Nhà văn trẻ lý giải văn học Việt Nam hiếm tác phẩm đỉnh cao

Đầu Năm Mới, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (cũng tuổi Bính Ngọ) trải lòng về đời sống văn học Việt Nam đương đại, về cả nỗi cô độc của người nghệ sỹ, của chính nhà văn.

Nhà văn trẻ lý giải văn học Việt Nam hiếm tác phẩm đỉnh cao
Thời đại này được gọi là thời đại của sách ngôn tình. Những cuốn sách tình yêu không có chút giá trị gì về văn chương bán tràn lan, thu hút giới 9X. Trong khi đó, bao lâu nay, sách văn học Việt Nam im lìm, lép vế. Chị có nghĩ đến trách nhiệm cầm bút của các nhà văn Việt Nam đương đại trong trường hợp này?
Tôi nghĩ, để phân tích cặn kẽ cho tất cả những vấn đề bạn đặt ra, sẽ rất khó. Việc tại sao 9X bây giờ đọc sách ngôn tình, đọc văn học mạng? Mỗi người có một sở thích riêng. Mỗi người có “gu” đọc riêng. Không giải thích được. 

Và, không thể mang sở thích của mình ra để áp đặt cho người khác. Nói rộng ra ngoài chuyện đọc, thì ai cũng chỉ có thể lớn lên bằng chính những thành công hay sự vấp ngã của chính mình.

Về văn học Việt Nam, xưa nay luôn có nhiều câu hỏi đặt ra cho các nhà văn Việt Nam. Tại sao văn học Việt Nam không có tác phẩm đỉnh cao. Tại sao văn học đương đại không có được những tác phẩm “gây sốt” như: Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường)...

Cá nhân tôi dưới góc độ một người đọc, tôi cho rằng, kỹ năng viết và yếu tố văn chương trong các nhà văn thời nay chưa cao. Thế hệ các nhà văn như Ma Văn Kháng, Tô Hoài, Nguyễn Khắc Trường, Nguyên Ngọc… các bác nghiên cứu văn học, học hỏi từ những thành công của văn học nước ngoài, họ uyên bác “kinh khủng”. Họ vừa có vốn sống, vừa có kỹ năng viết.

Hiện tại, có rất nhiều người viết văn. Chưa bao giờ, nhiều người viết văn như bây giờ. Hội nhà văn có gần 1.000 hội viên. Nhưng hỏi trong số đó, có nhiều người có kỹ năng viết không? Câu trả lời sẽ là không. Trừ một vài cây viết đã có chút tên tuổi. 

Còn lại, mọi người gần như chỉ viết bằng bản năng và lòng đam mê. Rất nhiều cuốn sách xuất bản có lối viết tràn lan đại hải. Sách dày, dài, nhưng có khi cả một chương chẳng giải quyết được việc gì ngoài những cảm xúc của người viết vừa hướng dẫn, bình luận thay cho người đọc.

Trong văn học, đôi khi người ta cũng áp dụng câu nói, “thời thế tạo anh hùng”. Khi xã hội rối ren, khi đời sống đau khổ, khi nhà văn trở thành “nạn nhân” của bất công, đói nghèo như Vũ Trọng Phụng, như Nam Cao… chúng ta có một thế hệ những ngòi bút tài năng. 

Chẳng lẽ, xã hội hôm nay không còn điều gì để các nhà văn đau đời, để viết “nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”?

Như tôi được biết, có nhiều nhà văn vẫn lặng lẽ viết. Viết như một nhu cầu của những người đã trót yêu văn chương và coi đó là lẽ sống. Tuy vậy, số đó không nhiều. 

Văn học đương đại không thể “bùng lên những thế hệ” như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan… Cận kề nhất, có thể kể đến “thế hệ” như Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái... Đến 8X (những người sinh ra những năm 1980- 1989), gần như chẳng còn thấy quá mười tác giả hứa hẹn sẽ đi đường dài nữa.

Nếu bạn hỏi, các nhà văn có viết không? Có. Luôn luôn có những nhà văn đắm chìm với tác phẩm của họ. Hỏi họ có sống được bằng nghề viết không? Câu trả lời sẽ là không. 

Trên thế giới, các nhà văn chỉ lo về ý tưởng, về viết, tất cả những khâu khác như phát hành, truyền thông, quảng bá, tái bản hay các cách để kinh doanh tác phẩm... họ có công ty lo. Nhà văn được sống trong thế giới riêng của họ, để viết. 

Ở Việt Nam không có chuyện như thế. Nhà văn phải bươn chải với cơm áo gạo tiền. Cả năm trời có khi chỉ “đau đáu” nhà có nên có Osin hay không, lo đủ mọi chuyện như bất cứ một người làm nghề khác mà không có một thế giới riêng. Họ có quá nhiều mối bận tâm giữa cuộc sống hiện đại. Viết sách đôi khi chỉ đủ tiền mua sách của chính mình tặng bạn bè, uống bữa rượu là xong.

Thời bao cấp khổ thật, nhưng rất bình yên, không ai phải lo toan, gánh vác, bận tâm bởi nhiều thứ như bây giờ. Khi có càng nhiều gánh nặng, càng nhiều lo toan, người ta càng dễ xa rời những đam mê của mình.
 
Nghĩa là theo chị, sở dĩ, nhà văn Việt Nam hiện tại không có được tác phẩm đỉnh cao vì phải lo cơm áo gạo tiền, phải lo nhà có nên nuôi Osin không, con học trường nào, thậm chí cả “Facebook của mình có bao nhiêu người đọc”… 

Thời nào, cũng có bi kịch riêng. Thời nào, (nhất là thời của thế hệ vàng văn học Việt Nam như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan), “cơm áo đều không đùa với khách thơ”. Các anh chị không viết được, phải chăng vì không đủ quyết liệt, không đủ nỗi đau đời?

Trong chúng tôi, ai cũng ấp ủ những cuốn sách riêng. Có nhiều cuốn vì lý do này, vì lý do kia chưa ra mắt được. Nhưng cũng có nhiều người trong chúng tôi, chưa đủ quyết liệt để đi đến cùng. Viết văn bây giờ đã khác. 

Văn chương tuy là ngọn bút chiến đấu với nhiều cay đắng nhưng chưa chắc tới được người đọc. Đau đời. Nhiều người cầm bút đau lắm, nhưng có người chọn cách viết… blog, facebook để giải tỏa tức thì, nếu không chắc điên vì tức giận. Điều đó, có ích cho xã hội nhưng thiệt thòi với nền văn học khi nhiều người, sau khi xả giận trên ấy rồi, không ra được tác phẩm lớn.

Việc có thể “khái quát thành tác phẩm có tầm” còn được gọi là… tài năng. Suy cho cùng, vẫn là chỉ là chúng ta thiếu tài năng?

Không hẳn. Nhà văn Việt nam nhiều người có tài chứ. Ai có tài hay không, đọc vài truyện là biết rồi. Có lẽ, hoàn cảnh khách quan đã tác động không nhỏ, khiến người viết khá liêu xiêu trong gió bão.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ