1.
Nói về nhạc sĩ Phú Quang không dễ và cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Bởi lẽ, nhạc sĩ là một người hoạt ngôn, ông có thể nói về bản thân một cách đầy đủ và dí dỏm nhất. Tuy nhiên, nhạc sĩ lại không có ý định xuất bản hồi ký dông dài. Mỗi bài hát của ông đã là một trang hồi ký ấm áp và ân cần, như ông thổ lộ: “Tôi viết để trả nợ cho mảnh đất quê hương, nơi tôi đã lớn lên, nơi có căn nhà của mẹ cha tôi đã đổ sập sau những trận bom B52, nơi đã cùng tôi hoài thai lên những ước mơ của tuổi trẻ, nơi tôi đã ra đi, đã đáu nhớ thương và đã trở về….”.
Nhạc sĩ Phú Quang chinh phục người Hà Nội và những ai yêu Hà Nội bằng những ca khúc đắm đuối mà ai cũng có thể kể ra “Em ơi, Hà Nội phố”, “Hà Nội ngày trở về”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, “Chiều phủ Tây Hồ” hoặc “Mơ về nơi xa lắm”...
Ông có hơn 20 năm rời xa Hà Nội để chuyển vào sinh sống tại TPHCM. Ở đấy, nắng gió phương Nam càng khiến ông khắc khoải “một Hà Nội run run heo may”. Hầu hết những ca khúc viết về Hà Nội được yêu thích nhất của ông đều được hát lên lần đầu tiên tại TPHCM. Theo nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ, ca khúc đầu tiên ông viết về Hà Nội là “Trong miền ký ức” phổ thơ Hoàng Hưng: “Cả bài hát không có một chữ nào nhắc đến Hà Nội nhưng lại chứa đựng tất cả giấc mơ, tất cả hoài niệm của tôi về mảnh đất thân yêu ấy với những hình ảnh rất đời thường: Một con đường bụi đỏ, một nóc nhà thờ đầy gió, những chuyến xe đông, một triền sông với cơn gió mùa se sắt …
Có những điều bé nhỏ chỉ khi thực sự mất đi rồi người ta mới nhận ra được giá trị thật… Mỗi tác phẩm âm nhạc của tôi dù có ngôn từ hay không có ngôn từ đều là một cách trả nợ cho những kỷ niệm. Khi tác phẩm có một đời sống thì kỷ niệm chỉ còn sống với đời sống của một tượng đài. Cho dù trong lòng có đầy tiếc nuối thì vĩnh viễn cũng chỉ là quá khứ, chỉ sống trong tâm tưởng khi âm nhạc vang lên...”.
Ở nước ta đã có nhiều nhạc sĩ phổ thơ rất thành công như Phạm Duy, Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu… nhưng không ai phổ thơ nhiều như nhạc sĩ Phú Quang. Khi cầm văn bản bài thơ gốc đối chiếu với ca từ đã triển khai trong bài hát, mới cảm nhận đầy đủ tài năng thẩm thơ và phổ thơ của nhạc sĩ. Ví dụ, bài hát “Đâu phải bởi mùa thu” dựa theo bài thơ “Yên tĩnh” được nữ sĩ Giáng Vân viết năm 1983. Hai ý niệm quan trọng được chuyển đổi, từ “đá núi trụi trần vết tạc thời gian” trong thi ca sang “đá núi tật nguyền vết sẹo thời gian” trong âm nhạc, và từ “cây lá có rơi nhiều, xin đừng hỏi mùa thu” trong thi ca sang “lá trút rơi nhiều, đâu phải bởi mùa thu” trong âm nhạc, đã giúp công chúng có được ca khúc cồn cào nhớ thương.
Thế nhưng, nhạc sĩ Phú Quang không phải không biết viết lời cho bài hát của mình. Nhiều ca khúc do chính ông viết lời cũng khá ấn tượng, mà nổi bật nhất phải nhắc “Thương lắm tóc dài ơi” đầy xao xác: “Mưa vẫn giăng đầy trên triền sông chiều đông giá buốt/ Em vẫn âm thầm đi về đâu để ta thương lắm/ Yếm rách còn ngăn được gió/ Tình em dang dở, yếm nào che…”.
2.
Quãng thời gian bôn ba ở TPHCM đã cho nhạc sĩ Phú Quang nhiều thứ, nhưng Hà Nội vẫn là chốn quay về nương náu của ông. Hà Nội như máu thịt, Hà Nội như linh hồn. Rời ngôi nhà nhỏ ở khu Đa Kao, TPHCM, Phú Quang trở lại Hà Nội và cư ngụ ở một con đường có tên rất lạ là Nước Phần Lan. Chỗ sinh sống hiện nay được nhạc sĩ Phú Quang miêu tả: “Ngôi nhà này có một điểm đặc biệt, đó là nhà đế vương. Các bạn có biết vì sao nó lại là nhà đế vương không? Vì nó… vướng đê mà”.
Ở đó, Phú Quang có không gian yên lành với người vợ thứ ba ít hơn 20 tuổi. Mỗi ngày bây giờ của nhạc sĩ Phú Quang thong dong: “Buổi sáng thì chơi lêu têu, cà phê cà pháo. Buổi chiều, nhè lúc vợ đang đi làm thì nghe giao hưởng (vợ mình không nghe được giao hưởng), hoặc đọc sách, xem phim… Tóm lại là toàn những đam mê lương thiện!”.
Cách đây 20 năm, nhạc sĩ Phú Quang phát hiện mấy cục hạch to ở cổ. Đi xét nghiệm, bệnh viện xác định… ung thư. Phú Quang hoang mang một thời gian, nhưng sau đó ông lấy lại bình tĩnh và quyết định… giữ nguyên hiện trạng. Bác sĩ chất vấn: “Anh không sợ chết à?”, Phú Quang trả lời tếu táo: “Tôi sống thọ lắm rồi vì ở Hà Nội người ta có câu “những người hay ăn hay chơi, sống 30 tuổi bằng người 100”. Tôi sống 50 năm là gần 200 tuổi, như thế là thọ rồi!”.
Vậy nhạc sĩ Phú Quang đã thoát khỏi đòn hiểm của số phận như thế nào? Ông chia sẻ: “Lần đó về, tôi tập trị liệu theo hướng dẫn của một người thầy cao tuổi, tập đúng một năm, khối u tự nhiên mất đi. Đến giờ, tôi đã 6 lần được người ta báo chết và đã không bị dằn vặt suy nghĩ nhiều về ý nghĩa của sự sống, chết... Tôi thích câu nói của Exenhin: Chết thì không có gì mới cả, nhưng không có nghĩa là sống thì mới hơn!”.
3.
Ca khúc của Phú Quang chinh phục nhiều người, nên số người hâm mộ ông không hề ít. Live show nào do nhạc sĩ Phú Quang tổ chức cũng cháy vé. Tuy nhiên, đề cập đến những người hâm mộ vây quanh nhạc sĩ thì không thể không nhắc đến những bóng hồng. Phú Quang cũng không hề giấu giếm sự đào hoa của bản thân: “Tôi không… “cưa” mỹ nhân nào. Tôi từ xưa tới nay chỉ dùng rìu, chặt một phát không đổ thì thôi. Tôi từng bị khủng hoảng niềm tin từ rất sớm nhưng chính những người phụ nữ bù đắp cho cuộc đời tôi. Họ đều là những người tôi trân trọng và tôi nghĩ mình cũng nhận được sự trân trọng từ họ. Mỗi lần đi ăn cùng các con tôi vẫn rủ vợ cũ.
Chúng tôi vui vẻ như những người bạn với nhau. Mà cuộc đời ngắn ngủi, chả có nghĩa lý gì mà không vui vẻ với nhau cả… Thực ra chưa bao giờ tôi ngừng tin tình yêu và hạnh phúc là có thật trên đời. Tôi cũng đủ trải nghiệm để hiểu rằng không có gì tuyệt vời hơn tình yêu. Nhưng tôi lại nghĩ tình yêu và hạnh phúc giống như con chim, đến đậu trên vai ta một vài lần trong đời đã là may mắn lắm. Tôi nghĩ người phụ nữ hiện tại của mình phù hợp. Cô ấy làm ngân hàng, một ngành nghề chẳng liên quan gì đến nhạc nhưng lại hiểu nhạc của tôi, mê nhạc của tôi và chịu được bản tính của tôi. Còn việc sẽ sống với nhau bao lâu quả thật tôi chẳng có thời gian nghĩ đến”.
70 tuổi, như cổ nhân mặc định thì đã “thất thập cổ lai hy”. Thế nhưng, nhạc sĩ Phú Quang vẫn dồi dào năng lượng để viết nhạc và để yêu đương. Đón xuân Kỷ Hợi 2019, ông tự bạch về mình: “Tôi tên Phú Quang, nhưng Phú thì chưa bao giờ mà Quang thì cũng… vừa phải thôi! Chuyện này tôi đã đúc kết rồi: Thường cái tên rất hay ngược với người! Cái anh tên Hùng thì chính ra lại thường rất hay nhát… Tương tự, anh tên Phú thì thường nghèo và tên Quang thì đời cũng chưa chắc đã sáng. Tôi cũng nghiệm thấy đời tôi không biết sao mua cái gì cũng phải trả giá đắt, và chỉ có thể trả bằng sức lao động. Có chăng, như người ta vẫn nói, mất cái này thì được cái kia. Cuối cùng thì Thượng đế vẫn công bằng!”.