Vụ án Công ty Alibaba lừa đảo hơn 4.500 người:

Nguyễn Thái Luyện bị đề nghị mức án chung thân

GD&TĐ - Ngày 19/12, TAND TPHCM tiếp tục đưa ra xét xử vụ án Nguyễn Thái Luyện cùng 22 bị cáo khác bị truy tố các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền.

Nguyễn Thái Luyện (phải) bị đề nghị mức án chung thân.
Nguyễn Thái Luyện (phải) bị đề nghị mức án chung thân.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì bán thứ mình không có

Trong buổi xét xử sáng 19/12, đại diện Viện KSND TPHCM (VKS) luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba do bị cáo Nguyễn Thái Luyện làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc điều hành.

Theo cáo trạng, Luyện thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty CP địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba), giao những người thân tín đứng tên. Các công ty này mua một số lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh, thành như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và tự vẽ ra 58 dự án “ma”, quảng bá là dự án khu dân cư để bán cho khách hàng. Qua đó, Luyện và đồng phạm chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng của 4.550 khách hàng.

VKS đề nghị Nguyễn Thái Luyện tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh này, VKS đề nghị Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện, Giám đốc Công ty Alibaba), Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (nhân viên pháp lý Công ty Alibaba) từ 16 - 18 năm tù; các bị cáo đồng phạm tội lừa đảo còn lại bị VKS đề nghị từ 13 - 20 năm tù.

Nhóm tội rửa tiền và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, VKS tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh và đề nghị Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện, Tổng Giám đốc tài chính), bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai bị cáo Luyện) cùng mức án 30 năm tù. Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán) bị VKS đề nghị từ 5 - 6 năm tù về tội rửa tiền.

Luận tội lừa đảo của các bị cáo, VKS phân tích nguồn tiền mua đất nông nghiệp của Luyện là từ chính khách hàng. Bị cáo tự vẽ 58 dự án, hơn nữa đất nông nghiệp Luyện thu mua không thể phân lô bán nền dưới dạng thổ cư thời hạn sử dụng lâu dài, nhưng bị cáo vẫn lập thỏa thuận, cam kết mua bán với khách hàng.

Theo xác minh tại các cơ quan chức năng liên quan, không có doanh nghiệp nào gửi hồ sơ xin giấy phép đầu tư, lập dự án đối với 58 dự án liên quan trong vụ án. Ngoài ra, một số đất nông nghiệp, Luyện và đồng phạm chỉ mới nhận tiền đặt cọc, hoặc thỏa thuận mua nhưng vẫn lập dự án, bán cho khách hàng.

Quyền lợi khách hàng sẽ ra sao?

Ngoài việc luận tội và đề nghị mức án cho các bị cáo, VKS cũng đề nghị HĐXX buộc Nguyễn Thái Luyện và vợ là bị cáo Võ Thị Thanh Mai bồi thường hơn 2.400 tỷ đồng cho 4.550 người bị hại.

Sau khi nghe VKS luận tội và đề nghị mức án, nhiều người không hỏi băn khoăn về việc xử lý quyền và lợi ích của hàng ngàn khách hàng bị Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn lừa đảo sẽ ra sao.

Anh Nguyễn Minh Hùng (quận Gò Vấp, TPHCM), người bị Luyện lừa mua 3 nền đất tại dự án Long Phước 6 cho biết anh bỏ tổng cộng 1,4 tỉ đồng để đầu tư vào 3 nền đất trên với mong muốn sau 24 tháng có thể nhận cả gốc và lãi như cam kết. Tuy nhiên, theo anh với mức án mà Luyện bị VKS đề nghị, anh vô cùng lo lắng bởi nguy cơ khó có thể lấy lại cả gia tài mình đã mang đi đầu tư.

“Tôi thật sự rất hoang mang bởi theo thông tin từ HĐXX, các lô đất mà Luyện sở hữu đều là đất nông nghiệp không có giá trị cao, số tài sản đang lưu giữ cũng không nhiều. Vì vậy, tôi không biết đến bao giờ mình mới có thể lấy lại số tiền đã bị lừa”, anh Hùng nói.

Trước đó, tại phiên xét xử ngày 17/12 trong phần xét hỏi và tiếp nhận trình bày và nguyện vọng của các bị hại, Nguyễn Thái Luyện bày tỏ cam kết sẽ trả toàn bộ số tiền gốc và lãi theo hợp đồng. Ngoài ra, công ty sẽ khắc phục số tiền mà khách hàng phải bỏ ra để đóng lãi ngân hàng trong thời gian qua.

Nguồn tiền để Luyện tự tin đủ bồi thường và khắc phục hậu quả cho 4.550 bị hại, theo bị cáo Luyện, là phần tài sản mà Công ty Alibaba đang có và tài sản công an đang phong tỏa.

Theo thẩm phán Trần Minh Châu, đối với các bị hại yêu cầu được nhận đất, HĐXX sẽ xem xét và nếu đủ điều kiện sẽ chấp nhận yêu cầu; nếu không đủ điều kiện thì HĐXX sẽ bác yêu cầu đó. Còn với những bị hại có yêu cầu và mong mỏi nhận lại tiền đã đầu tư thì HĐXX sẽ căn cứ trên tài liệu, chứng cứ để yêu cầu Công ty Alibaba có trách nhiệm bồi thường.

Theo Luật sư Lê Bá Thường, Đoàn luật sư TPHCM, về nguyên tắc HĐXX sẽ buộc bị cáo Nguyễn Thái Luyện có trách nhiệm bồi thường số tiền mà bị cáo đã lừa đảo hàng ngàn khách hàng. Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn được xem như hành động khắc phục hậu quả của bị cáo với hành vi của mình.

Tuy nhiên, vấn đề là số tài sản cơ quan CSĐT thu giữ, niêm phong trong quá trình điều tra, khởi tố vụ án có bảo đảm cho khả năng bồi thường, hoàn trả cho các bị hại không mới là vấn đề.

Nếu tài sản thu giữ đủ cho số tiền bồi thường cho khách hàng, cơ quan tố tụng sẽ tiến hành các bước theo trình tự thủ tục để đấu giá tài sản nhằm thu lại tiền cho nhà đầu tư. Vì vậy, khách hàng vẫn có hy vọng lấy lại tài sản và vốn liếng đã đầu tư của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ