Từ xâm phạm bản quyền
Đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh, với sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội, vấn nạn vi phạm bản quyền diễn ra tràn lan. Phim vừa ra rạp đã bị hàng trăm web lậu phát tán, đẩy các nhà đầu tư cũng như nhà làm phim vào con đường mong manh của sự phá sản.
Không chỉ vậy, sự phát triển đầy phức tạp của công nghệ cũng tiềm ẩn nguy cơ “xâm lăng” văn hóa, khi những nội dung xấu độc, cài cắm ý đồ chính trị len lỏi trên không gian mạng.
Tại “Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số” diễn ra vào tháng 6/2024 tại Hà Nội với sự tham gia của đại biểu quốc tế đến từ 15 quốc gia, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH,TT&DL) thừa nhận, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số ở Việt Nam vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường.
Theo thống kê chưa đầy đủ, có đến 80% vi phạm bản quyền đang diễn ra trên các nền tảng số, gây thiệt hại 348 triệu USD năm 2022, tương đương 7.000 tỷ đồng. Việt Nam có 15,5 triệu người thường xuyên truy cập vào web lậu, khiến nước ta lọt vào top 3 khu vực về vi phạm bản quyền.
Những bộ phim bị sao chép được đăng tải trên phần mềm lậu đã và đang khiến các nhà đầu tư và nhà làm phim ngao ngán. Chưa bắt tay vào làm phim đã sợ nguy cơ bị phá sản chỉ vì vấn nạn xâm phạm bản quyền quá tràn lan, quá tinh vi.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, bản thân có đến 2 bộ phim đã và đang bị phát tán trên mạng, là “578: Phát đạn của kẻ điên” và “Xẩm đỏ”. Chỉ cần lên mạng gõ ra là có, các video, hình ảnh xâm phạm bản quyền xuất hiện vô tội vạ. Phim vừa ra rạp, các web lậu đã phát tán khiến bản thân anh như “chết đứng” vì hoàn toàn không có cơ hội chống đỡ.
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam công bố trong “Báo cáo nghiên cứu thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam” cho thấy, điện ảnh là một trong 3 loại hình sản phẩm văn hóa sáng tạo bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhiều nhất - với tỉ lệ lên tới 71,6%.
Tuy nhiên, những vi phạm bản quyền vẫn chưa tìm được giải pháp xử lý hữu hiệu. Nhiều nhà sản xuất dù phát hiện tác phẩm của mình bị vi phạm bản quyền, nhưng cũng chỉ biết đưa thông tin lên báo hoặc mạng xã hội, hiếm khi tìm đến cơ quan chức năng hoặc đưa ra tòa. Khi được hỏi, đa số các ý kiến đều cho rằng các chế tài xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe hoặc hành vi rất khó xử lý.
Tuy nhiên, theo đạo diễn Lương Đình Dũng thì bản thân các nhà làm phim đa phần chỉ tập trung vào công việc làm phim. Khi có vi phạm xảy ra, việc tập hợp các bằng chứng vi phạm hay thủ tục về mặt giấy tờ đều rất khó khăn.
Trên thực tế, vấn nạn các trang web lậu phát tán nội dung phim không phải là câu chuyện mới ở Việt Nam. Thống kê của Cục Điện ảnh cho biết, có tới hàng trăm trang web phim tiếng Việt công khai chiếu hàng chục nghìn bộ phim trên Internet trong khi các tác phẩm chưa được các web này mua bản quyền.
Mặc dù, các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái mạnh tay, “đánh sập” nhiều trang web phim lậu nhưng ngay sau đó đã xuất hiện những web khác thay thế với tên miền khác.
Đến nguy cơ “xâm lăng” văn hóa
Không chỉ vi phạm bản quyền, các trang web phim lậu còn là nơi có nguy cơ truyền tải những nội dung thiếu lành mạnh, thậm chí vi phạm đến an ninh quốc gia. Đó cũng là lý do mà Hội thảo “Quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”, được tổ chức mới đây tại Hà Nội nhằm phân tích, đánh giá, tháo gỡ vướng mắc, đề ra giải pháp khắc phục góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam.
Theo ông Đỗ Quốc Việt - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, gần đây một số phim trên dịch vụ Netflix có các nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; phim có nội dung vi phạm về văn hóa khá phổ biến do quan điểm, lối sống phương Tây khác biệt với văn hóa Á Đông. Cá biệt có những phim làm sai lệch lịch sử đấu tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc…
Một số chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, xâm lấn bằng con đường phim ảnh, văn hóa đang đe dọa trực tiếp đến nhận thức của công chúng. Xem quá nhiều những bộ phim như vậy, khán giả sẽ vô tình bị định hướng, dẫn dắt theo tư tưởng sai lạc.
Thêm vào đó, môi trường mạng tiện lợi, dễ sử dụng nên mọi lứa tuổi, không phân biệt quốc tịch, nhận thức đều có thể bị tiếp cận, bị “thao túng” bởi những sản phẩm độc hại.
Để ngăn chặn vi phạm bản quyền cũng như nguy cơ “xâm lăng” văn hóa, bà Phan Thu Hồng - Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT) cho rằng, phổ biến phim trên không gian mạng cần được cụ thể bằng các điều luật, quy định cụ thể, rõ ràng. Càng cụ thể bao nhiêu thì càng hạn chế được những tác hại, mặt tiêu cực mà không gian mạng mang lại, trong đó có lĩnh vực phổ biến phim.
Giải pháp duy nhất là dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, gỡ bỏ. Vì vậy, Bộ TT&TT đã triển khai hệ thống kỹ thuật điều phối và giám sát việc chặn lọc kỹ thuật của 11 nhà mạng với nhóm đối tượng này. Tổng số lượng lệnh được thực hiện chặn là 1.461 web/blog xấu độc, vi phạm pháp luật trên không gian mạng Việt Nam; trong đó có nhiều trang phổ biến phim bất hợp pháp.
“Đối với tôi khi sản xuất phim thì bản quyền là một khâu quan trọng để đảm bảo an toàn cho nhà sản xuất. Đặc biệt, khi nhà làm phim quá áp lực với những vấn đề khác trong sản xuất thì vấn đề bản quyền lại càng khiến họ khó khăn hơn. Chúng tôi đã đăng ký bản quyền từ khâu kịch bản, thậm chí còn ký hợp đồng với đơn vị hỗ trợ bảo vệ bản quyền, nhưng cuối cùng thì bảo vệ bản quyền vẫn là điều rất khó khăn” - Đạo diễn Lương Đình Dũng.