Nhà hàng, quán nhậu chuyển đổi để 'lái xe là không cồn'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được đưa ra trình bày tại Quốc hội sáng 10/11/2023.

Nhiều hàng quán vắng khách một phần do kiểm tra nồng độ cồn gắt gao.
Nhiều hàng quán vắng khách một phần do kiểm tra nồng độ cồn gắt gao.

Quy định cấm tài xế có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi lái xe tại Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở một góc độ khách quan đang gây ảnh hưởng đối với ngành F&B (nhà hàng, ăn uống) khi kinh doanh đồ uống có cồn. Song, cơ hội luôn mở ra cho những cá nhân biết nắm bắt “thời cơ” xoay chuyển.

Bỏ kinh doanh… trả mặt bằng

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được đưa ra trình bày tại Quốc hội sáng 10/11/2023. Về các hành vi bị nghiêm cấm, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Theo nhiều chiều ý kiến, quy định như vậy là quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của nhiều địa phương và các đơn vị trong ngành F&B.

Điển hình tại TP Hà Nội, nhiều phố nhậu vắng khách, các mặt tiền kinh doanh nhà hàng trước đây cho thuê vốn đông khách nhưng giờ treo bảng cho thuê nhan nhản vẫn không ai thuê vì sợ thua lỗ.

Như tuyến phố Phùng Hưng, Hàng Giấy… hàng loạt quán nhậu phục vụ khách du lịch phải đóng cửa vì ế khách. Nhiều quán cố gắng trụ nhưng doanh thu giảm mạnh nên cũng “than trời” vì… nồng độ cồn.

Nguyên nhân là mức phạt vi phạm nồng độ cồn rất cao, đi ô tô thì vài chục triệu đồng còn đi xe máy bị phạt bởi vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/1 lít khí thở thì nằm trong khung từ 6 - 9 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.

Anh Đinh Hoàng Sơn, chủ nhà hàng Liên Nga trên phố Mã Mây cho biết, anh vừa trả mặt bằng quán ăn sau ba năm bám trụ và dồn sức cho công việc hiện tại. Khu vực phố cổ hiện đang dần đông đúc về đêm trở lại nhưng khách vào không gọi ăn uống nhiều, chủ yếu nhìn dòng người trong tiếng nhạc xập xình rồi... về.

“Quán nằm trong khu phố cổ, đón cả dòng khách du lịch, vậy mà doanh số cũng giảm sút gần 50% so với năm ngoái. Khách đi nhà hàng, quán ăn chủ yếu để lai rai, gặp gỡ bạn bè, đối tác nhưng do e ngại về xử phạt nồng độ cồn nên không dám gọi bia rượu. Trước đây khách ngồi lâu vì có thể lai rai, nay khách không dám uống nên cũng rời sớm”, anh Sơn nói.

Tương tự, ông Quang chủ quán ăn trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng thở dài vì ngày nào cũng vắng khách. Cơ sở của ông Quang kinh doanh lúc trước 1 ngày lên đến tầm 10 - 20 triệu đồng nhưng giờ một ngày bán được 3 - 4 triệu đồng là mừng.

“Tôi ráng làm đến cho qua Tết này sau đó rồi đóng cửa quán chứ bán buôn kiểu này thì nản lắm. Nhân viên tôi cũng cho nghỉ một số bạn, giờ chỉ còn 3, 4 nhân viên phụ bán nhưng không có khách như trước.

Cũng may là đất nhà, quán nhà không tốn tiền mặt bằng nhưng cũng hơi khó nếu tình trạng này kéo dài. Giờ khó khăn mà chốt kiểm tra nồng độ cồn kiểm tra liên tục, khách thì sợ bị phạt nên đâu dám nhậu như trước. Một số quán gần đây đã phải đóng cửa vì có bán được gì đâu”, ông Quang nói.

Chuyển mình để thích ứng

Theo ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát, doanh thu từ rượu bia giảm, nhà hàng, quán ăn vắng khách là những phản ánh rất thực tế về ngành hiện nay. Hiện nay, kinh tế khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, dần giảm thói quen rượu bia.

“Đặc biệt, việc thực hiện Nghị định 100 về nồng độ cồn khiến nhiều người không dám uống, dù chỉ một chút. Tôi ủng hộ việc kiểm soát chặt đối với các lái xe trong việc sử dụng rượu bia để đảm bảo an toàn giao thông. Ở góc độ khác, ăn nhậu là nhu cầu giải trí cuộc sống. Do vậy, bên cạnh việc kiểm soát nồng độ cồn với tài xế cũng nên tính toán các giải pháp để ngành này vực dậy khó khăn”, ông Việt cho biết.

Theo ông Việt, ngành rượu bia những năm qua đóng góp rất tốt cho ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thúc đẩy các ngành liên quan phát triển. Cái khó của ngành rượu bia sẽ có tác động dây chuyền, làm sao cân đối hài hòa được cả vấn đề sức khỏe, an toàn giao thông nhưng không làm khó một ngành kinh tế.

Nhìn nhận ở khía cạnh thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, đối với ngành sản xuất rượu bia, kinh doanh quán nhậu, nên xem đây là cơ hội chuyển đổi. Ngành sản xuất có thể nghiên cứu tạo ra các loại bia không cồn với vị như bia thật, các loại nước uống khác.

Còn ngành kinh doanh quán nhậu thì có thể chuyển đổi công năng quán hay mặt bằng. Với những doanh nghiệp, nhà hàng kinh doanh không thể thay đổi thì đành chấp nhận cú sốc đóng cửa.

Ông Hoàng Hà Tuấn, chuyên gia trong ngành F&B nhìn nhận, thời điểm cuối năm là dịp cao điểm để nhà hàng, quán nhậu gia tăng doanh số. Tuy nhiên, các hàng quán muốn thu hút khách hàng cũng cần phải có dịch vụ cộng thêm.

Chẳng hạn như chuẩn bị mặt bằng để khách có thể gửi xe qua đêm tại quán hay miễn phí Grab về, hoặc cho nhân viên lái xe về cho khách hàng. Nhiều quán đã làm như vậy rồi. Nhiều quán cũng đẩy mạnh giao đồ nhậu tại nhà.

“Với tình hình chung, các doanh nghiệp cần có thêm sự sáng tạo về dịch vụ, sản phẩm mới hoặc chấp nhận dịch chuyển sang mô hình khác ít phụ thuộc đồ uống có cồn hơn. Thực tế nhà hàng hay quán ăn có sự dịch chuyển rất nhanh như chuỗi cà phê muối, bánh đồng xu, trà chanh giã tay... Có thể không kéo dài nhưng tạo doanh số đột biến”, ông Tuấn chia sẻ.

Ngành F&B vốn rất khốc liệt, việc xoay chuyển, đổi mới sáng tạo, nắm bắt cơ hội mới là liên tục. Cơ hội luôn có với những chủ quán năng động, không hẳn cú sốc nào từ chính sách quản lý Nhà nước cũng gây hại, mà có khi đó lại mở ra cơ hội mới nếu kịp thời chuyển đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ