Văn học Việt - Một năm nhìn lại

GD&TĐ - Năm qua, văn học Việt Nam năm 2013 đã gặt hái được nhiều thành công, nhưng cũng có khá nhiều vấn đề khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Văn học Việt - Một năm nhìn lại
Cơn sốt văn học du ký
Sự thành công của hàng loạt tác phẩm cùng thể loại du ký như Nước Ý, câu chuyện tình của tôi của Trương Anh Ngọc, Xách ba lô lên và đi (tập 1 mang tên Châu Á là nhà. Đừng khóc) của Khánh Huyền hay Tôi là một con lừa của Nguyễn Phương Mai, Một mình ở châu Âu của Phan Việt... đã và đang tạo nên một cơn sốt văn học du ký cho thị trường xuất bản nước nhà.  
Mặc dù tác giả những cuốn sách này là những cây bút không chuyên nhưng sự đa dạng về nội dung, sự phong phú về phong cách bút pháp và sự đầy đặn về tư liệu rất thu hút độc giả.
Vinh danh những trang viết “bình dân”
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam được công bố chiều 30/12. Nổi bật trong danh sách đoạt giải năm nay là tập truyện Bãi vàng, đá quý, trầm hương của Nguyễn Trí - Tác giả mới viết văn lần đầu. 
Cuốn sách được giới phê bình đánh giá cao, thậm chí thán phục vì những chất liệu đời thực làm nên tác phẩm.
Ngoài tác phẩm của Nguyễn Trí và Phút giây huyền diệu, tập bút ký của Ma Văn Kháng thuộc hạng mục văn xuôi, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay còn trao cho 2 tác phẩm khác thuộc hạng mục thơ và dịch thuật.
Với thơ, đó là tập Những nốt sóng ngôn từ của nhà thơ Mã Giang Lân. Với dịch thuật, là bản dịch tiểu thuyết Nông dân của nhà văn Wladyslaw Reymont (Ba Lan) do dịch giả Nguyễn Văn Thái chuyển ngữ.
Nhiều tác phẩm văn học gây xôn xao dư luận
Đầu tiên phải kể đến là tiểu thuyết Đại gia của nhà văn Thiên Sơn bị ngừng phát hành. Lý do: "Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả những mối quan hệ làm ăn kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cấp cao của Nhà nước, và những thủ đoạn, mánh khóe trong công tác tổ chức cán bộ. 
Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề nhạy cảm hiện nay với tính chất cường điệu quá mức cùng với những nhận định, đánh giá chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội". 
Sau khi bị thu hồi, cuốn sách bỗng trở nên xôn xao dư luận, và được công chúng săn lùng.

Tiếp đến là tranh cãi về độ xác thực trong cuốn Đừng chết ở châu Phi tác giả Huyền Chip (Nguyễn Thị Khánh Huyền). Nhiều người cho rằng tác giả không thể đi 25 quốc gia với chi phí ít ỏi. 


Độc giả cũng tìm ra những điểm mà họ cho là bất hợp lý trong cuốn sách. Lễ ra mắt sách của Huyền Chip trở thành một cuộc chất vấn tác giả. 
Nhà xuất bản Văn học và Công ty Quảng Văn Books đã làm việc với tác giả Nguyễn Thị Khánh Huyền, sau đó thực hiện một bản giải trình gửi lên Cục Xuất bản.
Trong bản giải trình, Huyền Chip vẫn khẳng định có đi 25 nước nhưng thừa nhận cường điệu một vài chi tiết nhỏ khi viết sách. Cục Xuất bản không thu hồi lại cuốn sách, còn tác giả Huyền Chip luôn giữ im lặng trước búa rìu dư luận.
Tuy nhiên, sự việc không chỉ là chuyện đúng sai của một tác giả, mà còn đặt ra vấn đề về độ xác thực trong một cuốn sách du ký.
Không thể không kể đến cuốn sách Đồng dao phản cảm bị thu hồi. Đó là bộ sách dành cho trẻ mầm non được NXB Mỹ thuật và Công ty sách Đinh Tị phát hành. 
Một số độc giả phản ánh những điểm phản cảm trong tập 6 của bộ sách. Cụ thể trong bài đồng dao Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng có những câu "Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/ Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/ Ông Nhăng bảo để mà nuôi/ Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro..."; hoặc những câu trong bài Chơi vỗ tay: "Ở với bà/ Bà gì?/ Bà ngoại? Ngoại gì?/ Ngoại xâm/ Xâm gì?/ Xâm lăng...".
 Dịch giả bị cáo buộc "đạo" chú thích
 Một độc giả ký tên Haze Dolores đăng lên mạng xã hội nghi vấn: Dịch giả Dương Tường "đạo" các chú thích cho cuốn Lolita. Độc giả này cho rằng hầu hết ghi chú trong bản tiếng Việt đều được dịch từ cuốn The Annotated Lolita (Lolita có bình chú) của Mỹ. Trong khi đó, Lời nói đầu bản dịch Lolita của Dương Tường có dòng chữ "chú thích trong sách đều là của người dịch".
Dịch giả Dương Tường cho biết, khi dịch và làm chú thích được 2/3 cuốn Lolita, ông phát hiện ra cuốn The Annotated Lolita. Ông đã nhờ người mua cuốn sách và dùng khoảng hơn 1/3 chú thích trong cuốn sách này cho bản dịch Lolita
Dịch giả từng nhận nhiều giải thưởng về dịch thuật này thẳng thắn nhận sai và xin
 lỗi độc giả.
Tranh cãi quanh bản dịch Những thứ họ mang
Tuyển tập truyện ngắn của Tim O"brien bán được 2 triệu bản trên toàn thế giới. Bản tiếng Việt do Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam năm 2011. 
Cuối tháng Tư năm nay, dư luận dấy lên những ý kiến chỉ trích, rằng bản dịch có nhiều từ tục tĩu như "con mặt l**", "con đ** chó", "con mặt l** ngu đ** bao giờ trả lời"... 
Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cho rằng, ông dùng những từ ấy là để tạo sự tương phản mạnh mẽ. Công chúng chia làm hai phía ủng hộ hoặc phản đối bản dịch. 
Sự việc đặt ra yêu cầu đối với các đơn vị xuất bản về việc nên có khuyến cáo, hoặc giới hạn độ tuổi đối với các xuất bản phẩm có yếu tố nhạy cảm.
Văn học Việt Nam 2013 không ồn ào về giải thưởng như năm 2012 nhưng có nhiều khởi sắc trước xu hướng kinh tế thị trường, nhiều tác giả không chuyên xuất hiện với nhiều tác phẩm đáp ứng xu hướng đọc của bạn trẻ. 
Văn học Việt Nam hứa hẹn sẽ có được những tác phẩm đích thực hơn, mang đậm hơi thở thời đại hơn trong năm 2014.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ