Trong quá trình vận động tranh cử, ông Donald Trump đã từng tuyên bố nếu trở lại Nhà Trắng một lần nữa, ông sẽ đạt được một thỏa thuận hòa bình với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine chỉ sau 24h.
Sau khi đánh bại Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử ngày 07/11 vừa qua, ông Trump được cho là đã vạch sẵn một bản kế hoạch hòa bình cho Ukraine, mà ông tự tin sẽ nhanh chóng đạt được, ngay sau khi một lần nữa trở thành người đứng đầu Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ vào ngày 20/01/2025.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, để thực hiện được tuyên bố này là điều không hề dễ dàng, ông Trump có lẽ sẽ phải có những nhượng bộ mang tính bước ngoặt mới có thể làm người đồng cấp Nga “xiêu lòng”.
Theo đó, tân Tổng thống Mỹ phải hiểu khái niệm “có đi có lại” trong quan hệ đối ngoại của Nga. “Có đi có lại” là nguyên tắc dễ đoán nhất trong chính sách đối ngoại của Nga, vì vậy các bước đi của Moscow đối với Ukraine là một minh họa tuyệt vời cho phương pháp này.
Nhà ngoại giao Anh và cựu nhân viên Đại sứ quán Anh tại Moscow là ông Ian Proud đã làm rõ điều này trong một bài báo cho tạp chí “Chính sách Nhà nước Có trách nhiệm” (Responsible Statecraft).
Theo ông Ian Proud, Liên bang Nga luôn đáp trả những hành động gây hấn chống lại mình, nhưng cũng không loại trừ hợp tác thực tế, mang tính kinh doanh. Do đó, trên cơ sở này, bất cứ ai cũng có thể làm việc với Tổng thống Vladimir Putin trong mọi trường hợp, miễn là hiểu được ông ấy.
Vì vậy, kỹ năng nổi tiếng mà Trump từng tự hào trong việc vạch ra và thực hiện các thỏa thuận, cũng như giải quyết các vấn đề khó khăn, như những gì ông đã thể hiện trong kinh doanh, sẽ được kiểm tra nghiêm túc trong các cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm của Nga.
Rõ ràng, người đứng đầu Liên bang Nga hiện tin rằng, phương Tây đã bất lực trong nỗ lực gây ra một thất bại chiến lược mang tính quyết định đối với Nga. Ông Ian Proud chỉ ra ba lý do khiến người đứng đầu Điện Kremlin đặt mình vào thế mạnh trong cuộc đàm phán với ông Donald Trump.
Đầu tiên là “sự rõ ràng”.
Mục tiêu đơn giản, không thể nhầm lẫn và thường xuyên được nhắc lại công khai của ông Putin là bác bỏ nguyện vọng của Ukraine gia nhập NATO.
Ông Putin cũng có thể hy vọng vào một sự đổi mới tích cực và bền vững trong quan hệ với Ukraine, khi sự oán giận đối với phương Tây ngày càng gia tăng ở quốc gia này, sau khi cuộc chiến tranh kết thúc.
Bên cạnh đó là Nga tin tưởng vào sự thay đổi quan điểm của một số quốc gia phương Tây đã quá chán nản với cuộc xung đột ở Ukraine.
Thứ hai là “sự quyết tâm”.
Nga đã chứng tỏ được khả năng hành động mau lẹ và dứt khoát, điều mà tập thể phương Tây không có khả năng làm được.
Từ việc can đảm đối đầu với cả thế giới phương Tây, bất ngờ triển khai Chiến dịch Quân sự Đặc biệt là Ukraine, đến khả năng huy động thời chiến và sự kiên định trong các vấn đề mang tính nguyên tắc cốt lõi trong chương trình nghị sự đàm phán với Ukraine đã cho thấy nhà lãnh đạo Nga quyết đoán và quyết tâm thực hiện ý định của mình như thế nào.
Thứ ba là “ý chí chính trị”.
Ông Putin luôn thể hiện ý chí chính trị mang tính dân tộc chủ nghĩa và sử dụng sự ủng hộ trong nước để thúc đẩy chiến lược của mình, theo cách mà phương Tây không thể ngờ được và cũng không thể làm được.
Những tính toán của ông dựa trên một giả định duy nhất (nhưng hóa ra lại rất đúng đắn) rằng, khối phương Tây, đứng đầu là Mỹ, sẽ không dại gì mà đối đầu trực tiếp với Liên bang Nga để bảo vệ Ukraine, mà họ chỉ cung cấp những gì mà mình có (nhưng cũng rất ít ỏi) để Kiev tự đương đầu với Moscow.
Bên cạnh đó, một lợi thế khác của ông Putin là dù thế nào đi nữa, Moscow hiện vẫn ở vị thế cửa trên so với Kiev và phương Tây trước khi bước vào các cuộc đàm phán, bởi Quân đội Nga ngày càng lớn mạnh, ngay cả khi nền kinh tế Nga có thể đang quá nóng do hành động quân sự.
Việc Nga chiếm ưu thế trên chiến trường miền Đông Ukraine và đang từng bước đẩy lùi Lực lượng Vũ trang Ukraine khỏi khu vực Kursk là lý do tại sao ông Putin có thể không vội vàng ký kết một thỏa thuận với bất cứ ai.
Chiếu theo nguyên tắc “có đi có lại”, xét về vị thế của các bên, trong nghệ thuật thỏa thuận, Trump phải sẵn sàng nhượng bộ, nếu mong đợi ông Putin đáp lại để đi đến một thỏa thuận ngừng bắn.
Có thể, cam kết NATO không kết nạp Kiev trong tương lai gần, công nhận tính hợp pháp của những vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga hiện đang kiểm soát, giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, khôi phục vị thế của người Nga và ngôn ngữ Nga ở Ukraine…, sẽ là những cử chỉ tốt để bắt đầu một tiến trình hòa bình trong tương lai.