Nhà văn Phạm Tường Hạnh: Người khiêm nhường đứng sau

Nhà văn Phạm Tường Hạnh: Người khiêm nhường đứng sau

1. 

Nhà văn Phạm Tường Hạnh từng nói về cách thực hiện tác phẩm: "…mình chỉ mê viết kí, mình sung sướng và tự hào là nhân chứng của một thời oanh liệt, mình say mê ghi chép lại cuộc đời". Ông quê Thái Bình, nhưng đã vào Nam từ những năm 30 của thế kỉ trước và đã thành người Nam Bộ. Trong các trang văn của Phạm Tường Hạnh, lịch sử Nam Bộ cách mạng, Nam Bộ kháng chiến chống Pháp hiện ra với những sự kiện mà chính ông đã tham gia.

Ông là người vào ngày 23/9/1945 đứng chờ trên đường giữa Lăng Ông và Cầu Bông giúp đồng chí Kha Vạng Cân (1908 - 1982) một trí thức yêu nước người Chợ Lớn, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn những ngày đầu cách mạng, vượt qua một trạm kiểm soát của lính Nhật.

Ngày 6/1/1946 Phạm Tường Hạnh có mặt trong lực lượng giải vây cho một tổ bầu cử, một thùng phiếu bị giặc Pháp vây hãm ở Nancy Arras để chiều hôm đó thùng phiếu này được mở đầu tiên. Tên những ứng viên trong những lá phiếu thấm máu đào, được kính cẩn đọc lên.

Phạm Tường Hạnh, vào ngày tiêu thổ kháng chiến ở thị trấn Tân Uyên, đã cùng đồng chí Huỳnh Tấn Phát (1913 - 1989) sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969 - 1976)

"…nhìn lửa ngút trời mà lòng dạ bâng khuâng. Tất cả chúng tôi không ai nghi ngờ vào chiến thắng trong tương lai, đất nước phải độc lập, thống nhất, nhân dân ta phải được ấm no hạnh phúc, ai cũng được học hành. Nhưng mỗi người đều nhật thức được rằng, cuộc chiến tranh thật tàn khốc".

Ông là người tham gia lễ kỉ niệm quốc khánh 1947 tại chiến khu Đồng Tháp Mười: "Chủ tịch Phạm Văn Bạch đọc diễn văn, tướng Trần Văn Trà duyệt binh, liên hoan văn nghệ. Nhà triển lãm thiết kế đồ sộ hoàn toàn bằng lá trầm và tre nứa… nổi bật lên như một tòa lâu đài với mái vòm, cửa cuốn, hành lang uốn lượn… Tại cuộc triển lãm này, ngay ngày khai mạc, họa sĩ Diệp Minh Châu đã lấy máu trong cánh tay mình vẽ nên bức tranh Bác Hồ và ba em bé Trung Nam Bắc".

Chính Phạm Tường Hạnh là người phát hiện ở Nam Bộ có ông Phật sống tên là Lưu Công Danh từng mang quốc tịch Ấn Độ, từng có vợ là chị em bạn dì với một nữ chính trị gia lừng danh - cố Thủ tướng Inđra Gandi. Chính ông Phật này đã nhập ngũ, thành bộ đội cụ Hồ, được phong đại đội trưởng, được kết nạp Đảng. Một ông Phật tham gia kháng chiến chống Pháp.

Đọc những chuyện lịch sử Nam Bộ trên các trang văn của Phạm Tường Hạnh chẳng những thấy nhà văn xứng đáng là một chứng nhân lịch sử mà còn thấy chính văn chương của ông giúp lịch sử thêm sống động. Là vì, nói như nhà văn Triệu Xuân: "Viết văn, Phạm Tường Hạnh luôn viết bằng cả trái tim mình, với tư cách là người trong cuộc", nói như giáo sư Trần Thanh Đạm (1932 - 2015): "Phạm Tường Hạnh bao giờ cũng khiêm nhường đứng sau, đứng khuất trong hàng ngũ những nhân vật anh hùng rất đông đảo của mình".

Nhà văn Phạm Tường Hạnh: Người khiêm nhường đứng sau ảnh 1
Nhà văn Phạm Tường Hạnh và thầy trò Trường ĐH Đồng Tháp.

2.

Dịp này, tìm hiểu kĩ hơn tiểu sử tác giả Phạm Tường Hạnh, kết nối các hoạt động văn hóa ở những vùng đất khác nhau, thì được biết, dòng họ Phạm làng Vân Trường (Tiền Hải, Thái Bình) của tác giả Phạm Tường Hạnh là dòng họ có nhiều đóng góp vào đời sống văn hóa của đất nước. Thân sinh nhà văn Phạm Tường Hạnh là dịch giả Hán - Nôm nổi tiếng Phạm Trọng Điềm. Ông Phạm Trọng Điền là tác giả hoặc là đồng tác giả với các học giả, Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh, Tôn Quang Phiệt, Hoa Bằng, Nguyễn Đổng Chi… của nhiều dịch phẩm kinh điển như: "Quốc âm thi tập" (Nguyễn Trãi), "Việt sử thông giám cương mục", "Phan Bội Châu niên biểu", "Truyện Tây Sương", "Hồng Đức quốc âm thi tập", "Kiến văn tiểu lục" (Lê Quý Đôn), "Đại Nam nhất thống chí"…

Với riêng "Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi do Phạm Trọng Điềm và Trần Văn Giáp phiên âm, có một câu chuyện khá là lí thú!

Theo lời những người làm sách "Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi (Trung tâm Nghiên cứu quốc học và NXB Văn Học xuất bản 2015) thì, sách này là sự kế thừa các bản phiên âm, trước tiên là của các học giả Hán - Nôm nổi tiếng Trần Văn Giáp, Phạm Trọng Điềm xuất bản năm 1956 ở Hà Nội. Tuy gọi thân mật là bản "vỡ hoang" nhưng bản này "làm cho người đời thấy rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Nguyễn Trãi".

Năm 1961, khi đất nước vẫn còn chia cắt, ông Lê Văn Đăng ở phòng nghiên cứu Đại học Văn khoa Sài Gòn có viết về sách "vỡ hoang" này: "Bản phiên âm Quốc Âm Thi Tập sau đây là do hai học giả Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm, nguyên chuyên viên khảo cổ của Trường Bác Cổ Viễn Đông Hà Nội phiên âm, và do phòng nghiên cứu sưu tầm được. Trước khi phòng nghiên cứu hoàn thành công việc phiên dịch và phiên âm toàn thể bộ Ức Trai Tập, chúng tôi thiết nghĩ nên phát hành ngay tài liệu này (mặc dù có nhiều chữ nôm xưa mà trong lối phiên âm vẫn còn tồn nghi, nhiều bài thơ vẫn còn nghi vấn vì giống với thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm), để sinh viên và giáo sư có thể có ngay một tài liệu quý báu để xử dụng trong lối tìm hiểu một thi hào dân tộc từ thế kỷ thứ XV. Huế, tháng VI năm 1961". Từ "tài liệu quý báu" này mà suy, thì văn hóa chuẩn, văn hóa chất lượng cao có thể vượt qua những cách ngăn thời cuộc.

Lại vẫn chuyện nhà này. Con trai nhà văn Phạm Tường Hạnh, cháu nội dịch giả Phạm Trọng Điềm là ông Phạm Minh Thuận, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát hành sách TPHCM – FAHASA. Cũng làm văn hóa với những quyển sách, nhưng ông Phạm Minh Thuận làm một cách khác. Ông cùng 2.500 đồng nghiệp FAHASA của mình mở chuỗi 112 cửa hàng sách trên 46 tỉnh, thành Việt Nam, doanh thu năm 2019 đạt 3.700 tỷ đồng, để đưa sách của người viết tới người đọc, một việc không thể không làm nếu muốn nâng cao dân trí. Nhà văn Phạm Tường Hạnh đã học cha mình, dạy con mình cách giữ nếp nhà, nghiệp nhà để nếp ấy, nghiệp ấy đóng góp ngày càng nhiều hơn cho xã hội!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ