Người đàn ông 13 năm "giải phẫu" xe cũ, gửi tặng học sinh miền núi

Từ ngày nghỉ hưu, ông Lê Văn Kính bắt đầu công việc phục chế xe cũ, gửi tặng học sinh vùng cao.

Trong căn nhà nhỏ ở TP Tam Điệp, Ninh Bình của ông Lê Văn Kính (73 tuổi) chất đầy xe đạp, phụ tùng xe đạp và đồ nghề sửa chữa xe.

Tay chân lấm lem dầu mỡ, ông đang cặm cụi sửa chiếc xe đạp màu xanh. Bên cạnh ông là ruột xe, bàn đạp, xích, líp, phanh vứt ngổn ngang.

Ông Lê Văn Kính tự sửa xe, gửi tặng học trò vùng núi.
Ông Lê Văn Kính tự sửa xe, gửi tặng học trò vùng núi.

Những chiếc xe này được ông thu gom từ các cửa hàng sửa chữa, mua lại của đồng nát về “giải phẫu” và lắp thành xe mới, gửi tặng các em học sinh vùng cao hoặc các trường hợp khó khăn.

Phục chế xe cũ, tặng học sinh vùng cao

Ông Kính nguyên là giáo viên dạy nghề xây dựng ở trường Cao đẳng nghề Cơ điện xây dựng Việt Xô (Ninh Bình).

Cách đây 13 năm, ông nhận quyết định hưu trí, về an hưởng tuổi già bên con cháu. Lúc này, ông bắt đầu dành thời gian cho đam mê ngày nhỏ của mình là sửa chữa xe đạp.

Người đàn ông Ninh Bình kể, năm cấp 1, ông thích mày mò nghiên cứu và xem người ta sửa xe đạp. Học cấp 2, sau giờ học, ông đến làm thuê ở tiệm sửa xe. Nhờ vậy, ông có nghề sửa xe.

Ông Kính thu gom xe đạp cũ từ các vựa đồng nát, cửa hàng sửa xe.
Ông Kính thu gom xe đạp cũ từ các vựa đồng nát, cửa hàng sửa xe.

Sau này, cuộc sống nhiều thay đổi ông không theo đuổi được công việc đó. Khi về hưu, lúc rảnh rỗi ông hay sửa xe giúp mọi người cho đỡ nhớ nghề.

Những lần đi tìm phụ tùng, ông thấy những chiếc xe cũ được bán sắt vụn với giá rẻ, liền nảy ra ý mua xe cũ về sửa chữa tặng các em nhỏ nhà nghèo.

Con gái ông Kính cũng là giáo viên và hay tham gia các hoạt thiện nguyện lên vùng cao cùng Câu lạc bộ từ thiện Tâm Đức.

Mỗi lần đoàn từ thiện có kế hoạch đi tặng quà, ông đều gửi vài chiếc xe đạp, nhờ họ trao cho các em. Tính đến nay, ông đã trao tặng hàng trăm chiếc xe như vậy.

Ông bày tỏ, xe đạp ở dưới xuôi ít đi, nhiều nhà để gỉ sét rất phí, trong khi các em học sinh vùng núi lại ao ước có chiếc xe đến trường.

“Tôi mua xe cũ giá chỉ 50 nghìn – 100 nghìn đồng. Mỗi lần mua khoảng 3 – 4 xe, mang chúng về tháo tung ra và bắt đầu phục chế. Ba chiếc xe cũ sẽ ghép thành 1 xe mới.

Mỗi chiếc lắp trong 4 ngày. Nếu xe nào thiếu nhiều phụ tùng, phải đi tìm hoặc mua thì thời gian lắp lâu hơn”, ông chia sẻ

Ngoài xe mini, xe địa hình… dành cho các cháu 12 tuổi trở lên, ông cũng mua cả những loại xe nhỏ, lắp tặng các cháu ở lứa tuổi từ 6 – 10 tuổi.

Xe đạp sau khi được phục chế, ông sơn lại cho mới, tra dầu mỡ rồi rửa sạch và gửi đi.

Những chiếc xe nghĩa tình của cựu giáo viên.
Những chiếc xe nghĩa tình của cựu giáo viên.

Thời gian đầu, để có nguồn xe đạp cũ, ông thường lang thang khắp các tiệm sửa xe và vựa đồng nát ở thành phố Tam Điệp.

Sau, cựu giáo viên kết nối với “hệ thống” những người làm nghề thu mua phế liệu, ve chai, nếu có xe thì chủ động mang đến nhà bán lại cho ông.

Vợ ông thấy chồng làm vậy, hết lòng ủng hộ. “Do sức khỏe chưa cho phép nên mọi lần tôi chỉ xem buổi trao tặng xe qua ảnh con gái gửi về. Năm tới, tôi hi vọng mình đủ sức khỏe để trực tiếp lên đó tặng xe cho các cháu”, ông bộc bạch

Tập kết xe, gửi lên miền núi.
Tập kết xe, gửi lên miền núi.

Ông tâm sự, vợ ông cũng là giáo viên về hưu. Tổng lương hưu của hai vợ chồng được 10 triệu đồng/tháng. Nhu cầu cuộc sống không cao nên ông bà thường trích một phần quỹ lương của mình làm việc thiện như thế này.

Mỗi khi ông sửa xe, bà hỗ trợ chồng dọn dẹp, lau chùi phụ tùng. “Vợ tôi rất ủng hộ chồng làm từ thiện. Cuộc sống của vợ chồng tôi không khá giả nhưng luôn sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng”, người đàn ông 73 tuổi trải lòng.

Dạy con trao yêu thương cho đời

Vợ chồng ông Kính sinh được 3 con trai và 1 con gái. Các con ông đã thành đạt, có cuộc sống riêng và đều là những người có tấm lòng hướng thiện, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội. Nay, chỉ còn hai vợ chồng ông ở với nhau.

Chiếc xe cũ là món quà quý giá với học sinh nghèo.
Chiếc xe cũ là món quà quý giá với học sinh nghèo.

Ông Kính tâm sự, ngay từ nhỏ ông chú trọng dạy con về cách làm người hơn là dạy con làm giàu.

“Bậc làm cha làm mẹ muốn dạy con, bản thân phải gương mẫu. Mình tử tế, con cái cũng học theo, làm tấm gương cho các con về lòng nhân ái”, ông nói.

Ông quan điểm, mỗi đứa trẻ như một mầm cây, người trồng biết chăm sóc, cây sẽ lớn, trổ bông và ngát hương.

Tấm lòng nhân ái như mùi hương, mình càng trao đi, sẽ càng lan tỏa yêu thương.

Ước muốn lớn nhất của ông Kính là có nhiều mạnh thường quân ở khắp cả nước cùng đồng hành, ủng hộ các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Con gái ông Kính là trưởng một nhóm thiện nguyện, lan tỏa sự sẻ chia đến cuộc đời.
Con gái ông Kính là trưởng một nhóm thiện nguyện, lan tỏa sự sẻ chia đến cuộc đời.

Chị Lê Hải Yến (con gái ông Kính) – Trưởng nhóm từ thiện Tâm Đức chia sẻ: “Bố không giàu nhưng tấm lòng của bố đã luôn ở bên những trẻ nghèo, cùng tiếp bước cho các bé đến trường. Tôi luôn lấy đó làm tấm gương răn dạy bản thân mình”.

Trước nghĩa cử của bố với trẻ em nghèo, chị Yến từng sáng tác bài thơ đầy xúc động: “Bạc rồi mái tóc cha yêu/ Bao năm trăn trở những điều nghĩa nhân/ Chỉ là đôi bàn tay trần/ Nhưng đã bao lần cha cho trẻ niềm vui/ Yêu cha yêu cả khoảng trời/ Nhom nhem dầu nhớt, nhem nhuốc người vì vết luyn”.

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.