Nhà dân trong trường học: Lắm nỗi bất an

GD&TĐ - Nhiều năm qua cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM (Phường 11, Quận 6, TPHCM) vẫn nơm nớp lo sợ tình trạng mất an ninh, an toàn trường học.

Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM nơi có 29 hộ dân sinh sống ở trong khuôn viên trường. Ảnh: TG
Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM nơi có 29 hộ dân sinh sống ở trong khuôn viên trường. Ảnh: TG

Lí do là phải chịu cảnh có 29 hộ dân đi lại sinh sống ngay trong khuôn viên trường. Ngày ngày, bảo vệ nhà trường phải túc trực 24/24 giờ để mở cổng ra vào cho gần trăm cư dân đang sống tại đây “đi nhờ”.

Bảo vệ “tăng ca”

TS Phạm Đức Khiêm - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM cho biết: 29 hộ dân với gần 100 nhân khẩu đang sống khuôn viên trường và ngày ngày “đi nhờ” cổng của Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM để ra đường Nguyễn Văn Luông (Phường 11, Quận 6).

Trước đây, phần đất 3.728m2 này được Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ (sau này là Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM) phân lô và cấp cho các hộ dân theo Quyết định số 193/QĐ-ĐĐ ngày 1/3/1993 của Ban Quản lý ruộng đất TP.

Tháng 10/2011, UBND Quận 6 có văn bản đề nghị Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm (tên cũ của Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM) xây dựng, sửa chữa tường bao của trường để tạo lối đi cho các hộ dân này đi qua hẻm 177 Nguyễn Văn Luông, diện tích nâng cấp 79,3m2.

Nhà trường đã đề xuất Sở GD&ĐT TPHCM được dùng nguồn vốn ngân sách chi thường xuyên năm 2011 để xây dựng hẻm 177 cho các hộ dân. Đến ngày 16/11/2011, công tác thi công hoàn thành, đồng nghĩa các hộ dân có hẻm riêng để đi (hẻm 177) từ năm 2011.

Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn 9 năm, các hộ dân ở đây vẫn chỉ ra vào bằng cổng chính của trường, thay vì đi hẻm 177. Người dân trong khu dân cư này cũng xây tường chắn luôn lối thông ra hẻm 177. Lí do theo một cư dân ở đây cho biết họ phản đối không đi hẻm 177, chọn “đi nhờ” vào trường vì… hẻm quá nhỏ, chỉ có hơn 3 mét. Điều này đặt nhà trường vào tình thế bị ép buộc “phải cho đi nhờ”, vì nếu không thì gần 100 hộ dân không còn đường ra ngoài.

Theo anh Huỳnh Văn Hiền - bảo vệ Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM, nhà trường có quy định về giờ ra vào cổng: Cổng 1 từ 6 giờ -18 giờ; cổng 2 từ 18 giờ - 22 giờ, sau 22 giờ chỉ giải quyết ra/vào cổng đối với người và xe thuộc khu hộ dân. Thế nhưng vẫn có một số hộ dân không chấp hành, có khi còn hăm dọa cho xe cán vào chân bảo vệ... mỗi khi yêu cầu họ dừng xe. Bảo vệ buộc phải túc trực 24/24 giờ để mở cổng cho cư dân khi cần.

Xe hàng thường đi vào khu nhà ở của các hộ dân trong khuôn viên Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: TG
Xe hàng thường đi vào khu nhà ở của các hộ dân trong khuôn viên Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: TG

Nguy cơ mất an toàn trong mùa dịch Covid-19

TS Phạm Đức Khiêm cho biết: Nhà trường có hơn 5.000 HS - SV  theo học. Ngoài ra gần đây, trường phải tiếp nhận thêm hơn 800 học sinh (HS) Trường THPT Bình Phú (Quận 6) đến học tạm trong thời gian chờ đợi trường sửa chữa. Để bảo phòng dịch, nhà trường tuyên truyền đến cán bộ và HS - SV thực hiện các khuyến cáo y tế,  yêu cầu đo thân nhiệt, sát khuẩn cũng như đeo khẩu trang khi đến trường.

Song việc đi lại của các hộ dân ở đây gây mất an toàn trường học, nhất là công tác phòng dịch Covid-19. Nhà trường không thể kiểm soát được gần 100 nhân khẩu của 29 hộ dân này.

Theo TS Phạm Đức Khiêm, mặc dù trường có quy định khi đi ra vào cổng phải xuống xe, thực hiện các hướng dẫn của bảo vệ, cũng như quy định về lưu thông khi đi ô tô, xe tải vào khuôn viên trường nhưng người dân vẫn ra vào bất cứ lúc nào. Những hình ảnh camera trường đã gửi cho cơ quan chức năng cho thấy nguy cơ xung đột ngay cổng ra vào lúc đầu giờ sáng, ra về rất lớn.

“Trường phải đặt các biển báo giảm tốc độ, gờ giảm tốc tại sân trường, để người dân thấy và thực hiện... Đồng thời, nhà trường tiếp tục kiến nghị chính quyền địa phương tuyên truyền đến người dân sớm mở lại hẻm 177 để đi lại, trả lại khuôn viên sư phạm an toàn cho nhà trường”, TS Khiêm chia sẻ.

Em Trần Quách Ngọc - SV năm 2, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM chia sẻ: “Có khi trong giờ ra chơi có xe người dân di chuyển trong khuôn viên sân trường, chúng em thật sự lo lắng về sự an toàn của mình”.

Sở GD&ĐT TPHCM vừa có buổi làm việc với các bên liên quan nhằm tìm hướng giải quyết triệt để cho bài toán lối đi tại đây. Về chủ trương, cơ sở pháp lý có đủ, giờ dựa vào đó để thực hiện. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề liên quan tới thay đổi sinh hoạt của người dân không thể một sớm một chiều. Sở GD&ĐT TPHCM cũng đề nghị UBND Quận 6 đưa ra kế hoạch thực hiện sớm, có thể có trong tháng 12, để Sở GD&ĐT phối hợp thực hiện, khó khăn chỗ nào các bên sẽ cùng nhau giải quyết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ