Nữ thi sĩ Mộng Tuyết (9/1/1914 – 1/7/2007), tên thật là Thái Thị Úc (Út, Sửu); còn có các bút danh Hà Tiên Cô, Thất Tiểu Muội, Nàng Út, Bách Thảo Sương, Bân Bân nữ sĩ; quê sinh ở làng Mỹ Đức (Hà Tiên), nay thuộc tỉnh Kiên Giang.
Đương thời Thơ mới 1932 - 1945, nữ sĩ là thành viên nhóm “Hà Tiên tứ tuyệt” (cùng Đông Hồ, Lư Khê, Trúc Hà); là vợ nhà thơ Đông Hồ; từng cộng tác với các báo khắp trong Nam ngoài Bắc như Nam phong tạp chí, Phụ nữ tân văn, Tiểu thuyết thứ Năm, Hà Nội báo, Đông Tây, Con Ong, Sống, Trung Bắc Chủ nhật, Tri tân…
Và các tập thơ Lời hoa (in chung, 1934), Phấn hương rừng (được Tự lực văn đoàn khen tặng, nữ sĩ đã cùng Đông Hồ ra Hà Nội nhận giải thưởng, 1939) và tập Hương xuân (1943, tuyển tập thơ nữ đầu tiên ở Việt Nam, in chung cùng Vân Đài, Hằng Phương, Anh Thơ)…
Giữa thời Thơ mới, thơ Mộng Tuyết đã được các nhà phê bình Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế), Hoài Thanh – Hoài Chân, L.H.V (Lê Huy Vân), Ái Lang… cùng quan tâm tìm hiểu, giới thiệu.
Tình và thơ nhẹ nhàng êm ái
Nữ thi sĩ Mộng Tuyết. |
Trong công trình khảo cứu Ba mươi năm văn học (NXB Tân Việt, H., 1941), nhà phê bình Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế) đã điểm danh và xác định phong cách thơ Mộng Tuyết trong một câu cô đúc: “Làng thơ mới (mới lẫn cũ) của văn học Quốc ngữ trong vòng mười năm nay đếm được: Riêng ở Nam Kỳ, ngoài một ít thi sĩ có tác phẩm đã xuất bản (Đông Hồ, Thiên Thu, Khổng Dương), còn lắm thi sĩ trẻ tuổi hữu tài hãy còn đắm chìm trong bóng tối… Cô Mộng Tuyết với những vần dí dỏm”…
Trong lời giới thiệu Một thời đại trong thi ca ở sách Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên Xb., Huế, 1942), các nhà phê bình Hoài Thanh – Hoài Chân đã ba lần nhắc đến tên tuổi và ghi nhận vị thế Mộng Tuyết trong tương quan với Đông Hồ ở giai đoạn khởi đầu Thơ mới: “Người đầu tiên chịu ảnh hưởng Pháp rất đậm là Thế Lữ (...).
Cả những vì sao vốn ở một trời khác: Vân Đài, Đông Hồ, Mộng Tuyết, cũng ghé về châu tuần một lúc”, đồng thời đặt đôi “thi nhân sam” Mộng Tuyết – Đông Hồ miền quê Hà Tiên trong tương quan với các nhóm thơ và những thi nhân đương thời cùng gắn bó với Đường thi truyền thống: “Hồn thơ Đường vắng đã lâu, nay lại trở về trong thơ Việt. Lần đầu tiên (1934) nó đi theo J. Leiba (…). Thế mà có người say theo thì nàng lại chẳng mặn mà chi, như hai thầy trò Đông Hồ, Mộng Tuyết. Đến nỗi một buổi sáng kia, hai thầy trò chán nản, bỏ đi tìm duyên mới.
Nhưng Đông Hồ, Mộng Tuyết còn may mắn hơn nhiều người khác. Những người này cố ý bưng tai cho đừng nghe thấy tiếng gọi phương xa. Họ quyết giữ trọn nghĩa thủy chung với nàng thơ cũ. Nhưng họ đã bị ruồng rẫy mà không hay. Có phải Nguyễn Giang cũng ở trong bọn những người xấu số ấy?”…
Trong phần đi sâu giới thiệu chân dung Mộng Tuyết ở sách Thi nhân Việt Nam nói trên, Hoài Thanh – Hoài Chân trích tuyển hai bài thơ của Mộng Tuyết (Dương liễu tân thanh và Vì anh Thọ Xuân), đồng hạng với Vũ Đình Liên, Thanh Tịnh, Huy Thông, Nguyễn Vỹ, Bích Khê, Yến Lan, Phạm Hầu, Xuân Tâm, Bàng Bá Lân, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Xuân Huy (vượt lên Thúc Tề, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương chỉ được chọn có duy nhất một bài), từ đó nhấn mạnh một phong cách thơ hồn hậu, nhẹ nhàng, bình dị:
“Trong những người do Trí Đức học xá đào luyện ra thì Mộng Tuyết có đặc sắc hơn cả. Nhờ Ô. Đông Hồ nói giùm, tôi được xem tập Phấn hương rừng của nữ sĩ. Tập thơ bìa thếp vàng, giấy tàu tốt, chính nữ sĩ viết và vẽ để làm vui riêng trong khuê phòng. Nét bút hoa mỹ, nét vẽ phóng túng, thỉnh thoảng lại chen vào ít câu chữ Hán cũng của Mộng Tuyết, thực là một cái thú cho người xem.
Còn thơ, hoặc nhẹ nhàng hí hởn, hoặc hàm súc lâm ly, hoặc nhớ nhung bát ngát, hoặc xôn xao rạo rực, tổng chi là lời một thiếu nữ, khi tự tình, khi đùa giỡn, khi tạ lòng người yêu. Người xem thơ bỗng thấy lòng run run như được đọc thư tình gửi cho một người bạn: Người thấy mình đã phạm vào chỗ riêng tây của một tâm hồn, trong tay dường như đương nắm cả một niềm ân ái.
Nhưng có một điều đáng suy nghĩ: Người thiếu nữ trong tập thơ này có làm cho ta quên những thiếu nữ do trí tưởng thi nhân đàn ông tạo ra không? Nàng, một người đàn bà thiệt, nàng có đàn bà hơn những người đàn bà khác trong tưởng tượng kia không? Dầu sao, có những lời thơ như câu sau này tả cảnh xuân:
Chốn buồng khuê, xuân đến thăm em.
Hay như bài đề tặng bộ Việt Pháp tự điển, những lời tuy bình dị mà có một vẻ yêu kiều, riêng tưởng ngòi bút đàn ông khó có thể viết ra được”...
Nói cho đúng, cái gọi là “bài đề tặng bộ Việt Pháp tự điển” thực chất chỉ là một phần câu đề từ. Đến đây xin dẫn lại còn nhan đề đầy đủ và toàn văn bài thơ vốn được Hoài Thanh – Hoài Chân “Trích theo đây” trong Thi nhân Việt Nam:
VÌ ANH THỌ XUÂN
(Đề tặng anh Đông Hồ
bộ Việt - Pháp tự điển)
Vì ai, đề tặng sách cho ai;
Rồi lại vì ai, cảm tạ người;
Bởi sợ nhà thơ nghèo đến chữ,
Yêu nhau, đưa tặng mấy muôn lời.
Tiếng nhà, của sẵn kho vô tận,
Mặc sức tiêu hoang, mặc sức chơi:
Mua bốn phương trời mây nước đẹp,
Mua nghìn năm cảnh cỏ hoa tươi.
Hãy còn thừa thãi, tiêu chưa hết,
Mua lấy, trần gian, tiếng khóc cười.
Trước hết, đã mua rồi một món:
Thàng Phương hương điểm
mối tình dài.
(Phấn hương rừng)
Hòa hợp tiếng thơ Đông - Tây
Trong mục Đọc sách mới trên báo Thanh nghị (số 38, ra ngày 1/6/1943), L.H.V (Lê Huy Vân) đã giới thiệu tập thơ Hương xuân của bốn nhà thơ nữ (NXB Nguyễn Du, H., 1943) và phác vẽ phong cách của từng người, trong đó chú ý nhấn mạnh vẻ bình dị của thơ Mộng Tuyết: “Các nhà thơ đàn bà ở xứ này hãy còn hiếm mà đã bị ở vào một thế bất lợi do sự cạnh tranh ráo riết của các nhà thơ đàn ông gây ra. Cứ giở một quyển thi tuyển của nhà văn hiện đại thì rõ. Bao nhiêu những đầu đề dễ dàng đều bị phái tu mi tranh lấy đã từ lâu… Cho nên khi đọc Hương xuân – là một cuốn sách nhỏ góp nhặt thơ của mấy nữ sĩ Vân Đài, Hằng Phương, Mộng Tuyết, Anh Thơ – thì tôi thấy như đi vào chỗ đất quen… Chỉ có Mộng Tuyết làm cho tôi ngạc nhiên vì sự đột ngột, vì cử chỉ tự nhiên của cô gái phương Nam:
Rồi phút say sưa, anh có lại,
Yêu em… Em sẽ ẩy anh ra”…
Cuối cùng, Ái Lang trong bài viết Triển vọng của văn học phụ nữ Việt Nam hiện đại đã nhấn mạnh cơ sở văn hóa làm nền cho sự ra đời các báo chương chuyên về phụ nữ và xác định vị trí Mộng Tuyết (bên cạnh những Đạm Phương, Tương Phố, Nguyễn Thị Kiêm, Mộng Sơn, Vân Đài, Anh Thơ): “1931... 1933, ngày 26/7, cô Nguyễn Thị Kiêm lên diễn đàn Hội Khuyến học Sài Gòn hết sức tán dương thơ mới.
Cuộc diễn thuyết đông đúc, nhộn nhịp không khác gì một buổi diễn kịch Hernani của phái lãng mạn Pháp quyết chiến thắng phái cổ điển. Có các báo Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Đàn bà lần lượt ra đời… Theo đà tiến triển của toàn thể xã hội, trong địa hạt văn chương, phụ nữ đã lên tiếng bình quyền. Rộn rịp, tưng bừng 1936, 1937, 1938.
Về những địa hạt khảo cứu, tiểu thuyết tuy còn vắng người, nhưng về báo giới, về thi ca, nhất là về thi ca thì phụ nữ đã có một địa vị khả quan, hơn nữa nhiều nữ thi sĩ đã có những xu hướng rõ rệt. Ít tư tưởng nhiều cảm giác, những đặc tính của thi ca phụ nữ thượng lưu đã thấy hiện ra trong những câu:
Gió xuân đâu biết cho lòng thiếp,
Ôm ấp bên mình thiếp mãi chi…
… Trong cơn ngây ngất say sưa ấy,
Chợt động cành cây tiếng lá rung.
(Vân Đài)
Đôi lời thơ còn thoảng mùi quý tộc từ Hồ Đông nhẹ nhàng lên tiếng, vẫn chưa ngoài cốt cách Nam phong:
Nét mực vừa khô, lệ ướt dầm,
Lời xưa thêm gợi mối thương tâm.
Biệt ly còn bận đời danh sĩ,
Huống chốn buồng thơ, khách chỉ kim.
(Mộng Tuyết – Phấn hương rừng)”
Từ đây Ái Lang đi đến phân tích, lý giải và nhấn mạnh điều kiện phát triển bộ phận tác giả nữ, giới nữ, thiên tính nữ: “Riêng về thi ca thì phụ nữ Việt Nam có thể lạc quan được, vì trong địa hạt ấy, điều kiện tình cảm phong phú và cảm giác tế nhị cần thiết nhiều hơn là điều kiện bác học và kinh nghiệm trường đời. Không chuyên môn không thành nhà khảo cứu và khó thành nhà văn; nhưng có ít giờ nhàn rỗi ở chốn buồng sâu hay bên hiên vắng, để yêu vẩn vơ, buồn man mác, cảm sâu xa, say nhạc điệu rồi viết thành dăm lời thơ ngắn; thi gia có lẽ không cần phải chuyên môn mà có muốn chuyên môn cũng không sao được, vì hàng hóa của nhà xuất bản được chạy đâu phải là thơ…
Bởi vậy cho nên, nữ thi sĩ Việt Nam có thể có nhiều trong khi nữ học giả và nữ văn sĩ có thể còn hiếm. Ấy là tình trạng vật chất xã hội đã quy định nên những xu hướng trong văn học nữ giới như vậy. Dù phê bình, dù khuyến khích, luật định mệnh trong lịch trình tiến hóa của các trạng thái xã hội vẫn nghiêm ngặt, bất di, bất dịch. Bi quan không được mà lạc quan cũng là sớm vội.
Tất cả sự tiến bộ của văn học phụ nữ Việt Nam tương lai phải đợi sự biến đổi của những điều kiện xã hội. Chỉ khi nào phụ nữ khắp nơi đều được đọc sách ấy mới là lúc các ngành văn học của phụ nữ Việt Nam tiến triển được nhịp nhàng…
Có một ngày cuối đông, gió bấc ào ào, cây đào trong vườn xơ xác, dăm cánh hoa sớm nở, rơi rụng tả tơi. Nhưng sớm mai là một sớm xuân; nắng hồng sẽ chan chứa khắp vườn và muôn ngàn hoa đào sẽ tung nở” (Tri Tân tạp chí, số 113, tháng 9/1943) ...
Trong tầm nhìn của các nhà phê bình Thơ mới, nữ sĩ Mộng Tuyết tiếp nhận cả hai nguồn ảnh hưởng thơ Pháp và Đường thi, góp thêm tiếng thơ trữ tình bình dị, tiếng nói tình yêu đôi lứa mới mẻ và lời tâm tình gần gũi đời thường.
Đó cũng là tiếng thơ tiêu biểu của miền đất cực Nam Nam Bộ, tiếng thơ của vùng văn hóa Hà Tiên hội nhập cùng nền thơ quốc gia, tiếng thơ của một nữ sĩ hòa mạng cùng nền thơ dân tộc và hiện đại…