Với chúng tôi, ông là người cha kính mến, là tấm gương vươn lên, tự học để thành người có đóng góp cho xã hội.
Từ “cậu bé nhà quê” tới nhà giáo nổi tiếng
Cha tôi sinh ngày 14/6/1906 trong một gia đình nhà nông nghèo, hiếu học ở làng Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Cha tôi là con thứ 17 và là con út trong nhà. Gia đình nghèo, nên từ nhỏ ông đã luôn có ý chí nỗ lực vươn lên.
Trong Hồi ký để lại, cha tôi kể: “Nhà rất nghèo lại không có ruộng đất gì trong một miền bạc điền, thường xuyên bị hạn hán, bố mẹ mất sớm, bốn anh em nheo nhóc, bố tôi đành phải bỏ làng ra đi tha phương cầu thực”... Cha tôi may mắn được một người anh họ, vì nhận thấy tư chất cậu bé Lân thông minh và hiếu học nên được đưa ra Hải Phòng nuôi cho ăn học.
Sau này khi thi vào trường Bưởi, cha tôi đã nhận được học bổng toàn phần. Năm 1925 hồi đó khi còn là học sinh trung học, cha tôi đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên “Cậu bé nhà quê”.
Đó là một phần tự truyện về thời thơ ấu của cha tôi. Nhà văn Nguyễn Khải đánh giá cha tôi là một trong những người đầu tiên viết tiểu thuyết ở Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết này về sau được dịch sang tiếng Pháp và đến năm 1934 được xác định dùng làm sách giáo khoa cho học sinh.
Sau đó, cha tôi còn viết các tiểu thuyết “Khói hương” (1935), “Ngược dòng” (1936), “Hai ngả” (1938) và các truyện ngắn như: “Ai khốn nạn”, “Tiếng Vàng”, “Ngoài khơi”... Không chỉ vậy, ông còn viết sách nghiên cứu, tiêu biểu như “Nguyễn Trường Tộ”, “Khảo thích truyện trê cóc”…
Cha tôi tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương năm 1932. Từ đó, cha tôi gắn bó cả cuộc đời mình với sự nghiệp trồng người và sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
“Cậu bé nhà quê” thời đó về sau đã trở thành một nhà giáo nổi tiếng có công đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh. Ông trở thành một nhà quản lý giáo dục, trở thành một nhà nghiên cứu với 42 cuốn sách đã xuất bản, trong đó có nhiều cuốn từ điển có giá trị.
Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, cha tôi làm nhiệm vụ quản lý giáo dục ở Liên khu X và sau đó là ở Liên khu Việt Bắc. Với số lương tính bằng thóc hết sức ít ỏi cha tôi chỉ có thể trích một phần rất nhỏ để tự mình rong ruổi bằng xe đạp đến khắp các tỉnh trên Việt Bắc nhằm chỉ đạo việc phát triển giáo dục trung tiểu học.
Cha tôi còn tự viết sách giáo khoa Ngữ pháp Việt Nam cho các cấp học, tự biên soạn Từ điển chính tả để dùng cho thầy trò các trường, tự soạn lấy đề thi trên cơ sở các đề do các trường gửi về rồi tự tay đánh máy và niêm phong các đề thi này...
Có thể nói trong khói lửa chiến tranh và vượt qua muôn ngàn khó khăn cha tôi đã dốc hết tâm lực xây dựng ngành Giáo dục phổ thông trong địa bàn rộng lớn được giao phó và đã đạt kết quả rất tốt.
Niềm vinh dự to lớn mà cha tôi được tiếp nhận đó là Thư khen của Bác Hồ với lời khen về “Một Giám đốc có tài” cùng với một bộ quần áo lụa màu nâu gụ bên trong có thêu dòng chữ “Chúng cháu kính dâng Bác Hồ”. Những phần thưởng cao quý này cha tôi đã trao tặng lại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trước khi nghỉ hưu.
Cho đến gần cuối đời cha tôi luôn rất khỏe mạnh nhờ nghiêm túc và điều độ trong sinh hoạt, không hề uống rượu, hút thuốc, tự nghĩ cho mình một bài tập thể dục và không sáng nào không thực hiện bài tập ấy, sau đó tắm nước lạnh, kể cả những tháng lạnh giá nhất của mùa đông.
Sự nghiệp của cha, dấu ấn của mẹ
Cách đây 30 năm, trước nỗi đau mất mẹ tôi và chị Tề Chỉnh, chúng tôi tưởng chừng cha không thể gượng dậy được. May mắn thay, cuốn “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, một công trình mà cha tôi đã nung nấu từ lâu đã giữ được cụ ở lại với đàn con. Tình yêu và nghị lực đã giúp cụ hoàn thành cuốn từ điển dày dặn này khi đã 95 tuổi.
Tôi nghĩ, sự thành công của cha tôi có sự đóng góp không nhỏ của mẹ tôi: Cụ bà Nguyễn Thị Tề - người mà cha tôi suốt đời hết mực thủy chung, suốt đời yêu thương, suốt đời chia sẻ ngọt bùi, người đã chung sức cùng cha tôi động viên, giáo dục cả một đàn con cháu đông đúc.
Mẹ tôi là con gái yêu của nhà doanh nghiệp Nguyễn Hữu Tiệp, người giàu nhất nhì Bắc Bộ thời bấy giờ và là người cùng gia đình ông Trịnh Văn Bô có đóng góp nhiều nhất trong “Tuần lễ vàng”. Mối duyên của nhà giáo Nguyễn Lân và bà Nguyễn Thị Tề là sự sắp đặt của số phận.
Tôi nghe kể lại: Năm 28 tuổi, nhà giáo Nguyễn Lân nhận lời làm phù rể cho bạn là ông Chử Ngọc Liễn lấy con gái đầu của ông Nguyễn Hữu Hoan, con cả cụ Nguyễn Hữu Tiệp. Tại bữa tiệc lớn trong cư dinh đồ sộ của cụ Tiệp, người ta xếp Nguyễn Lân ngồi trước mặt phù dâu, chính là Nguyễn Thị Tề - cô ruột của cô dâu, 17 tuổi.
Qua tìm hiểu, Nguyễn Lân biết được cô Tề học ở Trường Xơ Sainte Marie ở Hà Nội và bắt chuyện với phù dâu bằng tiếng Pháp. Cô Tề đã trả lời thông thạo nhưng chỉ cúi mặt không nhìn người hỏi. Ít lâu sau, Trường Sainte Marie mở cuộc họp chợ phiên, Nguyễn Lân đến tham dự và nhìn thấy cô Tề đứng trên sân khấu hát đồng ca…
Cha tôi đã “phải lòng” mẹ tôi như thế. Nhưng còn thêm một chi tiết nữa: Thật may mắn, lúc đó có người em của cô Tề là Nguyễn Hữu Vương, là học sinh của Nguyễn Lân. Ông giáo đã “liều” gửi một bức thư cho cụ Nguyễn Hữu Tiệp xin được làm rể cụ. Vài hôm sau, Nguyễn Lân nhận được một danh thiếp do cụ Tiệp mời đến nhà ăn cơm.
Trong bữa cơm không có cô Tề tham dự. Cụ Tiệp hỏi bao nhiêu chuyện nhà, chuyện xã hội nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến việc thỉnh cầu xin được lấy con gái cụ. Đến cuối buổi, ông giáo Nguyễn Lân lúc ấy nhắc lại lời thỉnh cầu.
Cụ Tiệp bảo: “Trước đây tôi chưa biết ông. Từ lúc ông đến đây và sau khi ông nói chuyện, tôi biết ông là một người có học thức và đứng đắn, theo ý tôi, tôi đồng ý. Nhưng còn một điều quan trọng nữa, là em nó có đồng ý hay không chứ!”. Hai hôm sau, ông giáo hỏi lại cậu Vương thì biết rằng, cô Tề đã trả lời cha mình: “Thầy mẹ đặt đâu con ngồi đấy ạ!”. Thế rồi, đám cưới diễn ra.
Từ một cô gái con nhà giàu, lấy ông giáo nghèo Nguyễn Lân, mẹ tôi sau đó đã từ giã cuộc sống nhung lụa để vào Huế với cha tôi và về sau là hai cuộc kháng chiến trường kỳ vất vả đủ đường.
Sau này, khi bố tôi được phân công làm Giám đốc Giáo dục Liên khu Việt Bắc thì lương cũng chỉ được 53 kg gạo. Mỗi tháng ông đi nơi này nơi khác công tác, cũng phải mang đi 20 kg, còn để lại cho vợ 33 kg để nuôi các con.
Với 33 kg gạo và 6 người con (5 trai, 1 gái) gồm Nguyễn Lân Tuất, Nguyễn Tề Chỉnh, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Cường, Nguyễn Lân Hùng, Nguyễn Lân Tráng thì ăn cháo cũng không đủ.
Nuôi đàn con trong những năm tháng ấy đâu có đơn giản. Trong kháng chiến chống Pháp, khi gia đình tản cư ở Thái Nguyên, mẹ tôi đã phải đón những người tản cư từ Hà Nội lên để mua những tấm áo rét. Sau đó, mẹ và chị tôi gánh vào sát chân núi, bán cho đồng bào dân tộc Trại.
Bà con nghèo, không có tiền, họ đổi thóc lấy áo rét. Mẹ và chị tôi gánh thóc về, xay xát, giần sàng. Mẹ tôi bảo, tiền lãi chỉ vẻn vẹn ở chỗ cám. Có lần, bà bị sốt rét nằm liệt trong hai tháng, tay chi chít mũi tiêm, phải chịu những nỗi vất vả mà có lẽ trước khi lấy chồng, một người con gái lá ngọc cành vàng như bà chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra.
Tấm gương tự học
Đến năm 1951, Hồ Chủ tịch liên hệ với Chính phủ Trung Quốc cho lập một khu học xá ở Nam Ninh (Quảng Tây), nhằm đào tạo nhân tài cho tương lai. Nhà giáo Nguyễn Lân được mời sang giảng dạy và được phép đưa cả gia đình sang sống cùng. Tại đó, hai cụ sinh thêm hai người con đặt tên Nguyễn Lân Việt, Nguyễn Lân Trung.
Đến năm 1956, cả gia đình về nước, nhà giáo Nguyễn Lân về dạy tại Trường Đại học Sư phạm. Cuộc sống vẫn chồng chất khó khăn, lúc này, bà Tề nhận của Mậu dịch từng tải đường về đóng thành từng gói nhỏ bán để lấy tiền lãi nuôi con.
Bây giờ, cha tôi đã đi xa 18 năm. Tôi học được ở cha tôi tinh thần tự học, dám nghĩ dám làm. Thực ra cha tôi chỉ học Cao đẳng Sư phạm, nhưng ông đã vượt lên, viết nhiều tác phẩm. Tôi rất vui vì mới đây có nhà xuất bản đã in lại cuốn “Những trang sử vẻ vang”. Đó là cuốn sách cha tôi viết năm 38 tuổi.
Trong cuộc sống, cha tôi là người sinh hoạt điều độ. Hơn 50 năm liên tục cụ đã tạo riêng cho mình và thực hiện đều đặn một bài tập kéo dài 2 giờ mỗi buổi sáng để tự rèn luyện thể lực và trí lực.
Không có sự rèn luyện khoa học và kiên trì như vậy thì làm sao một “cậu bé nhà quê”, là con của một bà mẹ nghèo, vốn sinh ra rất yếu ớt lại có thể sống khỏe mạnh, không có bệnh tật gì cho đến 98 tuổi. Cuối đời, cha tôi vẫn thường vui vẻ nói: “Tôi có hai điều hạnh phúc lớn. Một là, các con đều ngoan và có ích cho xã hội; Hai là, cho đến nay tôi vẫn không có bệnh tật gì”.
Nhưng bệnh ung thư tai ác nào có từ ai! Cha tôi đã phải vĩnh viễn xa lìa gia đình, các bạn bè và biết bao học trò yêu quý vào lúc 13 giờ 43 phút ngày 7/8/2003. Ông ra đi thanh thản và nhẹ nhàng, nhưng để lại một khoảng trống quá lớn trong lòng mỗi chúng tôi, một khoảng trống không gì có thể bù đắp nổi.
Chúng tôi vô cùng tự hào về gia tài tinh thần mà cha tôi đã để lại. Đó là tấm gương về lòng tin, tin ở chính mình, tin ở sự nghiệp vẻ vang của dân tộc, tin ở lẽ phải, ở chính nghĩa, tin ở tất cả những người lương thiện sống quanh ta.
Đó là tấm gương về lòng hiếu học và ý chí phấn đấu học tập suốt đời để không ngừng làm giàu kiến thức cho mình và dùng kiến thức ấy để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đó là tấm lòng nhân ái, yêu đời, yêu người, vị tha, khoan dung dành cho những người sống quanh mình.
Năm 2013, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của cha tôi, các con cháu của cụ lại vô cùng biết ơn khi Hội đồng Nhân dân Hà Nội đã quyết định dành một con phố dài 2.000m tại nội thành Thủ đô mang tên Nguyễn Lân. Lại có thêm tại Hà Nội Trường Trung học cơ sở Nguyễn Lân. Ở quê nhà cũng đã có đường phố Nguyễn Lân.
Từ một cậu bé lớn lên trong hoàn cảnh “nhà rất nghèo”, “bố mẹ mất sớm”, “bốn anh em nheo nhóc...” như cha tôi viết trong Hồi ký, nhưng với lòng hiếu học và với một quyết tâm mạnh mẽ cha tôi đã vươn lên, đã gắn mình với sự nghiệp trồng người, cùng với một nhân cách được mọi người quý mến.
Trước tấm gương của cha tôi, tám anh chị em chúng tôi, các dâu rể, các cháu ở thế hệ thứ ba và thứ tư đều phấn đấu học tập, công tác và cố gắng xứng đáng với tên Nguyễn Lân mà các con cháu trai đều lưu giữ trong tên của mình. Chúng tôi không coi học hàm, học vị là những tiêu chí quan trọng nhất, nhưng trong thế hệ thứ hai (kể cả dâu rể) đã có 12 Tiến sĩ, 4 Giáo sư, 5 Phó Giáo sư.
Thế hệ thứ ba (cả dâu rể) đã có 6 Tiến sĩ và 3 Phó Giáo sư. Thế hệ thứ tư tuy còn trẻ nhưng đã có những cháu dạy đại học hoặc đang lưu học tại nước ngoài và nói chung đều chăm ngoan và học giỏi.
Nhiều người nói đến tính di truyền, nhưng thật ra cho đến nay người ta mới chỉ xác nhận di truyền về hình thái và bệnh tật, hơn nữa như cha tôi kể lại thì ông bà nội chúng tôi còn không biết chữ cơ mà.
Sự phấn đấu theo tấm gương hiếu học của cha chúng tôi, cùng với tấm gương đôn hậu, chịu thương, chịu khó của mẹ chúng tôi đã khiến chúng tôi luôn cố gắng phát huy truyền thống hiếu học để có thể trở thành những công dân tốt, những cán bộ khoa học có đóng góp hết mình cho xã hội.