Nhà đày Buôn Ma Thuột đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt

GD&TĐ - Hướng đến kỷ niêm 44 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, sáng 25/4, tại Nhà đày thành phố Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ đón nhận "Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột", do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt.

Bà H’ Yim Kđoh, tỉnh ủy viên, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt nhà đày BMT.
Bà H’ Yim Kđoh, tỉnh ủy viên, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt nhà đày BMT.

Nhà đày Buôn Ma Thuột do người Pháp xây dựng đầu năm 1930, gồm 6 dãy nhà với hệ thống tường rào bao quanh kiên cố cao tới 4 mét, dày 40 cm. Các góc của Nhà đày đều có trạm canh cao hơn 20 mét. Riêng dãy nhà ngoài cùng gần khu vực cổng ra vào là các xà lim, gông cùm phục vụ việc tra tấn, giam cầm những tù binh được liệt vào dạng đặc biệt nguy hiểm với chế độ thực dân bảo hộ.

Khác với nhà tù Sơn La, Hỏa Lò, Ngục Lao Bảo, Kon Tum… khi dựng lên Nhà đày Buôn Ma Thuột thực dân Pháp đã khai thác tối đa điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Đắk Lắk; nơi “rừng thiêng nước độc”, nóng, lạnh bất thường nên các hạng mục công trình của Nhà đày Buôn Ma Thuột, nhất là khu xà lim có cấu trúc tường và nhiều cửa sổ trên cao, để đón gió độc từ rừng núi xung quanh lùa vào. Với người tù, mỗi cơn gió như đòn roi tra tấn, bị nhiễm khí độc, tù nhân bị mắc nhiều bệnh tật nguy hiểm như: Sốt rét, kiết lị, thổ tả… nhiều người đã hy sinh tại nơi đây. Đó chính là ý đồ thâm độc của thực dân Pháp bởi bọn chúng từng tuyên bố: “Không cần công khai bắn chết tù nhân, chỉ cần giam ở đây cho hít thở không khí nơi này và uống những dòng nước suối là người tù sẽ chết dần chết mòn”.

Trước âm mưu, chính sách tàn bạo, dã man của chế độ ngục tù của thực dân đế quốc cùng với việc sử dụng đòn roi, cùm kẹp, ăn uống bữa mặn bữa nhạt, tận dụng hết sức lực tù nhân để lao động khổ sai mở các con đường chiến lược, đặc biệt sử dụng sức lao động của người tù để xây dựng nhà tù giam chính bản thân họ... Các chiến sĩ cách mạng ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã đồng lòng, đoàn kết, thống nhất ý chí, vượt mọi khó khăn, thử thách, biến Nhà đày Buôn Ma Thuột thành “Một trường cao cấp về Chủ nghĩa Cộng sản”để những người cộng sản lớp trước đào tạo, rèn luyện cho những chiến sỹ cách mạng lớp kế sau về lý tưởng cộng sản, lý luận Mác - Lênin, về đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới, về phẩm chất của những người Cộng sản.

Ông Đặng Gia Duẩn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết: sau cách mạng Tháng Tám đến nay, số đồng chí bị giam cầm ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ trọng trách của Đảng, Nhà nước, quân sự và các đoàn thể quần chúng. Trong đó có 5 đồng chí trong Bộ Chính trị, 4 đồng chí trong Ban Bí thư, 19 đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 1 đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, 4 Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, 43 Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương, 33 Bí thư Xứ ủy, Khu ủy và Tỉnh ủy, 44 tướng lĩnh trong đó có 2 đại tướng, 2 thượng tướng và 50 đại tá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ