Nhà khoa bảng đắp thành Đa Bang, tử tiết quyết không hàng giặc

GD&TĐ - Nhà khoa bảng Hoàng Hối Khanh đã sống một cuộc đời đúng nghĩa 'Văn thần chí tận', sẵn sàng chết, quyết không hàng giặc.

Hoàng Hối Khanh chính là người chỉ đạo đắp thành Đa Bang. Ảnh minh họa: IT.
Hoàng Hối Khanh chính là người chỉ đạo đắp thành Đa Bang. Ảnh minh họa: IT.

Ít nhiều bị đánh giá không công bằng, song nhà khoa bảng Hoàng Hối Khanh đã sống một cuộc đời đúng nghĩa “Văn thần chí tận”, sẵn sàng chết, quyết không hàng giặc.

Dù có tài kinh bang tế thế nhưng trong hoàn cảnh đất nước gặp quá nhiều biến động: Trong dân không theo nhà Hồ, ngoài thì giặc Minh nhòm ngó nên vận xoay chuyển càn khôn mà Hoàng Hối Khanh ra sức đã tan thành mây khói.

Tuy nhiên, hành động tử tiết vì nước đã để lại cho hậu thế không chỉ một tấm gương sáng, mà còn cả những nghĩ suy chuyện thế sự - thế thời.

Trấn thủ biên cương, chiêu dân lập ấp

Hoàng Hối Khanh (1362 - 1407), quê Bái Trại, huyện Yên Định, nay là thôn Bái Trại, xã Định Tăng, Yên Định - Thanh Hoá. Ông đỗ Thái học sinh khoa thi năm Giáp Tý (1384) đời vua Trần Phế Đế.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: “Năm Giáp Tý (1384), mùa Xuân, tháng 2, Thượng hoàng cho thi Thái học sinh ở chùa Vạn Phúc núi Tiên Du (lấy đỗ) bọn Đoàn Xuân Lôi, Hoàng Hối Khanh… 30 người. Mùa Hạ, tháng 5 cho số Thái học sinh còn lại làm Thư sử ở cung Bảo Hoà”.

Từ đó, Hoàng Hối Khanh làm quan cho nhà Trần trong vòng 16 năm, giữa bối cảnh đất nước đầy rẫy khó khăn. Năm 1385 ông được bổ chức Tri huyện Nha Nghi (Lệ Thuỷ - Quảng Bình ngày nay) trấn giữ phía Nam Đại Việt. Ông chọn Mũi Viết - vùng đất nằm giữa hai con sông Bình Giang và Ninh Giang để đóng huyện sở.

Nơi đây địa thế sông núi hiền hoà, phía trước có thành Ninh Viễn (Nhà Ngo), hướng Tây Nam có ngọn Mã Yên. Từ Mũi Viết nhìn về hướng Tây Bắc là vùng đất màu mỡ hoang vu, có khả năng khai phá lập nghiệp lâu dài. Trong vai trò thống lĩnh phương Nam nên Hoàng Hối Khanh có đặc ân được chọn khoảng 500 mẫu ruộng đất.

Ông ra Hoan Châu và Ái Châu chiêu mộ dân 12 dòng họ vào khai canh lập ấp lấy tên làng Kẻ Tiểu. Tương truyền, từ Kẻ Tiểu ban đầu ông đã tâu lên triều đình cho mở rộng toàn vùng, tổ chức các làng dưới hình thức “động vi binh, tịnh vi dân” để vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Bởi vậy, ông được coi như vị Thành hoàng cả một vùng rộng lớn của huyện Lệ Thủy ngày nay.

Sau thời gian làm Tri huyện Nha Nghi, ông được cử giữ chức An phủ sứ lộ Thăng Hoa (Quảng Nam - Quảng Ngãi). Thời kỳ này nhà Trần suy vi, giặc Minh âm mưu xâm lược nước ta nên năm 1394 Hoàng Hối Khanh được điều ra làm An phủ sứ lộ Tam Đái (Yên Lạc - Vĩnh Phúc). Sau lại điều về giữ chức Phát vận sứ ty để chuẩn bị chống giặc Minh.

Năm 1400, Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần, nhà Minh mượn cớ “phò Trần diệt Hồ” để xâm lược nước ta. Hoàng Hối Khanh ra làm quan cho nhà Hồ, được thăng chức Đồng tri Khu mật sứ (1401) để đối phó với quân xâm lược. Ông cho lập xưởng đúc rèn vũ khí, chế tạo súng thần công.

Năm 1404, để tăng cường kiểm soát nhân khẩu cho việc gọi lính, ông dâng kế sách lên Hồ Quý Ly lập hộ tịch rồi yêu cầu nhân dân kê khai, ghi tên các nam thiếu niên từ 12 tuổi trở lên, chép vào sổ bộ để thống kê trong toàn quốc.

Hoàng Hối Khanh đỗ Thái học sinh năm Giáp Tý (1384) đời vua Trần Phế Đế. Ảnh minh họa.

Hoàng Hối Khanh đỗ Thái học sinh năm Giáp Tý (1384) đời vua Trần Phế Đế. Ảnh minh họa.

Tự vẫn chứ không hàng giặc

Các cứ liệu lịch sử cho biết, thời này Hoàng Quảng Thành - thổ quan châu Tư Minh tâu với vua Minh Thành Tổ rằng, Lộc Châu nguyên là đất cũ của châu Tư Minh. Minh Thành Tổ sai người sang Đại Ngu đòi trả lại Lộc Châu cho châu Tư Minh nhưng Hồ Quý Ly khước từ. Năm sau vua Minh lại sai sứ thần sang đòi, Hồ Quý Ly không thể từ chối, bèn cho Hoàng Hối Khanh làm Cát đại sứ để giao đất.

Ông đành đem đất 59 thôn ở Cổ Lâu trả cho nhà Minh nhưng khi trở về, Hồ Quý Ly lại quở trách ông trả đất quá nhiều. Sau đó, những thổ quan do nhà Minh đặt ra để giữ đất mới nhượng bị Hồ Quý Ly ngầm sai người đánh thuốc độc cho chết.

Tháng 9 năm 1405, Hồ Quý Ly sai Hoàng Hối Khanh đốc suất dân phu đắp thành Đa Bang (tại huyện Ba Vì, Hà Nội ngày nay) để chống quân Minh. Tương truyền khi đắp thành Đa Bang, ông làm bài thơ có câu: Mao thiềm mệnh dã cung tiều thoán/Lão mộc thì hồ ách phủ cân (Nhà tranh đành phận nơi đun nấu/Cây cối thường khi bị búa rìu).

Nhân lúc nhà Hồ chưa ổn định, Chiêm Thành quấy rối phía Nam. Hồ Quý Ly sai Hoàng Hối Khanh làm Tuyên uý sứ trấn thủ vùng Thăng Hoa. Đến Thăng Hoa, ông chọn Đặng Tất, Phạm Thế Căng và Nguyễn Lỗ giúp việc cho mình.

Ngay khi phía Nam đang bị quấy nhiễu, nhà Minh đem quân sang đánh chiếm Đại Ngu. Cha con Hồ Quý Ly thua chạy, bị quân Minh đuổi gấp, bèn viết thư cho Hoàng Hối Khanh sai lấy một phần ba số dân di cư trước kia ở Thăng Hoa, gộp với quân lính địa phương giao cho Nguyễn Lỗ, lại phong cho người Chiêm là Chế Ma Nô Đà Nan làm Thăng Hoa quận vương để vỗ về dân Chiêm tại đây.

Tháng 6 năm 1407 cha con Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt. Chiêm Thành nhân đó mang quân đánh chiếm lại Thăng Hoa, dân mới di cư đến tan rã bỏ chạy, Hoàng Hối Khanh không chống nổi phải rút về Hoá châu. Tình hình càng thêm rối ren, Đặng Tất theo bằng đường thủy về trước, Nguyễn Lỗ đi đường bộ về sau.

Lỗ vốn có hiềm khích với Đặng Tất, Trấn phủ sứ Thuận Hoá là Nguyễn Phong về phe với Lỗ ngăn không cho Đặng Tất vào thành. Tất đánh giết được Phong rồi sau đó cùng Lỗ giao chiến. Lỗ chạy sang Thăng Hoa đầu hàng Chiêm Thành.

Chế Ma Nô Đà Nan bị quân Chiêm giết chết, Chiêm Thành thừa thế tiến lên đánh Hoá châu, trong khi đó quân Minh sau khi bắt cha con họ Hồ cũng tiến vào bình định Hoá châu.

Phạm Thế Căng đón quân Minh ở Nghệ An xin hàng. Tướng Minh là Trương Phụ cử Đỗ Tử Trung đi dụ Hoàng Hối Khanh và Đặng Tất. Đặng Tất phải tạm hàng quân Minh để ngăn quân Chiêm bắc tiến, được Trương Phụ cho giữ chức Đại tri châu Hoá châu như cũ.

Tạm yên phía Bắc, Đặng Tất dồn sức đẩy lui được quân Chiêm. Sau đó Đặng Tất sai người tìm Hoàng Hối Khanh bàn mưu chống quân Minh. Tháng 7 năm 1407, Hoàng Hối Khanh về đến cửa Hội gặp gió to vỡ thuyền, bị thổ binh theo quân Minh bắt được. Không muốn lọt vào tay quân Minh, ông bèn tự sát ở tuổi 46. Trương Phụ đem thủ cấp của ông ra bêu ở chợ.

Đền thờ Hoàng Hối Khanh.

Đền thờ Hoàng Hối Khanh.

Ngẫm lại chuyện xưa

Về cái chết của Hoàng Hối Khanh, các tư liệu có phần khác nhau. Có sách cho rằng Đặng Tất bắt ông để nộp cho người Minh và ông đã tự vẫn. “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, ghi: Tất sai người đưa Hối Khanh về, đến cửa biển Đan Thai thì Hối Khanh tự vẫn. “Việt sử tiêu án” lại chép: Tất nghe tin người Minh đã đến Nghệ An, xin đầu hàng Trương Phụ. Phụ sai người đưa Hối Khanh về, đi đến cửa biển Đan Thai, Hối Khanh tự vẫn.

Sách “Danh nhân Bình Trị Thiên” xuất bản năm 1986 dẫn theo “Việt kiệu thư” của Lý Văn Phượng thời nhà Minh chép việc này sáng tỏ hơn: Trương Phụ chưa đánh tới Hóa châu, sai Đỗ Tử Trung đi chiêu dụ Hoàng Hối Khanh và Đặng Tất. Đặng Tất thuận ý hàng còn Hối Khanh bỏ trốn. Sau khi đánh lui quân Chiêm, Đặng Tất sai người đón Hối Khanh về bàn việc chống Minh. Đến cửa Hội thì gặp gió to, thuyền bị vỡ, Hối Khanh bị thổ dân theo quân Minh bắt.

Như vậy có thể thấy hành động bỏ trốn của Hoàng Hối Khanh chứng tỏ ông không muốn hợp tác với nhà Minh. Hành động đó bị nhà Minh cho là chống đối nên tầm nã ông để giết. Trương Phụ bêu đầu ông để dọa những người Việt trốn tránh không muốn hợp tác với quân Minh.

Cái chết của Hoàng Hối Khanh thể hiện tinh thần bất khuất của một nhà nho chân chính, chịu chết chứ không chịu nhục. Đó cũng là cái chết của lòng yêu nước không chịu khuất phục trước giặc ngoại xâm.

Tuy nhiên, một số hành động của ông lại bị một số sử gia chỉ trích, đặc biệt là việc “bỏ Trần theo Hồ”, nhưng cũng phải xét ở một khí cạnh thời thế - ngả theo nhà Hồ không có nghĩa là kẻ bất trung.

Việc Hoàng Hối Khanh thừa lệnh Hồ Quý Ly đem đất 59 thôn ở Cổ Lâu trả cho nhà Minh nhưng khi trở về lại bị quở trách “trả đất quá nhiều”, và bị một số sử gia đánh giá “dâng đất cho giặc” cũng oan uổng cho ông.

Trong tình thế đất nước ngấp nghé miệng hố chiến tranh, nếu không nhượng bộ chắc chắn chiến tranh sẽ nổ ra ngay lập tức. Việc đem đất 59 thôn trả cho nhà Minh không chỉ là tình cảnh “thế thời phải thế”, mà còn là cơ hội để có thời gian chuẩn bị lực lượng, bố phòng.

Sau khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, đã truy phong Hoàng Hối Khanh làm Phong Dực bảo trung hưng, Linh phù đoan túc tôn thần. Đến đời nhà Nguyễn, khoảng năm 1845 lăng mộ và miếu thờ Hoàng Hối Khanh được xây dựng và từ đó về sau được trùng tu lại nhiều lần.

Lăng mộ ông nằm trên một khu đất gần núi An Mã, trên một khu đất tại thôn Thượng Phong, xã Phong Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Vua Thiệu Trị cũng truy phong ông làm “Đặc tấn phụ quốc, Thượng tướng quân, tặng kiệt tiết linh thông Hoàng Quận công, Tước Phong Dực bảo trung hưng, Linh phù đoan túc tôn thần”.

Khu lăng mộ Tiến sĩ Hoàng Hối Khanh.

Khu lăng mộ Tiến sĩ Hoàng Hối Khanh.

Tưởng nhớ công lao người khai khẩn, dân làng Thượng Phong đã lập đền thờ bên hữu ngạn sông Kiến Giang. Hàng năm cứ đến ngày mồng 6 tháng 6 âm lịch dân làng tổ chức tế lễ. Năm 1998, quần thể đền thờ và khu lăng mộ Tiến sĩ Hoàng Hối Khanh đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.

Hệ thống phòng không Patriot.

Nhận thêm Patriot để chặn Oreshnik?

GD&TĐ - Đức cùng Đan Mạch đã cung cấp cho Ukraine thêm 15 xe tăng Leopard, gửi một hệ thống IRIS-T SLS, một IRIS-T SLM và tăng cường Patriot.

Rashford công khai đòi rời Man Utd

Rashford công khai đòi rời Man Utd

GD&TĐ - Marcus Rashford tuyên bố "sẵn sàng cho thử thách mới" sau khi bị gạch tên khỏi trận Man Utd thắng Man City 2-1 ở vòng 16 Ngoại hạng Anh.