Chiều 26/3, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo Lao Động) cho biết, anh đang tiếp tục làm việc với Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Hà Nội) để cùng nhà chức trách tìm ra manh mối bắt nhóm côn đồ đánh mình.
"Họ đánh tôi có kế hoạch"
Ba ngày sau khi bị nhóm người lạ mặt hành hung, phóng viên Đỗ Doãn Hoàng cho biết sức khỏe anh đang dần bình phục. Nhà báo 40 tuổi nói kết quả kiểm tra sức khỏe cho thấy anh bị dập xương ngón tay, xước da cằm và may mắn không gặp thương tích nặng nào khác dù bị kẻ xấu tấn công bằng vật cứng.
“Với tôi, việc bị đe dọa là hết sức bình thường. Tôi vẫn thường đối mặt với nó khi thực hiện các loạt bài điều tra, nhưng bị đánh thì chưa” - nhà báo từng 4 lần đạt Giải báo chí Quốc gia chia sẻ.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ với vết thương ở ngón tay. Ảnh: Việt Đức. |
Trả lời câu hỏi có nghi ngờ ai đánh hoặc thuê đánh mình không, bị hại trong vụ việc nói bản thân sẽ không nghi oan cho người khác và chờ kết luận cuối cùng của cơ quan công an.
“Chắc chắn đây không phải một vụ va cham giao thông, hay xích mích do nhìn đểu thông thường, mà là kế hoạch họ tổ chức đánh tôi” - nhà báo chuyên viết điều tra khẳng định.
Ngày 26/3, liên quan đến vụ nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm.
Theo nạn nhân, quá trình điều tra, cơ quan công an đã tới hiện trường ghi lời khai nhân chứng. “Tôi nghe người dân xung quanh nói với công an rằng những kẻ đánh tôi đã theo dõi tôi từ xa” – nhà báo Đỗ Doãn Hoàng kể.
Sau sự việc, phóng viên báo Lao Động cho hay, anh có nghe công an thông báo về kế hoạch bảo vệ mình. Tuy nhiên, anh nói "chưa cảm thấy được an toàn".
“Công an Hà Nội đang nỗ lực tìm thủ phạm. Tôi tin tưởng sẽ có kết quả” - anh Hoàng chia sẻ với Zing.vn.
Gây án có tổ chức
Nói về việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị nhóm người lạ hành hung hôm ngày 23/3, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, kẻ gây án đã có hành vi thách thức, coi thường pháp luật.
Nhấn mạnh tới hành vi côn đồ hung hãn khi đánh nạn nhân, luật sư Thơm cho rằng nhóm người xấu đã lập kế hoạch, chuẩn bị rất kĩ trước khi hành hung nhà báo ở đoạn đường vắng người qua lại.
Theo vị luật sư, những kẻ đánh phóng viên báo Lao Động có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự.
Để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này, luật quy định tỷ lệ thương tích của nạn nhân phải từ 11% trở lên, hoặc trường hợp tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Do đó, việc xác định tỷ lệ thương tật của nhà báo Hoàng rất quan trọng.
Luật sư Thơm phân tích, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị đánh dập ngón tay nên có thể thuộc trường hợp “gây cố tật nhẹ”, theo điểm b, khoản 1, Điều 104 Bộ luật hình sự.
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2003 NQ-HĐTP ngày 17/04/2003 quy định: Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân là trường hợp làm mất chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân.
Trong vụ việc này, nếu kết quả giám định của cơ quan chuyên môn xác định tỷ lệ thương tật của nhà báo dưới 11%, thì nhóm côn đồ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, Điều 104 Bộ luật hình sự với tình tiết “có tính chất côn đồ”.
“Chúng ta không loại trừ khả năng nhóm côn đồ được thuê đánh trả thù nhà báo. Nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh thì nhóm này có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm h, Khoản 1, Điều 104 Bộ luật hình sự: “Thuê người gây thương tích hoặc gây thương tích thuê” - luật sư Thơm nêu quan điểm.
Trước đó, sáng 23/3, khi đi đến đường dẫn vào công trình xây dựng gần vành đai 3 (phía sau chung cư Kim Văn Kim Lũ ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để đến tòa soạn, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị 3 người đàn ông to cao cầm gậy chặn lại đánh tới tấp.
Mặc cho nạn nhân hô là đánh nhầm người nhưng nhóm lạ mặt không dừng tay. Bị đánh liên tiếp khiến anh Hoàng sưng tấy khắp người, dập nát ngón trỏ tay phải. Chỉ khi bị hại nằm bất động, nhóm người này mới rời đi.
Ông Trần Duy Phương, Tổng biên tập báo Lao động cho biết, anh Đỗ Doãn Hoàng gần đây đang viết nhiều phóng sự điều tra. Trong quá trình thực hiện các phóng sự điều tra, anh Hoàng bị rất nhiều người đe dọa.
Đỗ Doãn Hoàng sinh năm 1976, công tác ở báo Lao Động được 12 năm. Với nhiều phóng sự điều tra, anh từng 4 lần đạt Giải báo chí Quốc gia và hàng chục giải thưởng báo chí, văn chương khác.
Năm 2015, Đỗ Doãn Hoàng được bầu chọn là nhà báo xuất sắc trong lĩnh vực điều tra chống lại nạn giết hại, buôn bán động vật hoang dã sau các chuyến tác nghiệp xuyên quốc gia.
Điều 104, Bộ luật hình sự: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Việt Đức