Nhà giáo Nhứt Dũng - Kim Loan: Cùng nhìn về một hướng

GD&TĐ - Không chỉ là hai nhà giáo được bao lứa học trò yêu kính, đôi vợ chồng nhà giáo Phan Nhứt Dũng và Nguyễn Kim Loan (Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM) còn là đôi vợ chồng cùng chung chí hướng trong công tác đào tạo và nuôi dạy con cái nên người.

Nhà giáo Nhứt Dũng - Kim Loan
Nhà giáo Nhứt Dũng - Kim Loan

Hai nhà giáo mẫu mực

Nhứt Dũng - Kim Loan cùng lớn lên và trưởng thành từ Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM). Họ là thầy của nhiều nhạc công và diễn viên cải lương trẻ, có thâm niên với hơn 30 năm gắn bó với nghề, liên tục đào tạo thế hệ kế thừa cho loại hình nghệ thuật dân tộc.

Nhà giáo, nhạc sĩ Nhứt Dũng đến với nghệ thuật, cũng như nghề sư phạm khá suôn sẻ. Trước tiên, ông hấp thụ dòng huyết thống “cha truyền con nối”, với thân phụ là Nghệ nhân dân gian Tám Nhứt - người thầy nhạc Lễ nổi tiếng từ Cần Đước - Long An. Nhứt Dũng sinh ra tại Sài Gòn (năm 1963), nhưng từ năm 13 tuổi, ông lại học nhạc Lễ (bộ gõ và kèn) từ cái nôi truyền thống của quê cha đến 5 năm.

Kế đó, ông được vào Trường Nghệ thuật Sân khấu II học Nhạc cụ dân tộc (1979-1984), sau đó được trường giữ lại phụ giảng một năm. Từ năm 1985, ông công tác tại Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM cho đến nay. Hiện ông là Trưởng khoa Kịch hát dân tộc).

Hơn 30 năm qua, nhạc sĩ Nhứt Dũng tham gia giảng dạy rất nhiều khóa đào tạo nhạc công, với chuyên môn bộ gõ, đờn Cò và ký xướng âm. Đã có hàng trăm học trò của ông tốt nghiệp ra trường (học viên nhạc công mỗi khóa rất ít so với diễn viên), trong đó có nhiều nhạc công đã về phục vụ tích cực cho địa phương mình.

Bên cạnh đó là những đóng góp đáng kể, ông thường xuyên có mặt ở các phong trào từ các đơn vị cơ sở ở TPHCM cũng như nhiều tỉnh, tham gia các lễ hội lớn, đem lại nhiều giải thưởng cao... Hiện nay, ông còn là chủ nhiệm CLB Đờn ca Tài tử - Cải lương của Cung Văn hóa Lao động - TPHCM, đã đào tạo rất nhiều học trò đam mê âm nhạc dân tộc.

Ông đã được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa quần chúng, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp Công đoàn.

Nhà giáo Kim Loan sinh năm 1960 ở Giồng Trôm - Bến Tre nhưng lớn lên ở TPHCM, trong gia đình sáu anh chị em, chỉ duy nhất mình bà theo nghệ thuật. Bà học Khoa diễn viên Cải lương- Trường Nghệ thuật Sân khấu II (1978-1983).

Sau khi tốt nghiệp, bà theo trợ giảng cho đoàn Nghệ thuật Hoa Phượng Đỏ (TPHCM) một năm, rồi trở về Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM giảng dạy từ năm 1985 cho đến nay. Bà đã được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục và Huy chương Vì sự nghiệp Công đoàn.

Hơn 30 năm qua, nhà giáo Kim Loan tham gia giảng dạy cả ngàn học trò là diễn viên cải lương, về kỹ thuật ca ngâm các nhịp thức bài bản. Hầu hết các giọng ca đang được khán giả ái mộ, như Lê Tứ, Hà Như, Thy Trang, Thy Phương, Hải Long, Đào Thị Hồng Thắm, Lê Hồng Thắm, Trung Thảo, Vũ Tình và nhiều đào kép trẻ ở đoàn nghệ thuật các tỉnh đều là học trò của bà.

NS Kim Loan còn mở lớp dạy ca tài tử cải lương tại nhà vào những buổi tối. Ngoài ra, bà còn được nhiều nơi mời giảng dạy cho những lớp phong trào ngắn hạn, cho nên học trò của NS Kim Loan rất đông, từ Huế đến tận Cà Mau.

Mấy năm gần đây, bà còn tham gia dạy ca trên sóng phát thanh của Đài TNND TPHCM và Đài PTTH Bình Dương, chương trình này rất được bạn nghe Đài quan tâm, nhất là đối tượng ở nông thôn.

Nhà giáo Nhứt Dũng - Kim Loan cùng các học trò

Nhà giáo Nhứt Dũng - Kim Loan cùng các học trò

Đôi bạn đời tri kỷ

Ngôi nhà của nhà giáo Nhứt Dũng - Kim Loan rất ấm áp và tràn ngập tiếng cười. Ông cho biết: “Trong nhà ai cũng có công việc riêng, chỉ có bữa cơm tối là tập hợp đông đủ, vừa ăn vừa kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn xảy ra trong ngày. Trong mỗi con người, hạnh phúc nhất là có một gia đình êm ấm, các con thành đạt. Chúng tôi may mắn có được điều đó. Tuy nhiên, hạnh phúc không phải tự dưng mà có, phải biết tạo ra và cố gắng giữ lấy nó…”.

Nhà giáo Nhứt Dũng - Kim Loan yêu nhau và cưới nhau từ mái trường nghệ thuật. Biết ông xã ham học nên bà Kim Loan luôn khuyến khích, động viên ông học nâng cao. Bà cho biết: “Vợ chồng ai cũng có những lúc bất đồng, nhưng tôi và ông xã thì luôn tranh luận trong sự hòa bình”.

Trong sự thành đạt của nhà giáo Kim Loan, nhất là khâu đào tạo học trò thì không thể không nhắc đến sự hỗ trợ đắc lực của ông xã Nhứt Dũng. Và khi dàn dựng chương trình cho phong trào ở cơ sở, cũng như công tác thực hành cho các học trò của Nhứt Dũng thì Kim Loan là người trợ lý đắc lực.

Họ là một đôi bạn đời - bạn nghề tâm đầu ý hợp cùng gắn bó bên nhau, cùng đồng hành trên con đường nghệ thuật sư phạm. Ước mơ của hai người như một, mong muốn được đào tạo nhiều học trò hơn nữa để lực lượng của loại hình nghệ thuật dân tộc ngày càng hùng mạnh hơn. Ý tưởng sáng tạo phương pháp giảng dạy mới, phong cách diễn tấu nhạc cụ, cũng như kỹ thuật ca ngâm mới hơn, sinh động hơn thì hai người thầy này cũng đã chuẩn bị và tương lai đang hứa hẹn...

Nói về nghề, hai nhà giáo Nhứt Dũng - Kim Loan chia sẻ: “Theo chúng tôi, nghề giáo luôn là một nghề cao quý, được mọi người kính trọng. Để gắn bó với nghề giáo, đòi hỏi chúng ta phải có trái tim nhân ái và sự yêu thương, đó cũng chính là động lực giúp chúng tôi yêu nghề và gắn bó với nghề”.

Hơn 30 năm theo nghề giáo, Nhứt Dũng - Kim Loan là hai người thầy rất nghiêm khắc, khó tính nhưng rất yêu thương học trò, không la mắng nhiều. Có lẽ chính điều đó mà nhiều học trò khi ra trường đều không quên được thầy cô.

“Trong công tác giảng dạy, bí quyết của chúng tôi là luôn luôn công bằng và minh bạch. Chúng tôi mong kiếp sau vẫn được làm nhà giáo, dù nghề này không giúp cho chúng tôi làm giàu nhưng có được niềm vui của người gieo trồng…” - Nhứt Dũng - Kim Loan chia sẻ như thế!

Đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Sân khấu II, cho biết: “Với chặng đường hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, Kim Loan rất tâm huyết với sự nghiệp ươm mầm tài năng cho sân khấu cải lương. Học trò cô có nhiều người thành danh, đoạt nhiều giải thưởng uy tín về sân khấu. Chính tôi là người đã động viên Loan sau khi học xong khóa Trung cấp diễn viên cải lương, rồi khóa Cao đẳng đạo diễn, ở lại trường tiếp tục học lên Đại học, sau đó đứng trên bục giảng, truyền nghề lại cho thế hệ trẻ.

Học trò của Loan ca hay, đoạt giải cao tại hầu hết các cuộc thi tuyển chọn giọng ca cổ hằng năm của các đài phát thanh, đài truyền hình như: Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ, giải thưởng Cao Văn Lầu - Bạc Liêu, giải thưởng Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền - Cần Thơ, giải thưởng NSND Út Trà Ôn - Vĩnh Long, giải thưởng NSND Năm Châu - Tiền Giang…”.

Nhà giáo nhân dân Hà Quang Văn - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM là người đã tạo cơ hội để Nhứt Dũng và các học trò đem cổ nhạc và Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam giao lưu văn hóa với các nước Nhật, Hàn Quốc, Pháp. “Tôi mong sao Nhứt Dũng tổng hợp nhiều cách thể hiện nhạc cụ trống bồng thành tiết mục giao lưu văn hóa với các nước, để làm sống lại nhạc cụ dân tộc này”, ông nói.

Nhà giáo Nhứt Dũng - Kim Loan cho biết: “Tôi nghĩ âm nhạc cổ truyền sẽ không mất, vì đó là ngôn ngữ, là tiếng nói của dân tộc. Chí ít nhạc Lễ vẫn sẽ tồn tại trong những sinh hoạt tâm linh của người Việt. Nhưng đúng là không gian sống của nhạc Lễ nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung đang bị thu hẹp dần. Điều tôi rất lo lắng là khi những bậc trưởng bối qua đời, không biết ai đủ tâm huyết, năng lực để giới thiệu cái hay, cái đẹp của âm nhạc cổ truyền cho những thế hệ đi sau. Nếu không hiểu thì giới trẻ làm sao thích, làm sao có ý thức giữ gìn? Sở dĩ nhạc Lễ được đón nhận nồng nhiệt ở nước ngoài là nhờ GS-TS Trần Văn Khê trước mỗi tiết mục biểu diễn đều có diễn giải xuất xứ, ý nghĩa của từng loại hình âm nhạc dân tộc cho khán giả nước ngoài hiểu hơn về văn hóa cổ truyền của Việt Nam”.

Hỏi nhà giáo Nhứt Dũng : “Gia đình ông vốn có truyền thống nghệ thuật, vậy ông có hướng con mình theo nghiệp của cha mẹ?”, ông cho biết: “Thú thật là không. Cảm nhận của tôi là ngày xưa khác thời đại bây giờ. Lối sống cha mẹ đặt đâu con ngồi đó không còn phù hợp, lỡ con mình không đam mê như mình thì sao nỡ ép uổng. Khi con cái vừa học xong cấp THPT, tôi đã hỏi ngay ‘Giờ con muốn gì?’ để cho con quyết định và tự có trách nhiệm về con đường lựa chọn của mình. Không như hồi xưa, ông nội tôi không cho theo học nhạc Lễ, rồi khi ông mất đi, cha tôi lại hướng tôi vào con đường đó, nhưng dẫu sao cũng là vì tôi có đam mê, còn xã hội bây giờ khác rồi! Giá như âm nhạc truyền thống vẫn còn ở thời kỳ vàng son thì tình thế đã khác vì con mình sẽ thích nghề nghiệp của bố mẹ làm. Nếu nhìn thấy bố mẹ nghệ sĩ hằng ngày đi diễn, được trọng vọng thì chắc hẳn con mình sẽ tự động đi theo mà không cần thúc ép, như chính tôi ngày xưa từng rất thích nghiệp của cha nên mới học theo. Còn thời bây giờ, đâu phải lúc nào cũng có chương trình hay sân khấu để biểu diễn, con cái nhìn thấy bố mẹ mình khổ thế thì làm sao thích thú mà dám theo đuổi…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ