Nhà sử học Lê Văn Lan với phương pháp học sử mới

GD&TĐ - Vừa qua, tại Hà Nội, Hội Quán Di sản đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đức Thánh Trần trong tâm thức văn hóa, tín ngưỡng người Việt” với sự tham gia của nhà sử học Lê Văn Lan, nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, tiến sỹ Vũ Đức Cường,  cùng nhiều bạn trẻ quan tâm tới văn hóa tín ngưỡng dân tộc.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Đọc sử trong các mối liên kết

Mở đầu buổi tọa đàm, nhà sử học Lê Văn Lan đã giới thiệu một phương pháp đọc sử mới đó là phương pháp liên kết giữa các trang, các đoạn, các từ.

Ông đưa ra một quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã úa màu, các trang sách đã bị bung gáy do thời gian và mật độ sử dụng của con người. Có lẽ ông đã làm việc hàng nghìn lần trên các trang giấy ấy. Ở giữa các trang sách được ông cẩn thận kẹp bằng các bookmark rất đặc biệt, đó là các bao đũa giấy được ông sưu tầm ở khắp nơi khi ông đặt chân đến.

GS Lê Văn Lan cho rằng: “Khi chúng ta yêu quý lịch sử, chúng ta đọc sách sử, nhưng đọc sách sử như thế nào?  Phương pháp đọc sử đọc không chỉ trên trang sử, trên những dòng sử, trên những chữ sử mà đọc ở khe các con chữ ấy, đọc ở khe các dòng chữ ấy.

Đấy là một phương pháp hơi lạ nhưng nhất thiết cần có. Hôm nay tôi mang quyển sách này đi để nói có sách mách có chứng nhưng chính là để giới thiệu một phương pháp học sử nữa. Đó là đọc sử trong các mối liên kết giữa các trang, các đoạn và các từ.”

Nhà sử học Lê Văn Lan với phương pháp học sử mới ảnh 1
GS Lê Văn Lan giới thiệu một điểm trong các mối liên kết khi đọc về Đức Thánh Trần.“Chính sử chép năm 1289, “mùa Hạ, tháng tư, định công dẹp giặc Nguyên. Tiến phong Hưng Đạo Vương làm Đại Vương.”
Ở đây chủ ngữ người ta chỉ có ba chữ : Hưng Đạo Vương. Ở đây có niên hiệu mùa Hạ năm 1289, mục đích chính của việc chép sử này nói về định công dẹp giặc Nguyên. Chỉ đến lúc ấy tháng 4 năm 1289, sau trận Bạch Đằng một năm thì Hưng Đạo Vương mới được phong làm Đại Vương”.

Trong  phép đọc liên kết giữa các trang và các chữ như thế, có một một trang sử nữa. “Mùa Đông, năm 1258, phong cho em vua là Quang Khải làm Chiêu Minh Đại Vương”. Chúng ta thấy lại phong Đại Vương một lần nữa, mà đối tượng ở đây là Trần Quang Khải vào năm 1258,  18 tuổi đã nhận tước Đại Vương. Còn Trần Hưng Đạo chỉ sau trận Bạch Đằng một năm Ngài mới được phong làm Đại Vương.

Như vậy, lướt qua một chút, chỉ một chi tiết như thế thôi thì học sử, nghĩ về sử nên đọc và nghĩ theo phương pháp liên kết giữa trang nọ và trang kia, giữa người nọ và người kia, giữa chỉ một cái tước nọ một cái tước kia chúng ta sẽ ra được rất nhiều điều thú vị về vị thánh linh thiêng của tín ngưỡng dân gian”.

Học sử trong tín  ngưỡng dân gian

Theo GS Lê Văn Lan, trong lịch sử dân tộc, hiếm có một vị tướng nào được đánh giá cao bằng Đức Thánh Trần. Người ta xếp các vị tướng theo những danh hiệu thứ bậc như sau: Cấp độ 1 là Dũng tướng tức là vị tướng giỏi có sức mạnh hơn người. Cấp độ 2 là Trí tướng tức vị tướng tài ba không chỉ giỏi cơ bắp mà còn có mưu lược.

Bậc cao hơn nữa là Nhân tướng – đánh giặc bằng đạo Nhân, đó là cấp rất cao rồi. Nhưng duy nhất trong lịch sử có một người được phong là Thánh tướng – đó là Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Gần 1000 năm nay, người Việt coi Trần Quốc Tuấn là “cha”, có câu: Tháng Tám giỗ Cha, tháng 3 giỗ mẹ. Cha là chỉ Trần Hưng Đạo, Mẹ là chỉ mẫu Liễu Hạnh. Từ tâm thức dân  gian đó, trên khắp đất nước Việt Nam, chỗ nào cũng có đền thờ Trần Hưng Đạo. Hơn thế, Trần Hưng Đạo là nhân vật duy nhất được thờ trong ban Thánh. Ông được nhân dân phong là THÁNH mọi thời đại.

Tiến sỹ Vũ Đức Cường cho biết, khi hóa Đức thánh, Trần Hưng Đạo đã về thiên đình nhận chỉ của Ngọc Hoàng phong là Cửu Thiên Vũ Đế, với sứ mệnh diệt trừ yêu ma ở cả 3 cõi thiên đình, trần gian, âm phủ.

Hiện cả nước có khoảng gần 1.000 di tích thờ Đức Thánh Trần, trong đó nơi thờ tự chính của Ngài ở đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương. Việc thờ phụng Đức Thánh Trần hiện nay đã trở thành một hình thức tín ngưỡng dân gian phổ biến của nước ta: Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Gần đây có nhiều sự kiện liên quan đến thờ Đức Thanh Trần và lễ hội diễn ra ở nhiều nơi .

Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần luôn vận động, biến đổi trong sự tác động qua lại và gắn bó chặt chẽ với các hình thức tín ngưỡng dân gian cũng như với các tôn giáo khác trong xã hội.

TS Vũ Đức Cường cho rằng, hiện nay trong lễ hội đến Vạn Kiếp , người ta quên mất ghi lễ tế cá độc đáo. Những năm 30 trở về trước, lễ hội tế cá để Trần Hưng Đạo gợi nhớ về quá khứ của mình. Nghi lễ rước thánh, chỉ là nghi lễ ra trận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.