(GD&TĐ) - Tôi là sinh viên Khoa Toán – Đại học Sư phạm Huế, khóa Huỳnh Thúc Kháng (1970-1974). Thời kì đó các trường Đại học Sư phạm (ĐHSP), Đại học Văn khoa, Đại học Khoa học (ĐHKH) nằm trong hệ thống Viện Đại học Huế, rất gắn kết, phối hợp với nhau trong đào tạo. Hồi đó sách, giáo trình Toán Đại học bằng tiếng Việt ở miền Nam chưa có, chúng tôi phải học ở các cuốn sách của các Giáo sư Toán nổi tiếng thế giới như Dieudonnée, Henri Cartan, Godement,... bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Mãi đến năm 1973 - 1974 ĐHKH Huế mời thêm một số giáo sư trẻ mới tốt nghiệp Master hoặc PhD. về dạy, khi đó chúng tôi mới bắt đầu được học một số giáo trình Toán bằng tiếng Việt.
Kinh nghiệm từ thực tiễn
Ra trường năm 1974, tôi đỗ thủ khoa toàn khóa Huỳnh Thúc Kháng, được Trường ĐHSP đề nghị với Bộ Giáo dục giữ tôi lại trường Trung học Kiểu Mẫu Huế. Đây là trường hợp đầu tiên mới ra trường được giữ lại Kiểu Mẫu Huế, các giáo viên khác phải ra trường dạy ít nhất hai năm mới được xét tuyển về trường Kiểu Mẫu. Tôi thật may mắn được tiếp cận với một môi trường sư phạm thực hành thời đó với những mục tiêu hết sức cụ thể.
Trước khi nghỉ hưu đã có 30 năm giảng dạy Toán trung học, trong đó có một số năm vừa dạy Toán vừa dạy Tin học và 7 năm làm chuyên viên chỉ đạo môn Toán ở Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế, được tiếp xúc với nhiều chương trình giảng dạy Toán ở bậc trung học: chương trình mô phỏng chương trình của Pháp hồi còn học ở trung học, chương trình toán trung học của Pháp đưa tân toán học theo mô hình nhóm Bourbaki ở Pháp (dạy ở Trường Kiểu Mẫu), chương trình phân ban sau giải phóng tương tự chương trình trước 1975, chương trình cải cách không còn phân ban, rồi chương trình thí điểm phân ban hai đợt sau này, rồi chương trình “cải lương” như hiện nay.
Tôi cũng được tham gia nhiều hội thảo, nhiều đợt tập huấn về thay sách giáo khoa, về đổi mới phương pháp dạy học,... mới thấy rằng thế giới người ta thay đổi nhiều trong dạy học nói chung và trong dạy Toán nói riêng, nhưng chúng ta vẫn còn loay hoay trong luồng tư duy cũ, thay đổi một cách chắp vá, chương trình dạy học Toán ở trường phổ thông vẫn còn nặng về tính hàn lâm, thiếu thực tiễn cuộc sống, bắt tất cả HS đều phải học cùng một chương trình giống nhau là điều không hợp lí.
Vận dụng nhiều phương pháp giáo dục
Về phương pháp dạy và học Toán, các nước tiên tiến và ngay các nước ở quanh ta như Thái Lan, Singapore, Malaysia,... họ đã thay đổi nhiều, giáo viên được đào tạo để đổi mới phương pháp dạy toán theo định hướng tích cực hóa trong học tập của học sinh, vận dụng các phương pháp dạy học toán tiên tiến phù hợp với xu thế chung trên thế giới, đưa Toán học vận dụng vào thực tế. Chúng ta hãy xem một số đề thi Olympic Toán Châu Á - Thái Bình Dương (APMOS) dành cho học sinh lớp 6, 7 cũng như các đề toán PISA thì sẽ thấy chúng ta còn chậm đổi mới.
Tôi có 7 năm làm chuyên viên chỉ đạo Toán ở Sở GD&ĐT, được nghiên cứu, tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học, được dự nhiều giờ dạy Toán của giáo viên trung học, đã nhận thấy một điều là phần lớn giáo viên chúng ta có xu hướng dạy theo lối cũ, nặng về thuyết trình, đọc chép, ít chịu khó đổi mới phương pháp dạy học; kỹ năng sư phạm của giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động cho học sinh học tích cực, tự học còn yếu, ít nghĩ ra được các tình huống sư phạm đắt giá để làm cho tiết dạy hấp dẫn, tạo cơ hội cho học sinh học tích cực hơn. Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển chóng mặt, nhiều phần mềm dạy và học Toán hỗ trợ cho dạy và học Toán rất hiệu quả. Bản thân tôi đã nghiên cứu một số phần mềm dạy học Toán và đã xuất bản được một số sách hướng dẫn sử dụng theo định hướng tạo kỹ năng sư phạm trong dạy Toán, đã được nhiều giáo viên Toán ở Huế cũng như ở nhiều tỉnh/thành khác hưởng ứng. Tuy nhiên, nếu người thầy không có kỹ năng sư phạm thì sử dụng các công cụ hiện đại cũng mang tính hình thức, không đạt hiệu quả trong giảng dạy.
Thay đổi trong đào tạo giáo viên
Từ những thực tế và kinh nghiệm đã nêu, tôi luôn trăn trở, mong muốn có sự thay đổi trong đào tạo giáo viên nói chung và giáo viên Toán nói riêng, trong nhiều hội nghị, hội thảo của Bộ GD&ĐT, của trường ĐHSP Huế tôi đã nói lên những suy nghĩ của mình đó là cần tăng cường tỉ lệ dạy nghề sư phạm cho sinh viên sư phạm. Hiện nay theo tôi các học phần về đào tạo nghề sư phạm cho sinh viên còn khiêm tốn: năm thứ ba có 3 tuần kiến tập, năm thứ tư có 4 tuần thực tập là quá ít, sinh viên sư phạm khi về thực tập tại trường trung học còn lúng túng trong soạn giáo án, ít có suy nghĩ sáng tạo về các tình huống sư phạm khi thiết kế tiết dạy. Ở Thái Lan để đào tạo giáo viên, sau khi tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành phải học thêm một năm chuyên về nghề sư phạm mới ra làm giáo viên.
Hiện nay theo tôi các học phần về đào tạo nghề sư phạm cho sinh viên còn khiêm tốn: năm thứ ba có 3 tuần kiến tập, năm thứ tư có 4 tuần thực tập là quá ít. |
Thiết nghĩ cần tăng thực hành kỹ năng sư phạm cho sinh viên, mời các giáo viên giỏi có kinh nghiệm ở trường trung học cùng với sinh viên hướng dẫn thực hành soạn, trao đổi, thảo luận nhiều tiết dạy Toán trong chương trình hiện hành, từ nội dung một tiết dạy, sinh viên cần thiết kế các hoạt động như thế nào; tạo các tình huống sư phạm đắt giá như thế nào để phát huy tính tích cực trong học tập; đặt các câu hỏi phát vấn như thế nào, câu hỏi mở ra sao để động não học sinh; ứng dụng phần mềm dạy học động như thế nào, ở thời điểm nào là thích hợp có hiệu quả; tổ chức hoạt động học nhóm như thế nào, thời điểm nào trong tiết dạy để đạt hiệu quả?... Muốn được điều này, ngoài mời một số giáo viên giỏi ở trung học, cỗ máy cái là khoa Toán cũng cần tăng cường cho đi đào tạo ở trong và ngoài nước đội ngũ giảng viên về giáo học pháp, về phương pháp dạy học (Didactique).
Đội ngũ giảng viên phương pháp có nhiều và mạnh mới mong đào tạo nghề dạy học cho sinh viên sư phạm Toán ngày càng có chất lượng hơn, đón đầu cho đợt thay đổi chương trình và sách giáo khoa sẽ thực hiện sau năm 2015, theo tôi được biết sẽ tinh giảm nhiều theo xu hướng chung của thế giới, theo dự kiến sẽ học bắt buộc một số ít môn, còn lại là tự chọn,...
NGƯT Trần Dư Sinh