Chuyện người hiến đất xây trường ở Nậm Pồ

Chuyện người hiến đất xây trường ở Nậm Pồ

Cho dù, 2ha đất của gia đình sản xuất quanh năm, mang lại thu nhập ổn định, song thấu hiểu khó khăn của học sinh, anh đã tặng để xây trường với chỉ một mong ước “để các con có cái chữ”.

Xin từ cái nhà vệ sinh... 

Đến nay, đã tròn 7 năm kể từ khi huyện Nậm Pồ được thành lập. Ngần ấy thời gian đã trôi qua, song Nậm Pồ hôm nay vẫn gần như "xuất phát điểm" ngày nào. Từ trung tâm huyện lỵ, với tay có thể đã tới nước bạn Lào. Còn về thành phố Điện Biên Phủ cũng phải mất nửa ngày với ngót nghét 150km. Mỗi năm vài lần đến miền biên viễn xa xôi này, tôi dường như có cảm nhận rõ về mỗi tấc đất, mỗi con người nơi địa đầu Tổ quốc. Cấp ủy, chính quyền địa phương cùng đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã không ngừng nỗ lực vươn lên, song khó khăn thì vẫn luôn hiện hữu.

Chẳng nói đâu xa, con đường đất đỏ, từ "khu kinh tế" Nà Hỳ dẫn về "trung tâm hành chính" của huyện chi chít ổ voi, ổ gà, với những viên đá lớn như cái bát, bụi mù đất đỏ, xóc lộn ruột đã phần nào nói được gian nan của mảnh đất này.

Gọi là "khu hành chính" cho sang, chứ thực ra cũng chẳng có gì. Một dãy nhà cấp 4 tạm bợ được dựng lên từ ngày thành lập, là nơi để cho hàng trăm cán bộ ở đây sống, sinh hoạt và làm việc. Chỉ hơn chục cái bóng đèn cao áp được thắp lên ở hai trục đường chính được làm bằng bê tông là có thể "sáng cả huyện".

Trưởng phòng GD&ĐT Nguyễn Xuân Thuận, mướt mát mồ hôi vừa từ bản trở về. Ông Thuận cho biết, vừa rồi ngành GD-ĐT huyện đón những đoàn hảo tâm từ khắp mọi miền lên chung tay góp sức, động viên, hỗ trợ cho trò nghèo vượt khó. Thế nhưng cũng chẳng "thấm" vào đâu. Các nhà hảo tâm đến trao tặng những suất quà như: Hộp bánh, gói kẹo, tấm quần, miếng áo... cũng chỉ là "con cá". Nhưng trò nghèo nơi đây họ lại cần cái "cần câu".

Ông Thuận chia sẻ: Huyện chúng tôi có tổng số 43 trường học, trong đó có 23 trường bán trú với tổng số 779 lớp học, 19.679 học sinh. Trong số đó thì có tới 13.173 học sinh bán trú. Do mới thành lập nên cơ sở vật chất trường lớp học và các công trình phụ trợ còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là nơi ăn, chốn ở, nơi sinh hoạt, nhà vệ sinh chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Tất cả các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Nậm Pồ hiện chỉ có 535 nhà vệ sinh. Nhiều trường như Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) THCS Nà Bủng, THCS Nà Khoa, THCS Phìn Hồ, Tiểu học Na Cô Sa, Tiểu học Nà Bủng, mỗi trường có khoảng 1.000 học sinh, song chỉ có từ 8 - 10 phòng vệ sinh tạm. 36/40 đơn vị trường học trong huyện có nhu cầu cần bổ sung 406 gian nhà vệ sinh với chi phí ước tính khoảng hơn 6 tỷ đồng.

"Từ thực tế trên, huyện Nậm Pồ chúng tôi đang lên phương án kêu gọi các tổ chức từ thiện, tổ chức xã hội chung tay huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư bổ sung cho những trường còn thiếu. Nói thì nghe có vẻ hơi "tế nhị" khi phải đi xin kinh phí để làm từ cái nhà vệ sinh, nhưng không kêu gọi thì chẳng lẽ lại cứ ngồi để trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mãi!?

Chuyện người hiến đất xây trường ở Nậm Pồ ảnh 1
Điểm trường Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa.

Phải học cái chữ

Chúng tôi có dịp gặp anh Hoàng A Ký (ở bản Nậm Nhừ, xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ), người dân tộc Mông. Anh Ký vóc dáng người nhỏ, ăn mặc đơn giản, nhưng khi trò chuyện, đôi mắt sáng cùng giọng nói lanh lợi của anh đã gây thiện cảm cho bất kỳ ai gặp anh lần đầu. Khi được hỏi về chuyện hiến 2 ha đất để làm trường học, anh Ký chia sẻ: "Mình tự hào khi được nuôi lớn, trưởng thành trên mảnh đất quê hương nên giờ cuộc sống đã cơ bản ổn định rồi thì mình muốn góp một công sức nhỏ bé để chung tay xây dựng bản mình, xã mình văn minh giàu đẹp, như vậy thì đất nước chúng ta mới giàu đẹp".

Ít ai nghĩ rằng, đằng sau dáng vẻ của một người đàn ông dân tộc Mông, quanh năm chân lấm, tay bùn lại là một ý chí lớn, một tinh thần tự nguyện lớn lao vì cộng đồng đến vậy. Nói xong anh dẫn chúng tôi đi thăm khu đất anh hiến để làm trường học.

Gia đình anh Hoàng A Ký vốn thuần nông, do vậy đất đai là tài sản quý giá, trong khi đó, nhà lại đông con cháu nhưng với tinh thần hiến đất xây trường học là đầu tư cho nhiều thế hệ con em đồng bào dân tộc thiểu số trong xã được học cái chữ để lập thân, lập nghiệp nên gia đình anh đã hiến 2 ha đất nương để cho xã làm trường học.

Anh Ký tâm sự: "Nhìn mấy đứa trẻ đi học xa mình thương lắm, cái thời của mình học ít con chữ, nên chỉ làm nương, làm ruộng, bây giờ con cháu mình thì khác, phải học cái chữ đến nơi đến chốn, thế mới làm ăn, phát triển kinh tế giỏi được. Được hiến đất để làm trường học cho con cháu mình, đồng bào mình, mình thấy rất vui đấy. Mai đây, cái nương cũ của nhà mình sẽ là trường học của xã, nhà mình lại gần trường, hàng ngày sẽ được nghe bọn trẻ đi học, vui đùa. Nghĩ thế, mình vui lắm".

Nói xong anh Ký cười trong niềm vui, niềm hạnh phúc. Nhưng có lẽ không chỉ riêng một mình anh Ký thấy vui như vậy. Cô Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Nhừ cũng phấn khởi chia sẻ: "Trường chúng tôi được xây dựng từ năm 2001, hiện nay cơ sở vật chất đã xuống cấp, không còn đáp ứng được nhu cầu dạy và học của thầy trò nhà trường.

Mặt khác, khuôn viên nhà trường chật hẹp, không có sân chơi, bãi tập cho học sinh, cũng khó để tổ chức các hoạt động ngoài giờ để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Được đầu tư xây trường mới, nhưng lại không có quỹ đất, nay có gia đình anh Ký hiến đất, thầy cô và học sinh nhà trường vui lắm, phấn khởi lắm".

Chuyện người hiến đất xây trường ở Nậm Pồ ảnh 2
Từng căn phòng được xây lên từ đóng góp vật chất của các nhà hảo tâm, thầy cô là những người “thợ cả” tích cực.

Để các con không phải vượt núi, băng rừng

Nậm Nhừ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Pồ. Xã còn thiếu nhiều cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, bản, đường giao thông nông thôn. Do vậy, rất cần sự chung tay, góp sức của nhân dân, nhất là cần người dân hiến đất trong điều kiện quỹ đất của xã chật hẹp. Từ khi huyện được thành lập (tháng 6/2013) đến nay, do điều kiện khó khăn, có tới 4/15 xã trên địa bàn chưa xây dựng được trường cho các em, trong đó có xã Nậm Nhừ.

Các thầy cô giáo cũng như cán bộ lãnh đạo phòng rất trăn trở khi thiếu các điểm trường khiến con em đồng bào dân tộc thiểu số phải học nhờ trên địa bàn xã khác. Các em ở xã Nậm Nhừ phải đi bộ từ 20 - 30km đường rừng để thỏa giấc mơ con chữ."

Mặc dù, các cấp, ngành địa phương đều có đề án xây dựng lớp học, trường học gần khu dân cư cho các em, tuy nhiên do chưa có kinh phí, cũng như việc tìm được mặt bằng là một bài toán lớn. Cả địa bàn xã Nậm Nhừ để tìm được từ 1 - 2ha đất là cực kỳ khó", Trưởng phòng GD&ĐT Nguyễn Xuân Thuận hướng ánh mắt vào núi đồi xa xăm nói.

Thấu hiểu điều đó, cùng với mong mỏi của bà con nhân dân, các bậc phụ huynh có con đi học xa vất vả, thầy Thuận đã đi đến nhiều bản làng trên địa bàn huyện để khảo sát, động viên bà con cùng chia sẻ quỹ đất để hiến đất xây trường học cho con em mình. Như sự kết nối kỳ diệu, câu chuyện của thầy Thuận khiến anh Ký trỗi dậy mong muốn hiến đất xây trường học, là nơi để cho các em học thỏa giấc mơ đắm chìm vào con chữ trên vùng đất quê hương.

Chỉ sau 2 ngày gặp gỡ, anh Ký đã đến gặp thầy Thuận và chia sẻ mong muốn hiến đất xây trường học cho con em vùng cao. "Tấm lòng hiến đất xây trường của anh Ký rất đáng biểu dương, bởi ở vùng đất khó khăn này, sức mạnh lòng dân là điều không gì quý giá hơn" - thầy Thuận nói với giọng đầy cảm kích. Tính đến nay đã gần 1 năm vận động bà con, xây dựng đường đi, san lấp mặt bằng, điểm trường Tiểu học xã Nậm Nhừ đã thấp thoáng trong núi đồi xanh tươi với diện tích 1ha, đủ xây dựng hơn 20 lớp học cho 400 em học sinh tiểu học trên địa bàn xã, dự kiến khai giảng năm học mới vào tháng 9/2020.

Dự kiến năm học 2021 - 2022, Trường THCS xã Nậm Nhừ cũng sẽ được xây dựng trên diện tích 8.000 m2 để phục vụ cho 300 em học sinh với khoảng 15 lớp học. Chúng tôi tin rằng, xã Nậm Nhừ ngày mai sẽ đổi thay từng ngày từng giờ khi hệ thống đường sá, trường học, trạm điện… sẽ bừng sáng trên mảnh đất vùng cao cằn cỗi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.