Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam – 65 năm hành trình khát vọng

GD&TĐ - Tháng 11/2022, NXBGDVN đã long trọng tổ chức kỷ niệm 65 năm thành lập (1957-2022)

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng tặng hoa đại diện lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam nhân kỷ niệm 65 năm thành lập NXB Giáo dục Việt Nam
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng tặng hoa đại diện lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam nhân kỷ niệm 65 năm thành lập NXB Giáo dục Việt Nam

Tháng 11/2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 65 năm thành lập (1957-2022), đánh dấu một hành trình bền bỉ với khát vọng vươn lên trở thành lá cờ đầu trong các đơn vị xuất bản của Việt Nam, phục vụ đắc lực cho ngành giáo dục nước nhà.

Nhìn lại những mốc son lịch sử của NXBGDVN

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa được thành lập, “Diệt giặc dốt” đã được xác định là một trong sáu nhiệm vụ cần làm ngay của chính quyền Cách mạng. Năm 1950, trong lòng Bộ Giáo dục manh nha một tổ chức làm công tác xuất bản sách giáo khoa. Đó là Ban Tu thư, thực hiện nhiệm vụ thay sách, đáp ứng yêu cầu của cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất, hệ 9 năm.

Đến ngày 1/6/1957, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên kí ban hành Nghị định số 398, chính thức thành lập Nhà xuất bản Giáo dục, “hoạt động dưới hình thức một doanh nghiệp quốc gia”; để đáp ứng các yêu cầu của cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai hệ 10 năm.

Năm 1971, Bộ Giáo dục sáp nhập Nhà xuất bản Giáo dục với Cục Xuất bản. Cũng chính vào thời điểm này, họa sĩ Cẩm Vân sáng tác biểu tượng cho Nhà xuất bản Giáo dục với hình ảnh trang sách mở, nâng đỡ 2 chữ G – D. Thể hiện rõ nét vai trò của các cuốn sách đối với sự nghiệp giáo dục. Biểu tượng đó cùng năm tháng đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ giáo viên, học sinh. Giản dị, gần gũi, thân thương như người bạn đồng hành với mỗi người trong suốt tuổi học trò.

Ngày 24-8-1977, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã kí ban hành Quyết định số 1075 tách Nhà xuất bản Giáo dục thành đơn vị độc lập từ Cục Xuất bản Bộ Giáo dục. Nhà xuất bản Giáo dục bước vào giai đoạn phát triển mới.

Tháng 1-1979, Chi nhánh Nhà xuất bản Giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh ra đời, đánh dấu thời kỳ tổ chức hoạt động của NXB vươn dần ra khắp các vùng miền của đất nước. Hiện nay, ngoài cơ quan điều hành tại Thủ đô Hà Nội, NXBGDVN còn có 4 NXBGD miền tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ.

Từ năm 1988 đến năm 2002, về cơ cấu tổ chức, Nhà xuất bản Giáo dục đã hình thành đầy đủ các phòng ban. Đến đầu những năm 1990, Nhà xuất bản Giáo dục đảm trách công việc biên soạn sách giáo dục ở tất cả các bậc học, bao quát mọi ấn phẩm phục vụ ngành Giáo dục và Đào tạo.

Năm 2003, Nhà xuất bản Giáo dục được Chính phủ cho phép thí điểm tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Từ cơ sở pháp lí này, Nhà xuất bản Giáo dục, với cơ cấu trọn đủ 3 khối sản xuất từ khâu xuất bản,in ấn đến phát hành được sắp xếp, điều chỉnh theo chiều rộng ở Công ty mẹ. Cổ phần hóa 7 đơn vị, trở thành Công ty con. Sự chuyển đổi rất mới và rất lớn, nhưng hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục vẫn luôn ổn định và có chiều hướng phát triển rõ nét.

Đến năm 2009, Nhà xuất bản Giáo dục được đổi tên thành Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tên hiệu Nhà xuất bản Giáo dục, lần đầu tiên gắn với quốc hiệu, tên nước Việt Nam, khẳng định vị thế một Nhà xuất bản Quốc gia. Đây là niềm tự hào không chỉ riêng đối với cán bộ công nhân viên NXBGDVN mà còn là niềm tự hào chung của ngành Giáo dục Việt Nam.

Trong giai đoạn này, theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, NXBGDVN được chuyển đổi thành mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có cơ cấu Công ty mẹ - Công ty con. Từ việc áp dụng mô hình này một cách hiệu quả, NXBGDVN tập trung được nguồn lực, mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tăng quy mô, tạo thành một hệ thống, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ ngày một tốt hơn cho ngành Giáo dục.

Sách giáo khoa Việt Nam qua các thời kỳ

Nền giáo dục cách mạng Việt Nam sau khi được thiết lập nền tảng ban đầu vào đầu những năm 50 của thế kỉ XX, đã trải qua 4 lần đổi mới chương trình sách giáo khoa (CT-SGK). Việc đổi mới CT-SGK ở mỗi giai đoạn đều gắn liền với những đòi hỏi từ thực tiễn của đất nước. Và trong các lần đổi mới đó, NXBGDVN luôn giữ vai trò rất quan trọng.

Lần thứ nhất (1956-1975): chuyển hệ giáo dục 9 năm thành hệ giáo dục 10 năm;

Lần thứ hai (1976 – 2000): hợp nhất hệ thống giáo dục hai miền Bắc – Nam;

Lần thứ ba (2002 – 2008) theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội “đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”;

Lần thứ tư (2013 - nay) theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học.

Trong bối cảnh có nhiều nhà xuất bản tham gia vào việc xuất bản sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn giữ được vị thế quan trọng trong lĩnh vực này. 2 bộ sách giáo khoa của NXBGDVN (Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo) được khoảng 80% cơ sở giáo dục lựa chọn sử dụng.

Qua 4 lần đổi mới chương trình sách giáo khoa, suốt 65 năm hình thành và phát triển, trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi từ khi chiến tranh thống nhất đất nước đến giai đoạn đổi mới và giai đoạn hiện nay, NXBGDVN luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng và nhà nước giao phó, đó là: in ấn, cung ứng đầy đủ sách giáo khoa đến học sinh, giáo viên trên mọi miền của đất nước; góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo của nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ