Từ trạm Mir, với những tin tức gửi về, ông trở thành nhà báo đầu tiên tác nghiệp trên không gian.
Từ đài truyền hình đến trạm không gian
Từ đầu những năm 1980, Nhật Bản đã mong muốn đưa công dân của mình vào không gian. Không có công nghệ tên lửa hoặc chuyên môn riêng, cơ quan vũ trụ Nhật Bản ban đầu tìm kiếm cơ hội trên tàu con thoi của Mỹ. Nhưng thảm họa Challenger năm 1986 khiến các phi vụ có người lái bị gác lại, làm chậm trễ tham vọng này của người Nhật.
Thất vọng vì tiến độ chậm chạp từ các sáng kiến không gian của NASA, Đài Truyền hình TBS đã nắm bắt cơ hội với Liên Xô. Trong một động thái táo bạo, TBS đã xây dựng kế hoạch với mong muốn trở thành màn quảng cáo lớn nhất trong lịch sử truyền hình Nhật Bản. Bằng cách đưa một nhà báo lên Trạm vũ trụ Mir với chi phí 12 triệu USD, TBS nhắm đến mục tiêu tăng mạnh số lượng người xem.
Vào ngày 2/12/1990, Akiyama đã bay vào không gian trên tàu vũ trụ Soyuz TM-11, cùng với chỉ huy sứ mệnh Viktor Afanasyev và kỹ sư chuyến bay Musa Manarov. Đây là lần đầu tiên một người không phải là phi công, nhà khoa học hay kỹ sư bay vào không gian và cũng là lần đầu tiên một cơ quan vũ trụ “bán chỗ ngồi” trên chuyến bay vũ trụ, báo hiệu sự khởi đầu của chương trình thương mại hóa không gian. Bản thân Soyuz TM-11 biểu hiện cho sự thay đổi này, nó được trang trí bằng logo của các nhà tài trợ Nhật Bản.
Minolta Camera và một nhà sản xuất thiết bị karaoke đã vẽ thông điệp của họ lên bệ phóng, những nhà tài trợ khác tranh giành vị trí trên áo phông của các phi hành gia.
Tuy nhiên, thành tựu này không được mọi người ca ngợi. Chính phủ Nhật Bản, thất vọng vì vinh dự đưa công dân Nhật Bản đầu tiên lên vũ trụ lại thuộc về một đài truyền hình tư nhân, thay vì cơ quan vũ trụ quốc gia, đã xem sự kiện này với sự pha trộn giữa tự hào và bất mãn.
Trong khi đó, phương tiện truyền thông phương Tây chế giễu Akiyama là một “du khách vũ trụ” và miêu tả ông như một anh hùng bất đắc dĩ, nhấn mạnh sở thích của ông đối với rượu whisky và thuốc lá hơn là xu hướng tập luyện thể thao thường thấy ở các phi hành gia.
Hành trình của Akiyama bắt đầu bằng một quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt. Trong số 163 đơn đăng ký từ các nhân viên của đài truyền hình, hai người vào chung kết là Ryoko Kikuchi, nữ quay phim 26 tuổi, có sở thích leo núi, đạp xe, trượt tuyết và Akiyama, biên tập viên cao cấp 48 tuổi với lịch trình làm việc luôn căng thẳng cùng thói quen nghiện thuốc nặng. Khi Kikuchi phải rút lui do vấn đề sức khỏe, người đàn ông trung niên thấy mình phải gánh vác toàn bộ khoản đầu tư hàng triệu đô la của TBS trên vai.
Vào thời điểm Akiyama trải qua khóa đào tạo khắc nghiệt tại Trung tâm đào tạo phi hành gia Yuri Gagarin ở Moscow, TBS đã phát sóng các video về nỗ lực của nhà du hành vũ trụ tương lai trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Liên Xô. Khi đã lên quỹ đạo, Akiyama nhanh chóng thừa nhận, mặc dù đã trải qua một năm rưỡi chuẩn bị nghiêm ngặt, ông không hoàn toàn thích ứng với tình trạng không trọng lực.
Phần lớn thời gian trong sứ mệnh kéo dài 8 ngày, Akiyama bị say tàu vũ trụ, nghiêm trọng đến mức một trong những người bạn đồng hành của ông đã nhận xét “chưa bao giờ thấy một người đàn ông nôn nhiều như vậy”. Là một người nghiện thuốc lá trước khi được đào tạo, Akiyama đã giảm đáng kể thói quen này, cuối cùng đã bỏ hẳn để chuẩn bị cho thời gian không khói thuốc trên Mir.
Từ trạm Mir, Akiyama đã phát sóng theo lịch trình hằng ngày, mô tả cuộc sống trên trạm vũ trụ và những khó khăn của ông khi là một phi hành gia bất đắc dĩ. “Tôi ước phải chi mình mang theo một ít natto”, ông trầm ngâm trong giờ ăn tối. Natto là loại đậu nành lên men có mùi hôi mà ngay cả nhiều người Nhật cũng nói rằng họ không thể nuốt nổi.
Akiyama cũng báo cáo về các thí nghiệm được tiến hành trên Mir, chẳng hạn như thí nghiệm với ếch cây xanh. Ông cho biết, những con gầy luôn vật vã, trong khi những con nặng hơn dường như phát triển mạnh. “Những con ếch Nhật Bản béo thích cảm giác không trọng lượng, còn những con gầy hành động như thể chúng muốn quay trở lại Yokohama”, Akiyama nói đùa.
Trở thành chuyên gia nông nghiệp
Bất chấp chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ và phản ứng rất nhiệt tình từ các viên chức TBS, mục tiêu đầy tham vọng của đài truyền hình này là chiếm lĩnh vĩnh viễn một phần lớn hơn thị trường truyền hình quốc gia đã không thành hiện thực.
Trong khi các chương trình phát sóng ban đầu về sứ mệnh không gian của Toyohiro Akiyama đã thu hút được lượng người xem tăng đột biến, thì sự mới lạ này nhanh chóng biến mất vào những ngày sau đó.
Đến giữa tuần, tỷ suất người xem đã giảm xuống chỉ còn cao hơn một chút so với mức bình thường của kênh. Akiyama trở về Trái đất và khi ra khỏi khoang, ông được cho là đã yêu cầu một cốc bia và một điếu thuốc.
Nhà báo và phi hành gia này hiện sống tại Nhật Bản, nơi ông chuyển hướng tập trung vào giáo dục môi trường và nông nghiệp. Ông rời bỏ sự nghiệp báo chí vào năm 1995, bắt đầu làm nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Fukushima.
Sau thảm họa hạt nhân tại đây năm 2011, Akiyama phải từ bỏ trang trại của mình, chuyển sang học thuật. Từ tháng 11/2011, ông là Giáo sư chuyên ngành nông nghiệp tại Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Kyoto. Công việc của ông nhấn mạnh vào tính bền vững và ông đã viết nhiều bài báo về các vấn đề môi trường và thám hiểm không gian.
Phần lớn thời gian trong sứ mệnh kéo dài 8 ngày, Akiyama bị say tàu vũ trụ, nghiêm trọng đến mức một trong những người bạn đồng hành của ông đã nhận xét “chưa bao giờ thấy một người đàn ông nôn nhiều như vậy”. Là một người nghiện thuốc lá trước khi được đào tạo, Akiyama đã giảm đáng kể thói quen này, cuối cùng đã bỏ hẳn để chuẩn bị cho thời gian không khói thuốc trên Mir.