Đó là những những tác phẩm mà hầu như ai cũng biết, cũng muốn thưởng thức và muốn hát.
Có thể nhắc đến đó là “Em ơi, Hà Nội phố”, “Chiều phủ Tây Hồ”, “Hà Nội ngày trở về”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi”, “Nỗi nhớ mùa đông”… Những bản tình ca lãng mạn này đã đi cùng năm tháng và ở lại mãi trong lòng mọi người.
Dù bạn không phải là người Hà Nội thì những giai điệu nhẹ nhàng mà sâu sắc với hình ảnh đẹp đến mê hồn của Hà Nội được những nốt nhạc của một Phú Quang tài năng đã làm thăng hoa, bay bổng những xúc cảm về một Thủ đô hào hoa linh thiêng và làm ta yêu mãi, nhớ mãi.
Dù có đi đâu về đâu trên cõi nhân gian này ta vẫn mãi mang theo để cho hình bóng về một Hà Nội yêu dấu thấm đẫm trái tim và linh hồn ta như ta luôn mang theo những gì là ngọt ngào thân thương nhất về quê hương Tổ quốc ta.
Không biết từ bao giờ, hình ảnh về Hà Nội đã in vào tâm khảm ta khi ta lắng nghe những ca từ da diết với những nốt nhạc nhẹ nhàng cuốn hút:
“Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi Hoàng Lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn
mưa nhỏ
Ai đó chờ ai tóc xõa vai gầy…”.
Với “Em ơi Hà Nội phố”, Phú Quang đã mang đến cho chúng ta những cảm xúc tuyệt vời về Hà Nội. Ta như cảm nhận được một Hà thành cổ kính rêu phong, trầm mặc trong những con phố vắng có những “mái ngói xô nghiêng”, có những chiều Hồ Tây với hoàng hôn tím và hình như có cả dòng chảy của lịch sử tuôn về trong mê man những xúc cảm về Hà Nội dù có phải trải qua những tháng năm đau thương mà vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu qua mọi bão giông:
“Mùa đông năm ấy
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng
chuông ngân…”.
Và Hà Nội vẫn còn đó, vẫn với vẻ đẹp rất riêng chỉ có ở Hà Nội và nhạc sĩ Phú Quang bằng cảm nhận tinh tế của mình đã vẽ lại bằng âm nhạc một “Chiều phủ Tây Hồ” không thể đẹp hơn, không thể tuyệt vời hơn, mê hồn hơn:
“Chiều như chậm rơi, chậm rơi
Sóng bồng bềnh, bồng bềnh
Sương giăng đỉnh núi mờ xa
Phủ Tây Hồ bâng khuâng
huyền thoại
Xa xanh hạc trắng bay về
….Gió Tây Hồ thổi mãi mái
rêu phong…”.
Vẻ đẹp phong trần đó của Hà Nội còn được Phú Quang thể hiện trong một “Im lặng đêm Hà Nội” cũng ngọt ngào, cũng bồng bềnh sương khói, cũng nồng nàn hương hoa sữa trong một đêm mùa thu Hà Nội và cũng làm tan chảy trái tim ta khi ta cùng lắng nghe hay cùng cất lên những nốt nhạc phiêu diêu và những ngôn từ thật đẹp đó:
“Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn
trong căn phòng nhỏ
Đêm cuối thu trăng lạnh
mờ sương
Chỉ có nỗi lặng im phố khuya
không gian dạ hương sâu thẳm
Chỉ còn mênh mông gương Hồ
Từng hàng cây gió phố ngây ngô
nhìn nhau…”.
Nghe những giai điệu tha thiết của “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, ta có cảm giác như đang thả mình vào một chiều đông thật lạnh giá, như đang đi lang thang bất định những con phố nhạt nhòa mưa đông để cảm nhận được ta đang ở Hà Nội, đang để tâm thức ta trôi về miền mong chờ nhớ nhung trong cảnh sắc Hà Nội chiều mưa:
“Chiều đông sương giăng phố vắng
Hàng cây lặng câm tháp cổ
mặc trầm…
Chiều nay mình ta lang thang trên
phố nhạt nhòa
Sương giăng trắng niềm mong chờ
Chợt chiều đông lạnh giá đến
bơ vơ…”.
Chắc hẳn Phú Quang yêu Hà Nội đến thế nào nhạc sĩ mới cho ra đời các tác phẩm hay đến nao lòng như thế về Thủ đô ngàn năm vạn vật. Và tình yêu Hà Nội của tác giả sâu sắc, lớn lao đến mức ông đã thậm chí “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi” trong dòng cảm xúc dâng trào mãnh liệt nhất về hình ảnh, cảnh sắc đặc biệt về Hà Nội:
“Sao Hồ Gươm biết tôi đi xa
Mà run run cho từng bóng
cây nhòa
Gió níu hoàng hôn xuống tận
giấc mơ
Cổ thành xưa, ngơ ngẩn lá thu mưa
Tôi muốn mang Hồ Gươm đi
trú đông.
Sao Hồ gươm biết tôi ra đây
Mà tràn yêu thương lên bóng
vai gầy
Mà làm mát tôi bằng ngàn con sóng
Mà thả trời xanh xuống trên từng
nhánh cây”.
Có thể nói, Phú Quang đã dành cho Hà Nội tất cả trái tim mình bằng một tình yêu vô cùng lớn lao. Chúng ta hãy lắng nghe tâm trạng đó của nhạc sĩ về nỗi nhớ thương không thể nguôi ngoai qua một tác phẩm tuyệt vời, “Nỗi nhớ mùa đông”, một nỗi nhớ thật không thể nào có được nếu trong ta không có một tình yêu sâu sắc, thủy chung và ngút ngàn nỗi mong đợi, nhớ thương:
“Dường như ai đi qua cửa
Gió mùa đông bắc se lòng
Làm sao về được mùa đông
Dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Để nghe chuông chùa xa vắng
Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về…”.
Chính vì tình yêu sâu đậm đến thế đối với Hà Nội mà Phú Quang khi xa Thủ đô, cũng như bất cứ ai đều luôn mơ có ngày lại được về, trở về với những cảnh Hà Nội thân quen, với những con phố xưa thân thuộc với bao kỷ niệm đầy vơi:
“Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ
Tôi vội vã trở về
Lấy cho mình dù chỉ là một chút
bóng đêm trên đường phố quen
Dù chỉ là một chiều hương giăng
lối cũ
Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô
Như ngày xưa mỗi lần chạm vai
gầy áo mẹ…”.
(Hà Nội ngày trở về)
Có phải chính vẻ đẹp của Hà Nội đã làm nên những bản tình ca đẹp, tuyệt vời của Phú Quang về Hà Nội hay chính nhạc sĩ tài năng Phú Quang đã tạo ra một Hà Nội đẹp đến thế, kiêu sa lãng mạn đến thế!?
Có thể dễ nhận ra trong các bản tình ca mê đắm đó lúc nào cũng có bóng hình của một người tình yêu kiều ẩn hiện trong không gian của một Hà Nội thơ mộng.
Nàng là ai? Câu trả lời không khó vì chính nhạc sĩ đã thổ lộ: “Đó chính là Hà Nội. Một khi ta đã yêu cái gì đó tha thiết quá thì đều có cảm giác như một người tình. Hà Nội với tôi là tình yêu…”.
“Dù đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội”, vẫn mãi nhớ về Hà Nội thật đẹp. Cùng với những bản tình ca bất hủ của Phú Quang về Hà Nội, gọi mời ta luôn hướng về Thủ đô yêu dấu, hướng về trái tim thân thương của những con người Hà Nội ngàn năm văn hiến, hướng về những giá trị linh thiêng nhất đã tạo nên một Hà Nội thanh cao, lịch lãm và đẹp đến nao lòng trong tâm hồn mỗi người dân đất Việt.