Nhà giáo xứ Thanh 'truyền lửa' nhân ái

GD&TĐ - Nhiều năm qua, cô Nguyễn Thị Dung, GV môn Tiếng Anh ở Thanh Hóa vẫn lặng lẽ trích tiền lương mua sách vở hỗ trợ học trò nghèo.

Cô Dung mua tặng sách vở cho em Nguyễn Văn Minh, lớp 6A2 - Trường THCS Yên Dương.
Cô Dung mua tặng sách vở cho em Nguyễn Văn Minh, lớp 6A2 - Trường THCS Yên Dương.

Trích tiền lương mua sách vở

Cô Nguyễn Thị Dung đến với hành trình nhân ái từ chính năm tháng tuổi thơ đầy khó nhọc. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 chị em ở xã Yên Dương (Hà Trung, Thanh Hóa), bố mẹ làm nông nên cuộc sống khá vất vả.

“Hồi học THCS, bốn chị em tôi ngày nào cũng đi bộ tới lớp dù nhà cách xa trường. Chiếc cặp sách dùng nhiều năm đến cũ kỹ. May mắn sao, thầy cô luôn quan tâm, hỗ trợ sách vở học tập nên những khó khăn của chị em tôi cũng vơi đi phần nào”, cô Dung bùi ngùi nhớ lại.

Sự giúp đỡ của thầy, cô giáo năm xưa đã làm nhịp cầu nối để nhà giáo xứ Thanh đến với hành trình nhân ái đầy ý nghĩa những năm sau này. Tốt nghiệp Trường Đại học Hồng Đức năm 1999, cô Dung về giảng dạy tại Trường THCS Hà Phong (nay là Trường THCS thị trấn Hà Trung).

Đến năm 2007, cô chuyển công tác về Trường THCS Hà Yên (nay là Trường THCS Yên Dương). Đây cũng là nơi chứng kiến những việc làm vì trò nghèo của nhà giáo xứ Thanh.

Quá trình giảng dạy, sát sao với học trò giúp cô Dung có dịp tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh từng em. Ngoài động viên tinh thần, nữ giáo viên còn trích tiền lương hàng tháng mua sách vở, đồ dùng học tập tặng trò nghèo. Có những học sinh được cô Dung hỗ trợ chi phí học tập từ THCS đến THPT và dõi theo suốt những năm tháng đại học sau đó.

“Tôi có suy nghĩ đơn giản sống nghĩa là cống hiến. Vì vậy, ngoài trau dồi về chuyên môn để mang tới tri thức cho học trò thì việc khơi dậy tinh thần nhân đạo cũng có ý nghĩa rất lớn. Bởi, thông qua việc làm nhỏ bé ấy có thể phần nào giảm bớt sự khó khăn của các em!”, cô Dung bộc bạch.

Trường hợp của em Nguyễn Văn Minh (lớp 6A2, Trường THCS Yên Dương) là một điển hình. Từ lúc lọt lòng, cậu đã thiếu vắng tình thương của cha, lên 2 tuổi, em cũng không còn hơi ấm của mẹ. Cậu bé lớn lên trong vòng tay của bà nội già yếu, thường xuyên ốm đau bệnh tật.

Nắm bắt hoàn cảnh của cậu học trò, cô Dung đã trích tiền lương mua tặng em bộ sách giáo khoa trước thềm năm học mới. Ngoài trường hợp của Minh, cô Dung còn mua tặng em Lê Xuân Nguyễn Khang (lớp 8B) một bộ sách giáo khoa, trước khi năm học 2022 - 2023 bắt đầu.

Không chỉ hỗ trợ mua sách vở, đồ dùng học tập, cô Dung còn giúp đỡ chi phí học tập cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Như trường hợp của em Đặng Trung Kiên (lớp 11G, Trường THPT Hà Trung) có bố mắc bệnh hiểm nghèo, thường xuyên phải đi viện điều trị. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh, nữ giáo viên đã hỗ trợ chi phí học tập cho cậu học trò suốt 4 năm học tập tại Trường THCS Yên Dương.

“Khi giúp đỡ ai đó có hoàn cảnh khó khăn, bản thân tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Đặc biệt là khi dõi theo hành trình của các em, được chứng kiến giây phút trò thành đạt và tỏa sáng, tôi có cảm giác vui khó tả”, nữ giáo viên chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Dung - Trường THCS Yên Dương (Hà Trung, Thanh Hóa).

Cô giáo Nguyễn Thị Dung - Trường THCS Yên Dương (Hà Trung, Thanh Hóa).

Khi hoa thơm kết trái

Theo cô Dung, hiện tại có khoảng chục HS được nữ giáo viên hỗ trợ chi phí học tập ở trung tâm tiếng Anh. Mức hỗ trợ trung bình mỗi em khoảng 700.000 đồng/năm. Nhiều HS được nữ giáo viên giúp đỡ năm nào đã trúng tuyển vào các trường đại học. Thậm chí có học trò nay đã tốt nghiệp đại học, việc làm ổn định và thành đạt.

“Tôi có nhiều điều kiện thuận lợi để giúp đỡ trò nghèo, bởi ngoài công việc chính tại trường, còn giảng dạy ở trung tâm tiếng Anh. Vì vậy, tôi chỉ mong sao mình có đủ sức khỏe để tiếp tục hành trình nhân ái, đến gần hơn với trò nghèo”, cô Dung bộc bạch.

22 mùa phượng vĩ gắn bó với học trò, nữ nhà giáo Nguyễn Thị Dung luôn nỗ lực mang tới giờ học đầy hứng thú. Nhờ việc quan tâm, gần gũi với HS đã giúp cô Dung dễ dàng nắm bắt tâm tư nguyện vọng cũng như năng lực của mỗi em. Từ đó có phương pháp giảng dạy phù hợp, mang lại hiệu quả cao.

“Với tiếng Anh, tôi luôn cố gắng đơn giản hóa kiến thức để các em dễ học, dễ ghi nhớ. Đặc biệt là định hướng cho các em về mục tiêu, sau nữa là truyền lửa đam mê, hứng thú học tập để giúp trò đạt được mục tiêu ấy”, cô Dung nói.

Hơn 2 thập kỷ gắn gó với nghề “chèo đò” thầm lặng, đến nay nữ nhà giáo xứ Thanh có khoảng 60 HS đoạt giải các môn văn hóa cấp huyện, tỉnh. Cô Dung cũng đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, nhiều năm vinh dự nhận giấy khen của chủ tịch UBND huyện,...

“Niềm hạnh phúc nhất khi lựa chọn nghề dạy học với tôi là nhận được tình cảm yêu quý của học trò. Sau mỗi khóa “đưa đò” lại được chứng kiến các em trưởng thành và thành công với ước mơ, hoài bão của mình”, nữ giáo viên chia sẻ.

Nhắc tới cô Nguyễn Thị Dung, em Đặng Trung Kiên (lớp 11G, Trường THPT Hà Trung) rưng rưng xúc động: “Em rất cảm động trước sự giúp đỡ của cô trong suốt 4 năm học THCS. Ngoài hỗ trợ chi phí học tập, cô còn mua tặng em sách vở. Đến giờ, cô vẫn dõi theo, động viên em cố gắng vươn lên trong học tập”.

Thầy Tống Đức Như - Hiệu trưởng Trường THCS Yên Dương cho biết, những năm qua cô Nguyễn Thị Dung thường xuyên quan tâm, hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại trường. Ngoài mua tặng sách vở, đồ dùng học tập, cô Dung còn trích tiền lương mua gạo, thực phẩm hỗ trợ trò nghèo. “Việc làm của cô Dung rất ý nghĩa bên cạnh việc dạy chữ, rèn người. Về phía nhà trường, với HS có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cũng miễn giảm các khoản đóng góp, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ kịp thời”, thầy Như nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.