Lan tỏa “Điều ước cho em”: Kết nối yêu thương

GD&TĐ - Chương trình “Điều ước cho em” không chỉ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần hiện thực hóa những ước mơ giản dị của thầy, trò vùng khó mà còn là sợi dây kết nối giữa gia đình, cộng đồng xã hội với nhà trường.

Chương trình “Điều ước cho em” đã khởi công xây dựng bếp ăn tại điểm trường Nậm Lẩu, xã Sĩ Bình (Bạch Thông, Bắc Kạn). Ảnh: Minh Điền
Chương trình “Điều ước cho em” đã khởi công xây dựng bếp ăn tại điểm trường Nậm Lẩu, xã Sĩ Bình (Bạch Thông, Bắc Kạn). Ảnh: Minh Điền

Nối vòng tay lớn

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp – Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Hưởng ứng chương trình “Điều ước cho em”, Công đoàn ngành đã kết nối các nguồn lực, chung tay hỗ trợ ngành Giáo dục địa phương, cơ sở giáo dục thuộc vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ để xây dựng một số nhà công vụ và công trình nước sạch…

Ngay sau khi triển khai chương trình, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng Bộ GD&ĐT, tổ chức đoàn công tác tới thăm, chúc Tết, tặng quà cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh các trường vùng khó khăn như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu... với số tiền gần 1 tỷ đồng. Trong những ngày đầu năm 2021, Công đoàn ngành kết nối, huy động các nguồn lực hỗ trợ một số đơn vị trường học, cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề do bão lũ, thiên tai… với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng. 

Ngoài ra, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Công đoàn Quốc phòng, Công đoàn Công an nhân dân, Quân khu 4 và một số đơn vị, doanh nghiệp tổ chức chương trình “Tết Sum vầy - Kết nối yêu thương” tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau; thăm tặng quà, chúc Tết cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng.

“Giai đoạn 2021 – 2025, Công đoàn Giáo dục Việt Nam dự kiến kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… hỗ trợ 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo phương châm: Mỗi địa phương chọn một huyện, mỗi huyện chọn 20 trường, mỗi trường chọn 1 giáo viên, 1 cán bộ quản lý có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ, tặng quà (trong đó có 10 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 5 trường trung học cơ sở)”, bà Nguyễn Thị Bích Hợp cho biết; đồng thời nhấn mạnh:  Chương trình “Điều ước cho em” đã nối vòng tay lớn để biến những điều ước giản dị của thầy – trò vùng khó trở thành hiện thực. “Thời gian tới, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục kết nối các nguồn lực xã hội để chung tay, hỗ trợ giáo dục vùng khó, nâng bước chân các em tới trường; giúp các em viết tiếp ước mơ học tập của mình”, bà Nguyễn Thị Bích hợp trao đổi.

“Bà đỡ” của kết nối, hỗ trợ

Pác Nặm (Bắc Kạn) là địa phương đầu tiên được lựa chọn để triển khai thực hiện Chương trình “Điều ước cho em” do Bộ GD&ĐT tổ chức. Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Ðào Duy Hưng tâm đắc: Chương trình đã hiện thực hóa những ước mơ giản dị của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, Đảng bộ, chính quyền và ngành Giáo dục địa phương luôn trăn trở, làm sao để có nguồn lực xây dựng bếp ăn bán trú, nhà vệ sinh học đường; mua sắm, bổ sung trang thiết bị dạy học cho thầy, trò và nhà công vụ cho giáo viên “cắm bản”. Giờ đây, thông qua chương trình, những điều ước này đã, đang và sẽ trở thành hiện thực, bởi chương trình là sợi dây kết nối yêu thương giữa cộng đồng xã hội với giáo dục vùng khó.

Ông Ðào Duy Hưng viện dẫn: Chương trình “Điều ước cho em” đã kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể và một số trường học trên cả nước, chung tay hỗ trợ điểm trường Slam Vè thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Nhạn Môn và điểm trường Nậm Lẩu, xã Sĩ Bình (Bạch Thông) xây dựng bếp ăn, sân trường, nhà vệ sinh cùng nhiều nhu yếu phẩm khác. Qua đó, giúp xã hội hiểu hơn về giáo dục, đồng hành với sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà. “Địa phương sẽ huy động và dành nhiều nguồn lực cho giáo dục; đồng thời tiếp tục, kết nối với các tổ chức xã hội, mạnh thường quân, nhà hảo tâm để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của quê hương”, ông Đào Duy Hưng nói. 

Khẳng định, “Điều ước cho em” là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cần được lan tỏa sâu rộng, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) phân tích: Chương trình đã kết nối, chia sẻ yêu thương giữa thầy, trò vùng khó; gia đình với nhà trường và rộng hơn là xã hội với nhà trường, tạo thế “kiềng 3 chân” bền vững: Nhà trường – gia đình – xã hội.

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn vất vả. Thầy, trò vẫn phải dạy, học trong điều kiện thiếu thốn cả về cơ sở vật chất trường lớp lẫn trang thiết bị dạy học. Vì thế, rất cần các nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng xã hội cho sự nghiệp “trồng người” nơi vùng khó. Hy vọng, chương trình “Điều ước cho em” tiếp tục là cánh tay nối dài, trở thành “bà đỡ” để tạo ra mạng lưới cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau, chung tay phát triển sự nghiệp GD-ĐT.  

Từng chứng kiến không ít giáo viên dành cả thanh xuân của mình để “cõng chữ” lên non, học sinh miền núi phải băng rừng, vượt suối để đến trường học tập, đại biểu Tạ Văn Hạ chia sẻ: Đó là vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở và động lòng trắc ẩn. “Vì thế, mong chương trình “Điều ước cho em” sẽ đến được với tất cả bản làng, phum sóc, từng bước hỗ trợ thầy, trò vùng khó. Mặt khác, cung cấp thông tin và kết nối những người có mong muốn sẻ chia với  nhà trường đang cần được giúp đỡ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng  GD-ĐT vùng khó”,đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Theo đại biểu  Quốc hội Tạ Văn Hạ, cùng với cơ quan, doanh nghiệp, mạnh thường quân, các trường học có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau theo hình thức kết nghĩa. Nói cách khác, đó là sự kết nối và chia sẻ hỗ trợ trong nội ngành với nhau để chung tay nâng chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...