Nhà phân tích Ấn Độ: Trung Quốc mới là lý do khiến Mỹ rút khỏi hiệp ước INF

GD&TĐ - Rajiv Nayan – nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng có trụ sở tại Delhi, Ấn Độ đã đưa ra một trong những ý kiến cho rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF là gây bất ổn cho hòa bình thế giới. Nói với hãng tin Sputnik, ông cho rằng khả năng có một hiệp ước tương tự giữa các cường quốc thế giới trong tương lai gần là rất khó.  

Những tên lửa SS-23 bị phá hủy
Những tên lửa SS-23 bị phá hủy

“Lý do chủ yếu khiến Mỹ rút khỏi INF không phải Nga. Đó chính là Trung Quốc – quốc gia mà Mỹ muốn ngăn chặn trên trường quốc tế. Rõ ràng, Mỹ sẽ cố gắng hết sức để đưa Trung Quốc và một số nước khác như Ấn Độ vào tham gia một hiệp ước tương tự với INF. Tuy nhiên, tôi e rằng một loại hiệp ước như vậy sẽ không có trong tương lai gần, đặc biệt là khi Mỹ là nước đầu tiên đơn phương rút khỏi” – ông Rajiv Nayan nói.

Ông Nayan là người có chuyên môn về vũ khí tiêu diệt hàng loạt và kiểm soát vũ khí.

Washington đã tuyên bố tên lửa 9M729 của Nga vi phạm hiệp ước INF, điều mà Moscow bác bỏ. Ngược lại, Tổng thống Nga Putin khẳng định rằng việc Mỹ sử dụng các tên lửa mục tiêu và triển khai những bệ phóng Mk 41 ở châu Âu kể từ 2014 là sự vi phạm trực tiếp đối với INF.

Hiệp ước INF được ký năm 1987 nhằm chấm dứt cuộc đua vũ trang giữa Mỹ và Xô viết khi đó.

Đầu tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói rằng Moscow sở hữu tất cả các phương tiện kỹ thuật quân sự cần thiết để phản ứng với những mối đe dọa từ việc Mỹ rút khỏi INF tạo ra.

Trong thông điệp liên bang hôm 5/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng chính quyền của ông sẽ cố gắng đàm phán một hiệp ước khác để thay thế hiệp ước INF trong khi buộc tội Nga “liên tục vi phạm” các điều khoản của thỏa thuận này.

Theo Sputnik

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.