Là người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn hiểu hơn ai hết sự hy sinh, mất mát của những người lính cũng như hậu phương của họ. Đó chính là chất liệu được ông đưa vào sáng tác của mình một cách tinh tế, sâu lắng rồi “nương vào để sống và ước vọng”...
“Giải thưởng lòng dân”
Trong đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật mới đây, nhiều người tỏ ra ngậm ngùi, tiếc nuối khi nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn không được vinh danh ở giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực sáng tác, mặc dù trước đó ông cùng 5 nhạc sĩ đã có tên trong danh sách đề cử ở Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước.
5 tác phẩm của ông được đề nghị xét là concerto cho piano và dàn nhạc giao hưởng “Bất khuất”, “Nữ tự vệ Sài Gòn” (thơ Lê Anh Xuân - Phạm Minh Tuấn), romance “Khoảng lặng”, ballade “Đất trắng”, “Mùa Xuân” (phỏng thơ Elena Superman).
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chia sẻ, ông đặc biệt xúc động khi tình cờ bắt gặp những người không phải là ca sĩ chuyên nghiệp mà chỉ là anh công nhân, chị điều dưỡng, cô lao công… thể hiện ca khúc của mình.
Với ông, ca khúc đi vào lòng công chúng không chỉ dừng lại ở niềm yêu thích được nghe ca sĩ nổi tiếng hát, mà còn phải được người hát không chuyên thể hiện bằng chính nỗi lòng, tâm tư và tình cảm của mình.
Mới đây, ông chia sẻ trên trang Facebook cá nhân video mà PGS.TS, nhà tâm lý học Trịnh Hòa Bình thể hiện ca khúc “Đất nước” với lời bình “Tôi nghe rất xúc động và rất vui vì tác phẩm vẫn sống với thời gian”. Chính với mong muốn nhiều người hát được ca khúc của mình nên khi đặt bút sáng tác, ông đã viết những nốt nhạc thật dễ hát, khúc thức không quá khó.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn còn vui mừng khi đến đâu cũng có những khán giả nhận ra, thậm chí còn yêu cầu ông hát ca khúc của mình. Lúc đó, ông luôn đáp ứng mong mỏi của khán giả cùng lời giãi bày chân tình: “Tôi hát không hay”.
Cũng theo nhạc sĩ, tác giả cần tôn trọng, yêu quý và biết ơn khán giả vì suy cho cùng một ca khúc ra đời phải phục vụ được đời sống nhân dân, nói lên tiếng nói, tình cảm của đại đa số nhân dân. Đặc biệt, trong tác phẩm người viết phải có tính dự báo, phải dẫn dắt và định hướng công chúng đến với đạo lý cao đẹp, giá trị nhân văn của con người Việt Nam.
Một điều mà nhạc sĩ rất lưu tâm là phải sáng tác nhạc trên sự sáng tạo của dân ca, lấy dân ca làm gốc. Có lẽ đó chính là “bí quyết” mà các sáng tác của ông dù đã ra đời hàng nửa thế kỷ vẫn khiến người nghe day dứt, bồi hồi, vẫn có cảm giác câu chuyện như mới xảy ra ngày hôm qua.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (người cầm hoa giơ lên) cùng các vị khách mời và ca sĩ thể hiện ca khúc 'Bài ca không quên' trong đêm nhạc 'Bài ca không quên' do Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tổ chức năm 2022. Ảnh: Trần Công Thủy. |
Âm nhạc tri ân anh hùng liệt sĩ
Hơn 30 năm trước, gặp được ý thơ của nhà thơ Đặng Viết Lợi trong bài thơ “Nhờ Đảng, tôi biết được”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã phổ thành ca khúc “Khát vọng” nổi tiếng: “Hãy sống như đời sống để biết yêu nguồn cội/Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao/Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng/ Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông…”.
“Khát vọng” cũng chính là nỗi lòng của ông muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc thân yêu bằng những ca khúc. Bởi thế mà gần đây, ông vẫn cho ra đời nhiều ca khúc mà tiêu biểu là bài hát “Mùa nhãn chín” phổ từ thơ của nhà thơ Nguyễn Khắc Hào ở Hưng Yên.
Bài hát này cùng với các bài hát khác đã đưa nhà thơ Nguyễn Khắc Hào đến với giải Đặc biệt tại Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật Phố Hiến lần thứ V, giai đoạn 2016 - 2020.
Nếu như “Khát vọng” là lời nhắc nhở để mỗi người sống có trách nhiệm với gia đình, với Tổ quốc thì “Bài ca không quên” của Phạm Minh Tuấn là lời nhắc nhở để mỗi người không được lãng quên quá khứ.
Có một điều thú vị là ca khúc này ra đời từ “đơn đặt hàng” cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Văn Thông, phát sóng năm 1982. Bài hát có nội dung tư tưởng giống như bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy để cuối cùng mỗi người phải “giật mình” trước sự “bội bạc” của chúng ta trước thiên nhiên, trước những ân nhân một thời “kề vai sát cánh”, “đồng cam cộng khổ”.
Lời bài hát day dứt, khắc khoải và đã “đóng đinh” với giọng ca của ca sĩ Cẩm Vân. Bài hát đã lột tả được cả một thời máu lửa, hào hùng, một thời mà sự hy sinh, mất mát không thể đo đếm được.
“Bài ca tôi không quên, tôi không quên” được lặp đi, lặp lại như một lời khẳng định, một lời hứa danh dự trước vong linh những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc là sẽ xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh và sẽ không để bất cứ cuộc chiến nào có thể xảy ra trong tương lai.
Khắc ghi nỗi đau của hàng triệu người Việt Nam trước những mất mát mà chiến tranh gây ra, một lần nữa được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn khắc họa đậm nét trong “Đất nước” (thơ Tạ Hữu Yên) - một ca khúc mà ông đã phải suy nghĩ, đắn đo trong suốt một năm.
Có lẽ ca từ “đắt” nhất, xúc động nhất, đớn đau nhất là “Ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ/Các anh không về mình mẹ lặng im”. Tuy nhiên, đây cũng là chi tiết mà nhiều người băn khoăn khi chưa hiểu tại sao “Trong ba lần tiễn con đi thì người mẹ chỉ khóc thầm hai lần”.
Theo lý giải của nhạc sĩ, một bà mẹ có 3 người con vào chiến trường mà có 2 người con hy sinh cũng là mất mát quá lớn, từ “khóc thầm” ở đây mang ý nghĩa là sự hy sinh của người con.
“Các bà mẹ Việt Nam đã hy sinh rất nhiều để đất nước được yên bình hôm nay. Mẹ Thứ có chồng, 9 người con trai, một con rể và 2 cháu ngoại hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc mà âm nhạc của tôi không thể nói hết được. Âm nhạc chỉ mang tính hình tượng được thôi”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn bộc bạch.
Với chủ đề thương binh, liệt sĩ, bên cạnh những ca khúc mang tính tổng quát, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn còn sáng tác về một địa danh cụ thể. Mỹ Lai (nay thuộc xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi) - địa danh gắn với cuộc thảm sát tàn bạo và khủng khiếp vào ngày 16/3/1968 khi có từ 347 cho đến 504 thường dân không có vũ khí bị giết hại, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em - đã đi vào âm nhạc của ông một cách đầy bi hùng, xót xa: “Ðây những mồ hoang lạnh buốt/ Ðây những hài nhi đòi khóc” (Ca khúc “Tiếng gọi từ lòng đất”).
Trong cái chung của sự kiện lịch sử đẫm nước mắt ấy còn có cái riêng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Chuyện là năm 1964, con gái của ông khi mới 6 tháng tuổi đã qua đời khi bị ngạt thở do 2 mẹ con lọt vào ổ phục kích của địch, vợ ông đã nằm rạp xuống đất và áp bầu ngực vào cho con bú để che mắt địch.
“Sống và ước vọng”
Cuối năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao cùng Hội Âm nhạc và Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức và thực hiện chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật giới thiệu chân dung nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn với chủ đề “Sống và ước vọng” tại Nhà hát Lớn TP Hồ Chí Minh.
Thay mặt cho Ban tổ chức, NSƯT Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh trong bài phát biểu: “Sự nghiệp sáng tác Phạm Minh Tuấn không chỉ gắn bó với giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc, mà còn đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Nhiều tác phẩm của ông đã là bài hát nằm lòng của biết bao thế hệ người yêu âm nhạc Việt Nam”.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (trái) và nhạc sĩ Doãn Nho. Ảnh: NVCC. |
Hình ảnh gây xúc động với nhiều người là khi Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê và Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng ông chữ “Thọ”. Dường như ở tuổi 80, con người chẳng mong gì ngoài sức khỏe, ngoài sống thọ.
Còn nhạc sĩ thì vẫn tràn đầy sức xuân, sự hiến dâng cho cuộc đời khi cho rằng: “Giai đoạn của chúng tôi là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và giai đoạn hiện nay là xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đời sống hôm nay được hun đúc từ máu xương của những người đi trước, vì vậy trách nhiệm của các bạn đồng nghiệp trẻ cần suy nghĩ là làm thế nào để đóng góp những tác phẩm xứng tầm với thời đại mà chúng ta đang sống. Sống trên đời thì phải có ích cho đời. Ở tuổi này nhưng có cảm hứng là tôi vẫn sáng tác, vẫn “trả ơn” cho đời bằng những tác phẩm âm nhạc”.
Tháng 7 về, nghe và cảm nhận những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, hẳn rằng mỗi người sẽ thêm một lần khắc khoải, một lần bồi hồi, xúc động về sự hy sinh mất mát lớn lao của thế hệ cha anh. Và điều quan trọng hơn cả là chúng ta có thêm niềm tin, động lực để sống, cống hiến cho xã hội, cho đất nước bằng những việc làm thiết thực.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (tên khai sinh là Phạm Văn Thành) sinh năm 1942 tại Phnôm Pênh, Campuchia. Ông từng trải qua các chức vụ như Phó Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP Hồ Chí Minh, Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam... Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960 - 1965), Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (đợt I - 2001)…