờ/tuần.
“Hãy cùng con chơi một trò chơi, cùng đi thả diều, cùng nấu một bữa ăn ưa thích... Những lúc bên nhau xây dựng kỷ niệm hạnh phúc của gia đình là những giây phút quý báu giúp tăng cường khả năng xử lý căng thẳng ở trẻ”, các chuyên viên của Hiệp hội Tâm thần Mỹ khuyên.