Nhà trường thiếu trách nhiệm, 325 học viên Học viện Múa không có bằng tốt nghiệp

GD&TĐ - Theo quy định, Học viện Múa Việt Nam không được phép đào tạo văn hóa, thế nhưng thay vì liên kết với các đối tác đào tạo văn hóa đủ điều kiện, Học viện này vẫn tiếp tục tự đứng ra dạy văn hóa cho học viên.

Kỳ thi tốt nghiệp văn hóa phổ thông năm học 2020 – 2021 của Học viện Múa Việt Nam
Kỳ thi tốt nghiệp văn hóa phổ thông năm học 2020 – 2021 của Học viện Múa Việt Nam

Đào tạo văn hóa sai quy định

Ngày 31/3, hội phụ huynh của 325 học sinh từ K40 đến K43 đang học hệ Trung cấp và học viên từ K2 đến K6 đang học hệ Cao đẳng tại Học viện Múa Việt Nam đã đồng loạt "kêu cứu" về vấn đề liên quan đến đào tạo văn hóa và cấp bằng cho học viên tại Học viện.

Cụ thể, đại diện cha mẹ học sinh cho biết, tất cả 325 học sinh, học viên đã tham gia thi và trúng tuyển vào trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) từ năm 2013 đến nay theo đúng quy trình Học viện quy định, có kết quả trúng tuyển được công bố trên website nhà trường.

Khi học sinh, học viên nhập học, nhà trường yêu cầu nộp đầy đủ hồ sơ, trong đó có học bạ (tối thiểu hết lớp 6) hoặc hồ sơ học sinh, học viên bản gốc để tiếp tục thực hiện đào tạo song song văn hóa và chuyên môn múa theo ngành học trúng tuyển.

Đặc biệt, toàn bộ học sinh nhập học tại Học viện Múa Việt Nam chưa tốt nghiệp THCS, THPT được tổ chức đào tạo tiếp tục về văn hóa theo trình độ trong học bạ đã nộp với hình thức đào tạo song song các môn chuyên ngành múa và các môn văn hóa tại Học viện Múa Việt Nam.

Đại diện cha mẹ học sinh cũng cho biết, quá trình đào tạo văn hóa tại Học viện Múa Việt Nam rất bài bản, học sinh được học đầy đủ các môn văn hóa như các trường THCS, THPT khác. Đặc biệt, việc tổ chức học có quy củ, có thời khóa biểu, có kiểm tra, thi học kỳ, báo điểm đầy đủ cho học sinh.

Cuối năm lớp 9, kết thúc bậc học THCS, Học viện Múa Việt Nam đều tổ chức cho các học sinh đạt yêu cầu tiếp tục được đào tạo vào lớp 10. Sau khi học hết lớp 12, Học viện Múa Việt Nam tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT với các môn Văn - Lịch sử - Địa lý và Chính trị. Tuy nhiên, kì thi này không có giá trị pháp lý.

"Các con học sinh chuyên ngành chính là múa nhưng các môn học văn hóa còn nặng hơn ở bên ngoài. Học sinh phải học với cường độ cực nặng, nhiều em vẫn phải thi lại rất nhiều, nếu không đủ điểm. Vậy mà giờ đây sau hơn 6 năm học tập tại trường và gần 13 năm học tập, các học sinh ở đây vẫn chỉ đạt trình độ lớp 6"- một phụ huynh chia sẻ.

Là trường nghệ thuật đặc thù, có thể đề xuất việc xét tốt nghiệp THCS cho học sinh nhưng Học viện Múa Việt Nam không có sự phối hợp với Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy để làm việc này. Ông Phạm Ngọc Anh- Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy khẳng định, không nắm được kế hoạch, chương trình đào tạo của nhà trường. Việc liên kết đào tạo văn hóa cho học viên các trường nghề, trên các địa bàn đều có Trung tâm GDNN-GDTX thực hiện việc dạy theo quy định.

Còn ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Học viện múa nằm trên địa bàn Hà Nội nhưng thuộc Bộ VHTT&DL quản lý. Nhà trường cần có báo cáo cụ thể về hoạt động giáo dục, đào tạo gửi lên Sở để Sở có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Hiện nay, Sở GD&ĐT Hà Nội chưa nhận được báo cáo của nhà trường.

Phụ huynh Học viện Múa Việt Nam kêu cứu
Phụ huynh Học viện Múa Việt Nam kêu cứu

Đảm bảo quyền lợi cho học sinh

Theo thông tin từ đại diện cha mẹ học sinh, vào ngày 16/1/2021, lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam triệu tập toàn bộ phụ huynh học sinh đến trường để trao đổi về vấn đề văn hóa phổ thông.

Tại đây, ông Nguyễn Hải Minh - Phó giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho biết, lý do học sinh học viên không được cấp bằng vì vào ngày 14/12/2017, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB&XH có quyết định chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với Học viện Múa Việt Nam, theo đó, nhà trường chỉ được đào tạo trình độ Cao đẳng, Trung cấp, không có đào tạo văn hóa.

Mặc dù vậy, do sơ xuất, từ năm 2017 Học viện Múa Việt Nam không liên kết với các cơ sở đào tạo văn hóa đủ điều kiện mà vẫn tự tiếp tục đào tạo bình thường như trước đây và không thông báo tới phụ huynh học sinh.

Hậu quả toàn bộ học sinh phổ thông học tại Học viện Múa Việt Nam không có mã định danh được theo dõi trong phần mềm quản lý giáo dục của Sở GD&ĐT Hà Nội, dẫn tới việc tất cả các học sinh này không được cấp bằng tốt nghiệp THCS, THPT.

Giải pháp của Học viện Múa Việt Nam đưa ra là toàn bộ học sinh khi nhập học tại học viện chưa tốt nghiệp THCS, THPT đều phải học quay đầu về văn hóa, tức là học lại toàn bộ chương trình văn hóa từ khi học sinh bắt đầu vào học tại Học viện Múa Việt Nam với một đơn vị liên kết đủ điều kiện đào tạo về văn hóa.

Ông Lê Anh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTT&DL cho biết Bộ đã nắm được vấn đề và đang cố gắng tìm phương án xử lý, tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi của người học. Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đã giao Vụ Đào tạo tham mưu nội dung đề xuất gửi các bộ, ngành liên quan để giải quyết vấn đề. Hiện Vụ Đào tạo đang soạn thảo văn bản gửi các đơn vị chức năng đề xuất các nội dung liên quan.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Đức Minh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) khẳng định, theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, chỉ có Trung tâm giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục duy nhất có chức năng, nhiệm vụ thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Do đó, việc tự đào tạo văn hóa tại Học viện Múa Việt Nam là không đúng quy định.

Bộ GD&ĐT nhiều năm nay đã ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn về việc phối hợp giữa các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường trung cấp, cao đẳng để thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và nhu cầu học tập của người dân.

Thực tế tại địa phương, phần lớn các cơ sở giáo dục đã và đang thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên thực tế hiện nay, một số trường trung cấp và trường cao đẳng tổ chức thực hiện giảng dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT không đúng quy định.

Do đó, ngày 31/7/2020, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 2857/BGDĐT-GDTX hướng dẫn tổ chức dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với dạy nghề để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án xử lý phù hợp bảo đảm quyền lợi cho người học theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Bộ GD&ĐT sẽ cùng Bộ VH-TT&DL bàn cách tháo gỡ những khó khăn tại Học viện Múa Việt Nam. Ngày 1/4, Bộ GD&ĐT đã có cuộc họp với Bộ VHTT&DL về vụ việc tại Học viện Múa Việt Nam và thống nhất yêu cầu Học viện múa đề xuất và làm tờ trình để Bộ VHTT&DL có căn cứ gửi Bộ GD&ĐT tháo gỡ những vướng mắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.