(GD&TĐ) - Bởi đã từng là một người lính vào sinh ra tử, nên suốt cuộc đời cầm bút viết phê bình, Ngô Thảo chỉ định vị một hướng, là quan tâm đến các tác phẩm văn học chiến tranh, các tác giả văn học chiến tranh. Ông quan niệm nếu nhà văn xây dựng tác phẩm bằng ngôn ngữ của đời sống thì nhà phê bình là người phải biết xây dựng hệ thống tư tưởng của cá nhân anh ta trên nguyên liệu là tác phẩm của các nhà văn và kinh nghiệm, vốn sống của chính mình. Chiến tranh là câu chuyện quá khứ, nhưng khi soi rọi vào đời sống hôm nay, với sự sắc sảo của mình, Ngô Thảo chỉ ra cho chúng ta nhiều bài học quý giá, không chỉ trong sáng tạo tác phẩm văn học…
Nhà văn Ngô Thảo |
+ Cái ý nghĩ về “dĩ vãng phía trước” có từ rất lâu trong tôi, từ khi tôi còn là một anh chàng sinh viên vào bộ đội, ra chiến trường. Tôi là một anh lính pháo binh bảo vệ bờ biển Thanh Hóa, sau đó vào chiến trường Bình Trị Thiên bổ sung cho đợt Tổng tiến công Mậu Thân 1968, làm trung đội trưởng trinh sát rồi làm Chính trị viên phó của đại đội…Những năm tháng đối diện với sự khốc liệt của chiến tranh và cái chết ấy, ngoài mục đích chiến đấu để giành chiến thắng tôi còn có một mong ước cá nhân khác, là được trở về trong “bình nguyên bao la của thế giới cũ”- thế giới của những người bạn, những cuốn sách, những êm đềm kỷ niệm…Phía trước là cuộc chiến đấu mỗi ngày một thêm cam go, mùi súng đạn đúng là vào cả trong giấc mơ của những người lính, bạn bè xung quanh tôi không hiếm người vì ao ước một “thế giới cũ” mà tìm cách quay về. Nhưng tôi nghĩ, động lực chân chính nhất của người lính muốn quay về là phải tiến lên phía trước. Nên “dĩ vãng” ở phía trước là vì vậy. Hôm nay, với cuốn sách của mình, tôi nhắc lại định đề ấy không phải chỉ để nói chuyện cũ, mà còn có một tâm trạng khác. Hiện thực đất nước đang có nhiều cái khiến mình vẫn ít nhiều ở trong tâm thế hoài niệm cái cũ, đó là sự thiếu vắng dần những giá trị đẹp, những cuốn sách hay, những định hướng để quan hệ giữa mình với người thân, với bạn bè tốt đẹp hơn. Tất nhiên không thể mang tâm lý “bao giờ cho đến ngày xưa” được, vì phát triển là xu hướng tất yếu của một xã hội. Người ta nói: “Tương lai là quá khứ quay lại trên một mặt phẳng khác”. Nếu đúng như vậy thì cách mà chúng ta có thể tìm lại những giá trị tốt đẹp là phải tiến lên phía trước, vượt qua những phức tạp thời cuộc. Nghĩa là những bài học trong quá khứ chính là lời nhắc nhở ta phải vượt lên phía trước để tìm kiếm cái đẹp mới, làm giàu có hơn cuộc sống của hôm nay.
-Nhân vật trong cuốn sách mới này của ông là những ai vậy?
+Họ là những Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Đình Lạp, Thâm Tâm....những người làm nên tên tuổi và sự nghiệp của mình trong những năm chiến tranh. Họ là những người làm nên gương mặt văn học một thời, tác phẩm của họ có tác động tích cực với đời sống xã hội. Tôi đã ghi chép lại từ những cuộc trò chuyện với họ, giúp bạn đọc có thêm cơ sở để hiểu về con người cũng như quan điểm sáng tác của họ. Trong cuốn sách tôi cũng lần đầu tiên công bố một số tư liệu liên quan đến các nhà văn Nguyễn Đình Lạp, Thâm Tâm và di bút của nhà văn Hoàng Lộc.
-Nhìn lại suốt chặng đường dài của một người làm lý luận phê bình đã qua của ông, tôi thấy ông hình như chỉ quan tâm đến những nhà văn thế hệ chống Mỹ. Còn các nhà văn thành danh sau hòa bình và các tác giả trẻ hôm nay ít thấy ông dành thời gian cho họ. Ông thực sự không quan tâm tới họ, hay là ông không theo kịp đời sống sáng tác?
+Trước hết phải thừa nhận rằng tôi vẫn là một người làm phê bình của thế hệ cũ. Tôi viết về các nhà văn không cùng thế hệ với mình thì cái sợ lớn nhất là sự nguội lạnh. Vì đối với tôi, viết phê bình thông minh, chuẩn xác chưa bao giờ đủ, mà còn phải cần đến sự nồng nhiệt nữa. Nhưng có một lý do sâu xa hơn của đời sống văn học đương đại khiến tôi không tìm thấy những tác phẩm mình có thể chia sẻ, gặp gỡ trong phê bình, ấy là văn học của ta đang bị “mất thiêng”. Khi tiếp cận một tác phẩm văn học, điều tôi quan tâm nhất là “tính tích cực xã hội” của nó. Nghĩa là văn học phải nhắc nhở ta một điều gì đó, định hướng hay dự báo cho ta một điều gì đó, giúp ta nhìn lại cuộc sống theo cách tốt đẹp hơn. Nhưng văn học hôm nay dường như đã trở thành một món hàng giải trí, một mặt hàng tiêu dung “vầy vậy” về chất lượng. Và ai cũng có thể trở thành nhà văn được nhờ phương tiện phổ biến dễ dàng.
-Nghĩa là đang có một sự khác biệt rất lớn trong tâm thế sáng tác của các nhà văn thế hệ chống Mỹ, và các nhà văn sau này, thưa ông?
+Hiển nhiên là tâm thế sáng tác của nhà văn phản ánh tâm thế thời đại họ đang sống. Nhìn lại quá khứ để so sánh thì có thể thấy thế này. Thời kỳ chiến tranh, các nhà văn trước tiên đều là những người bình thường. Họ không được chuẩn bị để trở thành nhà văn. Hiện thực cuộc sống khiến họ phải mượn phương tiện là cây bút để thể hiện những ước mơ, hoài bão của mình. Họ là những người viết hồn nhiên.Nhưng chúng ta nhìn thấy dấu ấn thời đại trong tác phẩm của họ. Mặc dù không nhiều, nhưng thực sự có được những gương mặt tiêu biểu, đáng nhớ. Khi chiến tranh kết thúc chúng ta có ý thức rõ ràng hơn trong việc đào tạo nhà văn. Các lớp học viết văn liên tục được mở ra. Nhưng việc viết văn trở nên khó khăn hơn vì “sức đẩy” trong nội tâm không còn nhiều như trong chiến tranh. Sự chuyên nghiệp của nhà văn thể hiện ở chỗ họ lao động thường xuyên hơn, số lượng tác phẩm nhiều hơn, nhưng tác phẩm ghi dấu ấn lại không nhiều. Điều lạ nhất là trước kia người ta sáng tác tập thể lại có dấu ấn cá nhân, giờ sáng tác cá nhân mà lại không có dấu ấn cá nhân. Những gương mặt “ngoại lệ” như Nguyễn Huy Thiệp quá hiếm. Các nhà văn trẻ sau này thì viết có cái riêng rất rõ, nhưng lại thiếu chiều sâu.
-Từ sự so sánh của mình, có phải ông đang muốn chỉ ra rằng, các nhà văn được đào tạo sau này lại không viết hay hơn các nhà văn không được chuẩn bị để trở thành nhà văn?
+Không, tôi không phản đối việc đào tạo nhà văn. Nhưng có lẽ là phương pháp đào tạo nhà văn của chúng ta chưa đúng. Điều này rất đáng phải suy nghĩ.
-Theo quan sát của ông về đời sống văn học hiện nay, điều gì làm ông ưu tư nhất?
+Chúng ta đang chứng kiến một đời sống văn học nghệ thuật có rất nhiều người tài hoa. Nghĩa là họ có thể hoạt động trên nhiều lĩnh vực: vừa viết văn vừa vẽ tranh vừa làm âm nhạc…Nghĩa là mọi năng lượng có trong người nghệ sĩ đều được xã hội tạo điều kiện cho họ bộc lộ, sáng tạo. Vì thế, bề mặt của đời sống văn nghệ là rất sôi động. Tuy nhiên, người sáng tác hôm nay mới chỉ dừng lại ở việc trình diện tài năng mình có, giới thiệu với công chúng những thứ mình sở hữu, giống như người bán hàng mải mê áo xống cho bắt mắt để giới thiệu mặt hàng mình có, thậm chí cả kho hàng mình có, chứ chưa thực sự quan tâm rằng những thứ mình đang có mang lại lợi ích gì cho công chúng. Nghĩa là chúng ta không tìm thấy tác phẩm chứa đựng trong nó tâm thế của cả thời đại, đại diện cho khát vọng của người đương thời hôm nay.
-Ông là người cầm bút “nặng lòng” với các tác phẩm văn học chiến tranh, xin được hỏi, theo ông, các nhà văn chống Mỹ đã trả xong món nợ của họ với cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc hay chưa, và các nhà văn trẻ chưa từng có quá khứ chiến tranh liệu có thể viết hay về đề tài này?
+Theo tôi những nhà văn đã đi qua chiến tranh và thành danh sau chiến tranh họ viết về hiện thực chiến tranh tương đối đầy đặn, có chiến thắng và có mất mát. Nhưng có một hạn chế là họ nhìn nỗi đau chưa sâu, hoặc là quá lãng mạn, hoặc là quá bi lụy. Một nhược điểm nữa là họ mới viết về chiến tranh ở quy mô một trận đánh, một chiến dịch, chứ chưa nhìn xa hơn, tổng quát hơn. Và cái chính là họ vẫn viết với tâm thế người trong cuộc, mà chưa tự cho phép mình đứng ngoài cuộc chiến để nhìn vào. Biểu tượng đẹp nhất của thời đại là “người lính Cụ Hồ”, thì nói một cách sóng phẳng là văn học chiến tranh chưa xây dựng được một cách hoàn thiện. Và điều này mới là quan trọng, chúng ta không ngây thơ khi nói về chiến tranh, nhưng phải thừa nhận chiến tranh đã tạo ra một thế hệ con người không ai thay thế, làm nên biểu tượng “người lính Cụ Hồ”, một biểu tượng đẹp nhất của thời đại. Văn học chiến tranh, nói một cách sòng phẳng, là chưa xây dựng hoàn thiện được hình ảnh đẹp này. Tôi không hy vọng lớp nhà văn trẻ, những người không trực tiếp trải nghiệm chiến tranh, sẽ lấp được khoảng trống này. Sau đây, những nhà văn trẻ nếu viết về chiến tranh, với tâm thế “nhìn từ xa”, thì phải nhìn cho ra được những “quặng quý” nhất của nó là gì và khắc họa nó trên trang viết một cách thuyết phục.
-Xin cảm ơn nhà phê bình Ngô Thảo về cuộc trò chuyện này.
Bình Nguyên Trang(thực hiện)