Nhà thơ Nguyễn Châu: Một tâm hồn thơ giàu cảm xúc hiện thực

Nhà thơ Nguyễn Châu: Một tâm hồn thơ giàu cảm xúc hiện thực

Vẻ đẹp từ thiên nhiên, con người Bình Liêu

Bình Liêu là huyện khó khăn nhất của Quảng Ninh, đó là địa phương miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc với địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, đồng bào các dân tộc ít người ở cách xa nhau. Tuy nhiên, chẳng có chút gì băn khoăn, do dự đối với một thầy giáo trẻ lần đầu tiên xa gia đình gặp cảnh vật và con người nơi đây thấy cái gì cũng lạ, trong tâm hồn anh bỗng dâng lên chút thi vị lãng mạn cùng với tình yêu nghề nghiệp: “Trên đường đi gặp viên đá màu nâu/ Gói bỏ túi để sau làm thí nghiệm…”.

Lạc quan, tin yêu cuộc sống sau mỗi lần vượt qua dốc cao, suối sâu bằng đôi chân đi bộ đã cho Nguyễn Châu cách nhìn, cách cảm khi tự mình nhận ra tương lai đang ở phía trước: “Lên cao nữa mùa xuân ở đó/ Nghe ba lô khe khẽ hát trên lưng” - (Mùa xuân ở đó). Trước hết tác giả nhận ra chính mình được bà con dân bản thương yêu, đùm bọc, sẻ chia như những người thân trong gia đình: “Bếp lửa nhà sàn ấm áp canh thâu/ Tôi sưởi những đêm đông khó ngủ/ Cơn sốt rừng cấu cào như dã thú/ Bàn tay mế già ấm vị lá xông” - (Gửi Bình Liêu).

Gắn bó với vùng đất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần nhưng tác giả không chút tỏ ra buồn nản, bi quan. Điều quyết định mang đến nhận thức và hành động có ý nghĩa sâu sắc khi anh phát hiện ra những vẻ đẹp từ thiên nhiên, con người ở một địa phương giàu bản sắc văn hóa dân tộc: “Bên này là núi non trùng điệp/ Là suối, là mây lượn quanh đồi/ Là câu Soóng cọ câu Si lượn/ Là hội Au pò… những lứa đôi!” - (Tản mạn vùng biên) và “Con gái bản em/ Đứa nào cũng nghịch/ Trèo cây hái hồi/ Rúc ra rúc rích… Tay gẩy đàn tính/ Lắng trầm đêm sâu” - (Con gái bản em).

Thơ Nguyễn Châu dành nhiều ý hay, lời đẹp để ngợi ca những người lao động: “Biết em đi trồng rừng/ Hương hồi tuôn như thác/ Biết em đi trồng bắp/ Bắp đua nhau bồng con/ Biết em đi đắp đập/ Nước hiền như lúa non… (Tiếng kèn tìm bạn). Vâng, trong cuộc sống hàng ngày chỉ có tình thương yêu thì dù vất vả gian nan đến đâu con người cũng vượt qua, đem đến thành công. Lao động sản xuất tạo ra vẻ đẹp như một bức tranh hòa quyện giữa mùa xuân vùng cao vốn có khi tuổi trẻ cùng chung tay sản xuất.

Những câu thơ hay nhất về thầy cô giáo

Trong gia tài sáng tác của Nguyễn Châu, những bài thơ, câu thơ hay nhất là khi tác giả viết về thầy cô giáo, nhà trường và học sinh ở Bình Liêu cách đây nửa thế kỷ bằng một cảm xúc tự nhiên, chân thành nhưng có sức lay động sâu xa. Bài “Núi cõng em” kể lại một truyền thuyết rằng, phía mặt trời có cái hang huyền bí trong hang có “Cuốn sách thần kỳ/ Dạy người Dao, cái hay cái phải/ Dạy làm phai, cày bừa, gặt hái/ Dạy tìm ra cuộc sống ấm no...”. Hai chị em Tiểu Hồng và Tiểu Hoa lặn lội đi tìm cuốn sách nhưng chẳng thấy sách đâu, cuối cùng “Tiểu Hoa kiệt sức rồi, Tiểu Hồng phải cõng em” và “Hai chị em hóa dáng núi thân quen”…

Câu chuyện xưa gợi lại chuyện buồn ca ngợi đức hy sinh của hai cô gái mong tìm ra cuộc sống mới cho dân bản. Bên cạnh đó, còn là công sức, trí tuệ và tình cảm của các thầy cô giáo “cắm bản”: “Cuốn sách em là cuốn sách thần/ Sớm chiều mở hóa niềm vui làng bản”. Để có kết quả, thành công như vậy chính là thầy cô giáo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với công việc dạy chữ, dạy người ở một địa phương vùng cao xa xôi.

Các thầy cô giáo vẫn phải tiếp tục vượt lên chính mình trong điều kiện của thời tiết khắc nghiệt để tiếp tục dạy chữ, dạy người cho con em dân bản: “Dân bản ấm no rồi em đi bản xa hơn…”. Câu thơ trong bài “Núi cõng em” giàu hình ảnh, âm điệu dân gian miền núi, Nguyễn Châu đã khắc họa được hình ảnh các cô giáo trẻ trong cuộc sống mới góp phần tích cực đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân các dân tộc vùng cao.

Ở bài thơ “Vượt dốc” với cách nhìn từ trách nhiệm của một nhà giáo, tác giả bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của mình khi nhận ra nỗi trống vắng trong tâm hồn thầy cô mỗi khi học sinh bỏ học: “Gì thiếu hụt bằng vắng tiếng đùa lũ trẻ/ Tôi vội trèo đèo đến với các em…”. Những vất vả, nhọc nhằn tiếp tục thách thức các thầy cô khi phải vượt dốc đến từng nhà các em để dạy học: “Những trưa dạy ở nhà Chăn Dào, A Chi/ Những tối, tôi sang Khe O, Khe Cóc…”. Tấm lòng yêu thương con trẻ hết mực cùng với trách nhiệm cao cả của thầy cô đã nuôi dưỡng các em lớn lên, tạo cho các em nhận thức mới tiến bộ: “Bọn trẻ thương tôi đi về khó nhọc/ Lại rủ nhau về học đông vui…”.

Nguyễn Châu còn rất nhiều bài thơ khác viết về ngành Giáo dục, về thầy cô giáo và học trò. Mảng văn thơ viết cho thiếu nhi của anh cũng có nhiều thành công, với 2 tập thơ (Sừng trăng, Vòng tròn của hoa), 2 tập văn (Nhái bén ra biển và Anh em nhà kiến). Anh đã 2 lần đoạt giải cuộc thi sáng tác văn học cho thiếu nhi của Hội nhà văn, Ủy ban Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em Việt Nam và UNICEF Hà Nội tổ chức (giải Ba và giải Tư); Giải thưởng cuộc thi sáng tác thơ cho lứa tuổi mầm non của Bộ GD&ĐT (giải Tư), và 5 lần đoạt giải Văn nghệ Hạ Long (từ giải Nhì đến Khuyến khích)... Nhưng theo tôi hai bài “Núi Cõng em” và “Vượt dốc” vẫn là những bài thơ hay nhất viết về đề tài giáo dục, về thầy cô giáo.

Tháng 12/2019, Bình Liêu đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập huyện (26/12/1919 – 26/12/2019); 70 năm giải phóng huyện Bình Liêu (25/12/1950 – 25/12/2019). Ngày nay Bình Liêu giàu đẹp, hiện đại và hoành tráng hơn xưa rất nhiều, điều đó thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo và đầu tư của tỉnh Quảng Ninh cùng với những nỗ lực vươn lên không ngừng của cán bộ, nhân dân các dân tộc anh em trong huyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ