Nhà giáo ưu tú Dương Thị Trúc Bạch: Phải biết chọn lọc cái nào tốt cho học sinh

GD&TĐ - Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng bất kỳ các hoạt động nào của Hội khuyến học TPHCM cô đều có mặt. Đối với cô cống hiến cho sự nghiệp trồng người là niềm đam mê không kể thời gian và tuổi tác. Cô là NGƯT Dương Thị Trúc Bạch – nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM.  

NGƯT Dương Thị Trúc Bạch trao học bổng cho học sinh
NGƯT Dương Thị Trúc Bạch trao học bổng cho học sinh

Câu nói đáng ghi nhớ

Gặp lại nhà giáo Dương Thị Trúc Bạch là gặp lại nụ cười tươi trên khuôn mặt phúc hậu của người phụ nữ giỏi việc trường đảm việc nhà. Thời gian và tuổi tác vẫn không làm mất đi nét tươi tắn, năng động nơi người phụ nữ ở độ tuổi U60. Tên tuổi của cô hầu như gắn liền với thương hiệu của ngôi trường nữ sinh Áo Tím trước đây, đến nay đã hơn 100 năm tuổi.

Đó cũng là tháng ngày cô cống hiến toàn bộ sức trẻ và trí tuệ “cầm cương” của một nữ thủ lĩnh trong một tập thể có nhiều nội lực về các phong trào. Bây giờ dù đã rời xa mái trường nhưng nhiều GV và HS của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai vẫn khắc ghi và nhớ mãi câu nói của cô hiệu trưởng ngày nào: “Điều mong ước của tôi là những người đang dạy, đang làm việc, đang học phải tiếp tục thắp sáng ngọn đuốc truyền thống của ngôi trường 100 năm tuổi để đạt được những kỳ vọng mà thế hệ đi trước đã trao gửi”. Đó chính là câu nói đáng nhớ và ấn tượng nhất của NGƯT Dương Thị Trúc Bạch về một ngôi trường có bề dày lịch sử và có những thành tích trong nhiều năm gần đây mà nhiều thế hệ đã vun đắp nên.

Là một GV về Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai công tác từ những năm mới giải phóng khi tuổi đời còn rất trẻ, cô giáo Dương Thị Trúc Bạch đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho đồng nghiệp và HS qua những tiết dạy truyền cảm và có sức hút đối với người học. Tình thương yêu đối với học trò đã làm nên sức mạnh cống hiến cho cô giáo tràn đầy nhiệt huyết trong công tác chủ nhiệm.

Thế nhưng trong phong trào Đoàn thanh niên lại có một cô giáo Dương Thị Trúc Bạch khác với đức tính xông xáo, sáng tạo và bản lĩnh. Đây cũng là thời kỳ Trường Cấp 3 Nguyễn Thị Minh Khai (lúc đó) có nhiều hoạt động bề nổi về phong trào đoàn với một khí thế và tinh thần của sức trẻ. Thành tích vẻ vang đó ngoài cống hiến của chi đoàn GV và các chi đoàn HS không thể không kể đến công sức đóng góp của nữ Bí thư Đoàn trường với những ngày tháng gian khó.

Đó cũng là thời kỳ khó khăn mà nhà trường phải tìm cách vượt qua. Theo lời kể của cô, thời bao cấp rất khó khăn về kinh tế, nhiều trường phải “cứu mình trước khi trời cứu” nên bung ra làm kinh tế bằng cách cho thuê mặt bằng. Nhưng Trường Cấp 3 Nguyễn Thị Minh Khai dù có bốn mặt tiền đường, BGH vẫn kiên quyết không cắt xén và vẫn giữ nguyên hiện trạng khuôn viên như hiện nay. Bây giờ mọi người vẫn nhớ tới công của cô Trần Thị Tỵ (Hiệu trưởng từ năm 1975 đến 1991) với chủ trương: Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò.

Từ sáng kiến của hiệu trưởng Trần Thị Tỵ mà phong trào làm đồ dùng dạy học của nhà trường được nhân rộng trong các tổ bộ môn. Nhờ vậy mà trong khi những trường khác chỉ “dạy chay” các môn học có liên quan đến thực hành như Lý, Hóa, Sinh… thì học sinh của trường đã được tiếp cận thực hành.

Thành công của sáng kiến này lại làm bệ phóng cho sáng kiến khác. Những tuần lễ bộ môn do nhà trường tổ chức đã mang một sắc thái mới, trong đó học trò sẽ lên thuyết trình, rồi cả tập thể đóng góp. Bằng phương pháp đó, giờ học của trường luôn sinh động, phòng thiết bị luôn đông đúc. Chất lượng dạy và học từ đó cũng được nâng cao trong từng khối lớp.

Người làm nên thương hiệu nhà trường

Từ vai trò thủ lĩnh Đoàn, sau đó NGƯT Dương Thị Trúc Bạch nhận trách nhiệm hiệu trưởng của nhà trường. Nhớ lại ngày tháng đó cô Trúc Bạch chia sẻ: “Năm 1997, tôi làm hiệu trưởng. Thời này bắt đầu hội nhập, tôi được đi tham quan một số nước để tiếp cận nền giáo dục tiên tiến. Sau đó tôi nhận thấy chương trình học như nhau nhưng phải làm thế nào để đổi mới phương pháp dạy và học, trang bị thêm các phương tiện nghe nhìn hiện đại, tổ chức các lớp học tiên tiến để giúp học sinh tiếp thu bài một cách hứng thú, chủ động và đạt hiệu quả tích cực”.

Đây chính là bước đột phá mới của “người cầm lái” một ngôi trường đang trên đà đi lên. Phối hợp và liên kết với nhiều tổ chức GD ở nước ngoài, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai như có thêm những “cánh tay nối dài” trong hội nhập.

“Chúng tôi được Tập đoàn Intel (Mỹ) tổ chức một lớp đào tạo giáo viên dạy theo phương pháp “Dạy học cho tương lai”, áp dụng các phương pháp dạy học tối ưu nhất trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng.

Tiếp đến, Tập đoàn VVOB (Bỉ) và Microsoft (Mỹ) tiếp tục đề nghị trường tham gia dự án học tập khác. Trong đó, tổ vật lý của trường được Tập đoàn VVOB mời tham gia ghi hình một tiết học để làm tư liệu mẫu cho tất cả quốc gia trên thế giới có tham gia dự án.

Giáo viên được cử đi học các phương pháp này khi về đều hướng dẫn lại cho các giáo viên khác. Rồi tất cả học sinh trường cũng được học theo dự án. Học sinh không chỉ ngồi nghe thầy cô giảng bài mà còn làm những dự án từ các môn học. Trong dự án đó đòi hỏi học sinh phải làm việc nhóm, phải đi thực tế để thực hành cho bài học. Chẳng hạn học về trồng hoa lan phải đi tới nơi trồng, học hóa học phải biết làm xà bông… Sau đó học sinh thuyết trình cho bạn bè và thầy cô về dự án của mình, biết tạo trang web cho dự án để quảng bá…

Hầu như các chương trình mới mở thì trường đều được chọn làm thí điểm. Chúng tôi đã tích cực thực hiện trong khả năng và điều kiện của trường để đạt được kết quả tốt nhất. Chẳng hạn thí điểm phân ban lúc đó có ba ban là ban Khoa học tự nhiên, ban Khoa học xã hội và ban Cơ bản. Tuy nhiên, sau khi thí điểm hai năm thì tôi quyết chỉ chọn học ban Cơ bản và các môn nâng cao theo khối thi ĐH, bởi hai ban còn lại không mấy học sinh chọn.

Đến khi triển khai đại trà thì Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai là trường đầu tiên và duy nhất quyết định chỉ học ban Cơ bản. Thời đó, Sở GD&ĐT cũng có ý kiến buộc tôi phải trả lời với Bộ GD&ĐT tại sao lại làm không đúng chỉ đạo. Tuy nhiên, khi Bộ triển khai thì thấy tôi làm đúng hướng. Đấy là quyền, bản lĩnh của mình. Mình phải biết lựa chọn cái nào là tốt cho học sinh chứ không cứ cái gì dội xuống thì chấp hành một cách máy móc. Không thể dàn hàng ngang để tiến được” - NGƯT Trúc Bạch kể lại.

Cũng giống như các nhà giáo tâm huyết khác, sau khi nghỉ hưu, để góp thêm sức mình cho phong trào xây dựng một xã hội học tập NGƯT Dương Thị Trúc Bạch tình nguyện tham gia Hội khuyến học TPHCM. Đó cũng là cách giúp cho những HSSV nghèo hiếu học có thêm cơ hội nâng cao học thức, đứng vào đội ngũ tri thức trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ