Nhà báo Trần Mai Hưởng 'cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được sống và viết'

GD&TĐ - Nhà báo Trần Mai Hưởng luôn cảm ơn cuộc đời đã cho ông được sống và viết, được đắm mình trong con chữ bằng cảm xúc chân thành, nồng cháy nhất.

Nhà báo Trần Mai Hưởng (bìa phải) tặng sách cho các nhân chứng lịch sử. Ảnh: Thảo Quyên.
Nhà báo Trần Mai Hưởng (bìa phải) tặng sách cho các nhân chứng lịch sử. Ảnh: Thảo Quyên.

Là phóng viên chiến trường, nhà báo Trần Mai Hưởng từng vào sinh ra tử trong các cuộc chiến ác liệt; được chứng kiến, ghi và chụp lại những khoảnh khắc của lịch sử, nhất là đã chụp bức ảnh xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.

Mới đây, ông đã ghi chép lại những điều đó trong cuốn hồi ký “Phóng viên chiến trường” (NXB Thông tấn).

Cuộc gặp gỡ xúc động

Cuốn hồi ký 'Phóng viên chiến trường'. Ảnh: Thảo Quyên.

Cuốn hồi ký 'Phóng viên chiến trường'. Ảnh: Thảo Quyên.

Không gian tầng 3 trụ sở Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN - số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) chật kín người. Tất cả cùng hồi hộp đón chào sự kiện ra mắt cuốn hồi ký “Phóng viên chiến trường” (NXB Thông tấn) của nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN.

Cuốn hồi ký - nói như cách của nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - “không chỉ có những bước chân mà còn có cả vị mặn của mồ hôi và màu đỏ của máu; có những thao thức, chiêm nghiệm về hành trình của một đời người qua những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh và hòa bình”.

Có cảm tưởng cuộc ra mắt cuốn hồi ký “Phóng viên chiến trường” của nhà báo Trần Mai Hưởng như một cuộc hội ngộ đầy lưu luyến và nghĩa tình. Ở đó có sự hội ngộ giữa những người làm báo trong chiến trường - những nhân chứng của lịch sử, giữa những người làm báo lớn tuổi với những người làm báo trẻ để cùng chung “con tim, nhịp đập” hướng về nghề làm báo đầy vinh quang, tự hào.

Trong các đại biểu dự buổi lễ có một người đặc biệt đến từ thị trấn Ba Sao (Hà Nam). Ông mặc chiếc áo lính đã bạc màu, cổ và tay đã sờn chỉ. Ông lặng lẽ quan sát những vị khách với sự mong chờ “biết đâu gặp lại được đồng đội của mình”.

Ông chăm chú đọc từng trang của cuốn sách như tìm lại “hình bóng” của chính mình và đồng đội vậy. Người đó là cựu chiến binh Trần Bình Yên - người lái xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 mà nhà báo Trần Mai Hưởng đã “chớp” được khoảnh khắc lịch sử đó trong bức ảnh nổi tiếng của mình.

Nhà báo Trần Mai Hưởng đã trân trọng dành hơn 30 phút để giới thiệu từng người có mặt tại buổi lễ và cả những người vì lý do khác nhau không thể đến.

Ông đã không ít lần gạt tay lau nước mắt khi nhắc đến những nhân vật trong những bức ảnh, dòng tin của mình, như: Nữ du kích Thu Hồng (Bí thư Đoàn xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) hy sinh trong chiến dịch Tổng tiến công tháng 3/1972, má Bảy Hương – mẹ Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng (tức chị Sứ)…

Dường như, ông không muốn họ bị lãng quên trong buổi lễ mà đáng ra họ phải là những người được tôn vinh còn ông chỉ là người ghi, chép lại khoảnh khắc, sự kiện của lịch sử. Với ông, chính họ là những “bông hoa” ngát hương của chiến trường.

Nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách. Ảnh: Thảo Quyên.

Nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách. Ảnh: Thảo Quyên.

Xông pha nơi tuyến đầu

Nhà báo Trần Mai Hưởng tham gia hầu hết các chiến trường, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam rồi chiến tranh biên giới phía Bắc. Ông là một nhà báo chiến trường đúng nghĩa - luôn xông pha ở những tuyến đầu, nơi “mũi tên hòn đạn”, nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết rất đỗi mong manh.

Thế nhưng, qua những bức ảnh và cả những ký ức trong cuốn sách “Phóng viên chiến trường”, người đọc chỉ thấy một tinh thần phơi phới, lạc quan, tràn đầy niềm tin và hy vọng của ông và những người cùng thế hệ. Thật đúng như tâm thế ông chia sẻ: “Với thế hệ chúng tôi, ra trận như một lẽ tất nhiên…”.

Sinh thời, nhà báo Đỗ Phượn - nguyên Tổng Giám đốc TTXVN thường nói: “Trần Mai Hưởng là chàng trai rất may mắn”. Điều này đã một lần nữa được người em, người kế nhiệm ông ở cương vị Tổng Giám đốc TTXVN - nhà báo Nguyễn Đức Lợi (hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam) nhắc lại tại buổi lễ.

Nhưng nhà báo Nguyễn Đức Lợi cũng khẳng định: “Đúng là cuộc đời anh có nhiều may mắn khi được tham dự, được chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử của dân tộc. Nhưng để có được sự may mắn đó phải là năng lực, trình độ, phẩm chất sáng ngời của anh mà lãnh đạo TTXVN thời ấy đã sớm nhận ra”.

Từng ra mắt các tập truyện ký “Quê nam”, bút ký “Năm tháng xa xanh” rồi gần đây là 3 tập thơ “Lời người bán rong”, “Tuổi heo may”, “Trên đỉnh Ngọa Vân” nhưng ở tuổi 71, khi chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, ông mới cầm bút viết lại những điều “mắt thấy tai nghe” trong cuộc chiến một cách rành rọt, tỉ mỉ như vậy.

Phải chăng, phải có độ lùi thời gian thì người cầm bút mới đủ “dũng khí”, đủ sự nhạy bén, sắc sảo và trải nghiệm đường đời để viết lại những điều “gan ruột” ấy? Hồi ký là thể loại dễ viết nhưng khó hay, dễ rơi vào những ký ức vụn vặt, lan man nhưng ông đã vượt qua điều đó để viết có trọng tâm, trọng điểm, làm chủ được cảm xúc, để viết “chất phác mà rất giàu chất thơ” như đánh giá của nhà báo Lê Quốc Minh trong phần giới thiệu cuốn sách.

Ông đã viết cuốn hồi ký “Phóng viên chiến trường” trên tâm thế, trách nhiệm của một “người trong cuộc” với niềm khắc khoải “Tay run mình đỡ tháng năm/ Nghe thời gian khẽ chảy ngang mặt người”.

Qua hồi ký, ông muốn gửi gắm tâm tư của những người làm báo trong chiến tranh đến thế hệ phóng viên trẻ, nhấn mạnh dù ở thời kỳ nào, nhà báo luôn phải trau dồi tri thức, bản lĩnh, dành tâm huyết phụng sự đất nước, con người. Ngoài ra, ông cũng thể hiện lòng biết ơn với cơ quan báo chí đã đào tạo và rèn luyện để ông có được sự trưởng thành trong nghề.

Trong phần mở đầu cuốn hồi ký “Phóng viên chiến trường”, nhà báo Trần Mai Hưởng đã kể những dòng đầu tiên về hình ảnh cậu bé Trần Mai Hưởng mới 13 tuổi rời thị xã ở Hải Dương đi sơ tán cùng em gái khi máy bay Mỹ ném bom ra miền Bắc.

Khi ấy, ông đã sớm dự cảm “một sự thay đổi lớn” về “những ngày thanh bình sẽ không còn”. Sau đó, là bước ngoặt, cơ duyên đưa ông đến với nghề báo ở TTXVN với những trải nghiệm thực sự khốc liệt trong chiến trường như những câu thơ ông viết: “Tóc râu giờ bạc trắng rồi/ Mà toàn nói chuyện một thời còn xanh/ Mấy lần thần chết gọi anh/ Còn duyên còn nợ chưa đành ra đi...”.

Dẫu vậy, ông vẫn dành những câu từ đẹp nhất để nói về nghề báo: “Những con chữ đong đầy mưa nguồn và chớp bể”, “Ngọn bút xuyên đêm cày lên giấy trắng/ Gian nan những nỗi đoạn trường”, “Những con chữ tìm tổ bay về/ Như một đàn ong cần mẫn”…

Nhà báo Trần Mai Hưởng chụp ảnh lưu niệm với các bạn trẻ sau khi đã ký tặng sách. Ảnh: Thảo Quyên.

Nhà báo Trần Mai Hưởng chụp ảnh lưu niệm với các bạn trẻ sau khi đã ký tặng sách. Ảnh: Thảo Quyên.

Lãng mạn một hồn thơ

Đằng sau vẻ phong trần, “bụi bặm” của một phóng viên chiến trường, ở Trần Mai Hưởng là một hồn thơ lãng mạn, bay bổng, yêu vẻ đẹp của cuộc sống đến lạ kỳ. Ông sáng tác thơ hằng ngày, bám vào những vấn đề nóng bỏng, thời sự.

Trong thơ, ông dùng câu từ giản dị mà sâu sắc, thể hiện một trái tim yêu đời, yêu người, luôn trách nhiệm với cuộc sống. Những bài thơ “Nhân dân không có nhiệm kỳ”, “Tổ quốc ở Tiên Lãng”, “Nhân dân”, “Mặt thật”… đã khắc sâu những điều đó.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nhận xét: “Là nhà báo có những năm tháng đi qua chiến tranh, cận kề cái chết nên một đặc điểm nổi trội trong thơ của Trần Mai Hưởng là chính luận thời sự. Nhưng chính trị mà ông mang vào thơ là chính trị lương tâm, thời sự mà ông mang vào thơ ông là thời sự của một lịch sử dân tộc, của nhân dân”.

Cuộc đời của nhà báo Trần Mai Hưởng gắn bó với nghề báo, với TTXVN từ năm 17 tuổi. Bởi vậy, khi rời nhiệm sở đến hơn 10 năm, ông vẫn giữ được tinh thần của “người Thông tấn”, đó là sự nhanh nhạy, thời sự, đi nhiều, viết “khỏe”.

Gần đây, ông cùng một số nhà báo hưu trí thân thiết, như Ngô Hà Thái, Lê Duy Truyền, Nguyễn Tiến Lễ… thường xuyên có mặt trên những cung đường dọc dài đất nước. Thành quả sau các chuyến đi là những bài thơ, bài báo hết sức nghĩa tình, ấm áp, ngồn ngộn thông tin và cảm xúc chân thành.

Dường như ông vẫn đang trên một cuộc hành trình mới để đi tìm một điều gì đó, để “cảm ơn cuộc đời đã cho ông được sống và viết trên nẻo đường chiến tranh và hòa bình”.

Nhiều người khi đến thăm tư gia của ông ở Khu tập thể Bách Khoa (Hà Nội) đều ngạc nhiên khi thấy ông “quan báo” một thời có cuộc sống hết sức giản dị. Căn nhà nhỏ đã bạc màu của thời gian, năm tháng.

Điều quý giá nhất trong căn phòng khách là những bức ảnh gắn bó với một thời làm báo của ông. Ngôi nhà đó cũng trở nên hiu quạnh khi mấy năm nay người vợ hiền của ông rời xa trần thế.

Vượt qua nỗi buồn cá nhân, ông lao vào sáng tác văn học, nghệ thuật, báo chí, lao vào những cuộc lãng du, rong chơi với con chữ để lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn. Sáng tác thơ khá nhiều, từng ra mắt nhiều tập thơ được đánh giá cao nhưng ông chỉ nhận mình là một nhà báo yêu thơ mà không có ý định sẽ tham gia sinh hoạt tại hội thơ nào.

Nhà báo Trần Mai Hưởng luôn cảm ơn cuộc đời đã cho ông được sống và viết, được đắm mình trong con chữ bằng cảm xúc chân thành, nồng cháy nhất. Ở tuổi 71, trời phú cho ông sức khỏe, sự dẻo dai và một tâm hồn lai láng, bay bổng. Chính vì điều đó, bạn đọc, những người yêu mến ông đang đón đợi cây bút kỳ cựu này cho ra đời những tác phẩm văn học, báo chí có giá trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ