Nhà giáo đổi mới sáng tạo, dạy học tốt trên quê hương Trạng Nguyên Nguyễn Hiền

GD&TĐ - Trên đà phát triển của nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, ngành GD&ĐT huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã có nhiều đóng góp, tạo sự đổi thay tích cực.

Nhà giáo đổi mới sáng tạo, dạy học tốt trên quê hương Trạng Nguyên Nguyễn Hiền.
Nhà giáo đổi mới sáng tạo, dạy học tốt trên quê hương Trạng Nguyên Nguyễn Hiền.

Giáo dục góp phần đổi thay ở vùng NTM

Ngày 1/2/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã ký ban hành các Quyết định số 298/QĐ-UBND và 299/QĐ-UBND công nhận 7 xã thuộc các huyện Giao Thủy, Nam Trực đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao và kiểu mẫu. Trước đó, năm 2018 Nam Trực đã đạt chuẩn NTM, với 19/19 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Trưởng thành từ giáo viên rồi làm công tác quản lý, cô giáo Phạm Thị Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền (Nam Trực) hiểu vai trò của giáo dục trong xây dựng NTM.

Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện Nam Trực về thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo,đã đặt ra cho ngành giáo dục và đặc biệt là những thầy cô giáo đứng lớp nhiều việc phải làm. Hơn ai hết chính họ với vai trò thực hiện sứ mệnh trồng người của mình sẽ góp sức xây dựng quê hương Nam Trực ngày càng giàu đẹp trở thành vùng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Năng động, sáng tạo, tràn đầy năng lượng tích cực và tự tin - đó là cô giáo Phạm Thị Ngọc của Trường THCS Nguyễn Hiền

Cô Ngọc tâm sự: Trưởng thành từ giáo viên đứng lớp, năm 2014 tôi được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THCS Nguyễn Hiền, đồng thời trực tiếp giảng dạy môn Hóa học lớp 8 và lớp 9; bồi dưỡng HSG Hóa học lớp 8 và lớp 9 dự thi cấp huyện, cấp tỉnh. Lúc này quê hương Nam Trực đang trên đà phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, tạo tiền đề xây dựng NTM. Ở cương vị nào, tôi cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao vì đây là trách nhiệm và cũng niềm tự hào của người giáo viên trên quê hương Trạng Nguyên Nguyễn Hiền (1234-1256).

Với cương vị Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, cô chỉ đạo toàn diện các hoạt động giáo dục đại trà và bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG), phân công nhiệm vụ hợp lý, sắp xếp lịch làm việc khoa học, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, trong công tác bồi dưỡng HSG, ngay từ khi học sinh vào lớp 6, cô chỉ đạo giáo viên phân loại đối tượng học sinh để phát hiện HSG và thành lập đội tuyển chính thức, có kế hoạch phân hóa, bồi dưỡng HSG ngay trong từng tiết học buổi sáng và chuyên sâu trong các buổi chiều bồi dưỡng HSG theo lịch của nhà trường.

Đổi mới, sáng tạo trong quản lý và dạy học

Yêu cầu nâng cao chất lượng dạy - học đối với Trường THCS Nguyễn Hiền là trường trọng điểm chất lượng cao của huyện luôn được đặt lên hàng đầu. Với nhiệm vụ phụ trách chuyên môn, cô Ngọc yêu cầu: Hàng tháng giáo viên có bài kiểm tra đánh giá tiến bộ của học sinh, khen thưởng, khích lệ học sinh kịp thời; phân công giáo viên phụ trách các đội tuyển đúng khả năng, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ kế cận liên tục, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên lao động và cống hiến; tham mưu với Hiệu trưởng có chính sách khen thưởng kịp thời giáo viên có thành tích xuất sắc.

Để minh chứng cho những yêu cầu chất lượng của mình, cô Ngọc trực tiếp tham gia giảng dạy môn Hóa học và bồi dưỡng HSG môn Hóa học. Chất lượng đại trà môn Hóa học ở các lớp cô trực tiếp giảng dạy luôn đạt kết quả cao nhất toàn khối. "Trong công tác bồi dưỡng HSG, tôi luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, phối hợp đồng bộ với các bộ phận chuyên môn để động viên, khích lệ học sinh. 18 năm công tác, tôi đã có trên 1.000 học sinh lớp 8, 9 đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, hơn 200 học sinh đạt giải cấp tỉnh, 85 học sinh đỗ vào THPT chuyên Lê Hồng Phong, trong đó nhiều học sinh đạt Thủ khoa, Á khoa, có điểm Hóa chuyên cao nhất" - cô Ngọc cho biết.

Trường THCS Nguyễn Hiền, điểm sáng chất lượng giáo dục ở vùng NTM Nam Trực.

Trường THCS Nguyễn Hiền, điểm sáng chất lượng giáo dục ở vùng NTM Nam Trực.

Với các kiến thức và kinh nghiệm khi bồi dưỡng HSG môn Hóa học, cô Phạm Thị Ngọc còn tham gia viết sách bồi dưỡng HSG môn Hóa học, là đồng tác giả của 3 cuốn sách bồi dưỡng HSG môn Hóa học do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành mới đây. Cô còn được Đại học Sư phạm Vinh mời tham gia “Hội đồng thẩm định chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên. Cô giáo cũng có rất nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp Sở, cấp tỉnh; đặc biệt, có 2 sáng kiến về STEM và chuyên đề HSG Hóa học theo chương trình liên thông có sức lan tỏa lớn, được áp dụng tại nhiều cơ sở giáo dục trên toàn quốc.

Một số sáng kiến còn được sử dụng làm tài liệu bồi dưỡng HSG và ôn thi vào lớp 10 THPT chuyên môn Hóa học, giúp học sinh có kiến thức chắc chắn, toàn diện, có khả năng vận dụng tốt kiến thức để giải quyết các dạng bài tập, nhất là các bài gắn với thực tế theo hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá hiện nay. Cô Phạm Thị Ngọc và tập thể giáo viên đã đưa Trường THCS Nguyễn Hiền luôn nằm trong tốp đầu tỉnh về chất lượng giáo dục, tỷ lệ HSG đạt giải tỉnh, giải quốc gia luôn ở mức cao. Khi trả lời động lực nào để làm được điều đó cô Ngọc vui vẻ cho biết: Nhìn NTM Nam Trực đang đổi thay hàng ngày, giáo dục cũng phải đổi thay để xứng với vùng quê có truyền thống hiếu học, xứng với quê hương của Trạng nguyên Nguyễn Hiền.

Với uy tín của mình, cô Phạm Thị Ngọc được chọn là thành viên liên minh STEM Việt Nam, tham gia tập huấn cho hàng nghìn giáo viên trong tỉnh và các tỉnh, thành trên cả nước. Cô là giáo viên hướng dẫn nhóm học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền tham gia cuộc thi VEX IQ cấp quốc gia và đã xuất sắc giành giải Nhì toàn đoàn, được chọn dự thi thế giới tại Hoa Kỳ năm 2023. Với những đóng góp trong suốt thời gian công tác, cô giáo Phạm Thị Ngọc đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Nam Định tặng Bằng khen; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo. Mới đây, cô vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ